Chuyên nghiệp hóa dịch vụ cơ giới trồng khoai tây

12/12/2018 08:38 Số lượt xem: 1305
Tại Quế Võ, sản xuất khoai tây vụ đông được coi là vụ trồng chính, đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Việc áp dụng cơ giới và chuyên nghiệp hóa các dịch vụ canh tác giúp địa phương tích cực giải quyết tình trạng thiếu lao động nông nghiệp, bảo đảm thời vụ, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Tổ dịch vụ của anh Nguyễn Thế Giang, thôn Mộ Đạo, xã Mộ Đạo tham gia chăm sóc khoai tây tại xã Ngọc Xá, Quế Võ.

Vừa nghỉ tay uống ngụm nước sau cuốc lái máy đánh luống, anh Nguyễn Thế Giang, thôn Mộ Đạo, xã Mộ Đạo vui vẻ: “Vào mùa vụ, chúng tôi chả còn thời giờ ăn cơm nữa, có hôm đến quá nửa đêm mà người và máy vẫn ở cánh đồng.  Bây giờ hầu hết người dân trồng khoai với quy mô lớn nên đều thuê máy. Đội dịch vụ chúng tôi có 4 người, vụ này, mấy anh em chung vốn đầu tư mua thêm 2 chiếc máy nữa là 5 máy, kịp phục vụ cho bà con không chỉ trong tỉnh mà cả các vùng lân cận như Hải Dương, Hưng Yên…”.

Bà Trần Thị Xuyên, thôn Hữu Bằng, xã Ngọc Xá thuê 8ha đất trồng khoai cho biết: “Vào thời điểm xuống giống từ cuối tháng 10, thời tiết có mưa, gây nhiều khó khăn cho chúng tôi khi làm đất. Song nhờ thuê được máy cơ giới, tiến độ làm đất, xuống giống đều theo đúng thời vụ. Hiện nay đang vào giai đoạn vun luống, mỗi ngày một máy làm được 5 mẫu, chứ trước đây có khi 2 người mới được 1 sào. Hiệu quả như vậy nên chúng tôi mạnh dạn canh tác lớn được mấy vụ rồi”.
Cũng nhờ cơ giới hóa chuyên nghiệp, giá thành thuê dịch vụ được giảm đi, nhiều nông dân có điều kiện thụ hưởng lợi ích mà cơ giới mang lại. Ông Nguyễn Văn Điền, người dân xã Việt Hùng hồ hởi: “Trước đây nếu thuê máy theo buổi thì phải trả 120-160.000 đồng/sào tùy loại dịch vụ. Năm nay, chúng tôi thuê dịch vụ “trọn gói” từ làm đất, đánh luống, đến thu hoạch với chi phí chỉ khoảng 300.000 đồng”.
Được biết, hiện nay, toàn huyện Quế Võ có 15 tổ dịch vụ cơ giới hóa, mỗi đội có từ 3-5 máy có chức năng cày, đánh luống, vun xới, thu hoạch… một số hộ còn đầu tư máy móc riêng lẻ. Việc chuyên nghiệp hóa đã nâng cao trình độ tiếp cận, ứng dụng thiết bị, công nghệ của người dân trong sản xuất. Các đội dịch vụ có thể thay công cụ phay, lưỡi giúp thực hiện hầu hết khâu canh tác với nhiều loại cây trồng khác nhau. Ngoài ra nông dân trong huyện cũng đầu tư thêm 40 kho lạnh công suất từ 50-70 tấn bảo quản giống khoai xuân, qua đó giúp chủ động được nguồn giống cho sản xuất vụ đông kế tiếp. Chính nhờ cơ giới hóa tạo động lực cho tích tụ ruộng đất, tới nay, hầu hết các xã ở Quế Võ đều hình thành vùng sản xuất quy mô lớn từ 5 ha trở lên, được nhận hỗ trợ theo chính sách của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng và năng suất khoai tây lên hơn 30 tấn/ha (năm 2017).
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quế Võ, vụ đông năm 2018, dù thời tiết bất lợi nhưng nhờ áp dụng máy móc, nông dân trồng được 1.700 ha khoai tây, vượt 13% so với kế hoạch, tăng hơn 100 ha so với vụ đông năm 2017. Đến nay, các địa phương cơ bản hoàn tất khâu vun luống và chăm sóc cây đợt 1. Thời gian tới, ngoài việc động viên các đội cơ giới tăng cường đầu tư dịch vụ, ngành nông nghiệp huyện khuyến khích các địa phương tích cực tổ chức quy vùng, dồn điền đổi thửa tạo điều kiện cho áp dụng cơ giới, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; quan tâm mở các lớp tập huấn về bảo trì, sử dụng các loại máy nông nghiệp. Đưa vào thử nghiệm một số mô hình về bảo quản nông sản, kêu gọi các tổ chức, cá nhân có điều kiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, máy móc trong bảo quản khoai tây sau thu hoạch, từ đó, nâng cao chất lượng, năng suất và giá trị khoai tây Quế Võ trên thị trường, góp phần duy trì hiệu quả sản xuất theo quy mô hàng hóa.

Huyền Thương