Một số vấn đề về tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên

16/10/2018 09:06 Số lượt xem: 1067
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã kiểm tra, làm rõ, kết luận, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức Đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức và đã nghỉ hưu.
 

 

Trung ương thì chỉ đạo sát sao, tích cực, quyết liệt và có hiệu quả trong khi đó công tác kiểm tra. giám sát ở các tỉnh vẫn còn tình trạng nhiều vụ, việc nổi cộm gây bức xúc. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” chính là căn bệnh của hệ thống chính trị hiện nay cần phải chữa trị. Để đặc trị căn bệnh này cần phát huy vai trò của UBKT các cấp trong việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường phát hiện, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên.
Thực tế cho thấy, vi phạm và dấu hiệu vi phạm của các tổ chức Đảng và đảng viên xảy ra nhiều, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng việc phát hiện và tiến hành kiểm tra, xử lý còn ít. Để thực hiện tốt công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, điều quan trọng là làm thế nào để phát hiện được dấu hiệu vi phạm. Theo quy định, từng thành viên UBKT và cán bộ đã được phân công theo dõi, phụ trách địa bàn, lĩnh vực vì thế cần chủ động nắm tình hình, phát hiện dấu hiệu vi phạm để kịp thời đề xuất với Thường trực UBKT Tỉnh ủy để kiểm tra, xử lý.
Để phát hiện dấu hiệu vi phạm tại các địa bàn, lĩnh vực, các Ủy viên UBKT và cán bộ kiểm tra trong giai đoạn hiện nay cần tập trung vào những vấn đề nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm. Cụ thể: Các vi phạm trong việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng, UBKT cấp dưới. Các vi phạm trong tuyển dụng, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển, đề bạt, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Các vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo. Những hành vi tham nhũng, cố ý làm trái, quan liêu, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, để địa phương, đơn vị mình phụ trách trực tiếp xảy ra tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết và các tiêu cực khác, gây hậu quả nghiêm trọng. Suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, tham gia các hoạt động không lành mạnh, đánh bạc, buôn lậu. Các vi phạm trong quản lý tài chính, đất đai, xây dựng, mua sắm. Các vi phạm các quy định về kê khai tài sản, thu nhập…
Phương pháp phát hiện là: Dự các cuộc họp, hội nghị của BCH, Ban Thường vụ cấp ủy cấp dưới, dự các cuộc họp và yêu cầu báo cáo về tự phê bình và phê bình của tổ chức Đảng và đảng viên, việc bình xét phân tích chất lượng đảng viên, tổ chức Đảng. Thông qua đó nắm bắt những thông tin bất thường của các tổ chức Đảng và đảng viên để xem xét, đánh giá, phát hiện dấu hiệu vi phạm. Yêu cầu các tổ chức Đảng cấp dưới cung cấp các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thông báo kết quả giám sát, điều tra… Đây là những kết quả về các sai phạm đã rõ của tổ chức Đảng và đảng viên mà các cơ quan chức năng đã thẩm tra, xác minh, làm rõ, là căn cứ rất quan trọng để kiểm tra khi có đấu hiệu vi phạm. Bên cạnh đó cần nghiên cứu các đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Đây là một kênh thông tin rất quan trọng để phát hiện dấu hiệu vi phạm, đặc biệt là các đơn thư tố cáo giấu tên, mạo tên. Những đơn này theo quy định không giải quyết nhưng khai thác các thông tin này sẽ phát hiện nhiều vụ việc vi phạm. Ngoài ra cần nghiên cứu, phân tích các thông tin báo chí. Nhiều thông tin báo chí đã chỉ rõ dấu hiệu vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên, là một trong các căn cứ để tiến hành kiểm tra đảng viên và tổ chức Đảng có dấu hiệu vi phạm. Thông qua việc tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát, phát hiện dấu hiệu vi phạm trong hoạt động của các tổ chức Đảng, đảng viên.
Để tăng cường công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trước hết UBKT các cấp cần chủ động thực hiện công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm theo đúng thẩm quyền. Thành viên UBKT, cán bộ theo dõi lĩnh vực, địa bàn cần nắm chắc các hiện tượng có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách, thường xuyên báo cáo tình hình và đề xuất việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với Thường trực UBKT. Cần thực hiện tốt việc trao đổi thông tin về dấu hiệu vi phạm giữa các phòng nghiệp vụ. Cán bộ kiểm tra nếu để xảy ra trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách có dấu hiệu vi phạm mà không nắm được sẽ phải kiểm điểm hoặc chịu hình thức kỷ luật.
Đối với các sở, ban, ngành mỗi đồng chí Ủy viên UBKT, các phòng nghiệp vụ và các đồng chí cán bộ phụ trách đơn vị cần nắm vững thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể để tăng cường công tác giám sát, phát hiện dấu hiệu vi phạm. Thông qua công tác giám sát gián tiếp, trực tiếp, chuyên đề, thông qua nghiên cứu đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thông tin báo chí để xem xét, đánh giá, phát hiện dấu hiệu vi phạm. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa UBKT và các tổ chức đảng liên quan từ đó kịp thời cung cấp thông tin về các dấu hiệu vi phạm của tổ chức, đảng viên cho UBKT để nghiên cứu, xem xét.
Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhất là việc phát hiện, xác định chính xác dấu hiệu vi phạm và khắc phục tâm lý mặc cảm, định kiến, phản ứng, thiếu cộng tác của tổ chức Đảng, đảng viên đối với việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Thực hiện tốt việc phát hiện dấu hiệu vi phạm để tham mưu cho Thường trực UBKT sẽ giúp cho công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm được tốt, kịp thời phát huy ưu điểm, uốn nắn, sửa chữa khắc phục khuyết điểm, hậu quả xảy ra, xử lý vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Mẫn Bá Đạt, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy