Bắc Ninh duy trì thành quả tiêm chủng mở rộng

28/06/2020 13:50 Số lượt xem: 2094
Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) bắt đầu triển khai ở Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ 20. Địa bàn được bao phủ TCMR tăng dần hàng năm ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện và xã trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, thành quả của chương trình TCMR có thể thấy rõ nét nhất là thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, giảm tỉ lệ mắc/chết do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, các bệnh trong chương trình tiêm chủng trước đây đều rất phổ biến thì nay hiếm gặp.

Theo số liệu theo dõi diễn biến Hội chứng Não cấp hơn 30 năm về trước, tỷ lệ mắc/chết của bệnh này ở mức rất cao: Năm 1984 là 177 mắc/27 chết, 1985 là 374/34, 1986 là 37/8, 1987 là 148/12, 1988 là 538/36. Trong khi đó, số bệnh nhân mắc/chết bệnh Bạch hầu lần lượt là: 46/1 (năm 1984), 55/20 (1985), 18/6 (1986)… Bệnh Ho gà cũng được ghi nhận với số mắc rất cao: Năm 1984 có 606 trẻ mắc, năm 1985 con số này là 7055… Bác sĩ CKII Nguyễn Khắc Từ, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Qua rất nhiều năm gần đây, các bệnh được bảo vệ bởi vắc xin TCMR ổn định. 5 năm qua, tỷ lệ TCMR của Bắc Ninh luôn duy trì ở mức cao (hơn 98% trở lên) so với chỉ tiêu T.Ư giao (95%). Minh chứng rõ ràng nhất để thấy thành quả của chương trình TCMR là hiệu quả phòng ngừa các bệnh được bảo vệ bởi vắc xin trong chương trình TCMR.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ năm 2015 đến 2019, ghi nhận rải rác một số ít ca Ho gà, Viêm não Nhật Bản, không có ca tử vong. Bệnh Sởi sau vài năm được khống chế tốt đến 2019 ghi nhận 586 ca mắc, không có ca tử vong. Các chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi/Rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi tại vùng có nguy cơ cao trên địa bàn được triển khai để nâng cao hiệu quả phòng ngừa.
Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Khắc Từ, những năm gần đây, bệnh Bạch hầu có xu hướng xuất hiện trở lại ở một số tỉnh. Mặc dù từ năm 2000 đến nay, Bắc Ninh chưa có ghi nhận bệnh này song vẫn cần hết sức cảnh giác. Đối với bệnh Ho gà, 5 năm trở lại đây có ghi nhận rải rác một số ca, hầu hết ở trẻ dưới 2 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm vắc xin ngừa bệnh này). Nguyên nhân của thực trạng này có thể nghĩ đến giả thiết bà mẹ không đủ kháng thể cần thiết để truyền cho trẻ trong quá trình mang thai, giúp bảo vệ trẻ trong quá trình phát triển.

 

Trẻ tiêm nhắc lại mũi 5in1 trong chương trình TCMR ở Trạm Y tế phường Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh).

 

Dù duy trì tốt thành quả TCMR nhưng không thể không nhắc đến những khó khăn trong hoạt động này. Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp, do đó số lượng công nhân sinh sống và làm việc rất đông, lực lượng lao động này đều trẻ và phần lớn từ các địa phương khác đến nên việc nắm bắt tiền sử tiêm chủng rất khó khăn, nguy cơ nguồn bệnh do không đủ miễn dịch vì chưa được tiêm chủng đầy đủ là hiện hữu.
Còn nhớ đợt bùng phát dịch Sởi năm 2014, toàn tỉnh ghi nhận 1.496 ca mắc, 4 ca tử vong do biến chứng của bệnh Sởi. Phần lớn những ca mắc Sởi năm đó là trẻ dưới 9 tháng, nghĩa là chưa đến tuổi tiêm phòng Sởi và thanh niên chưa được tiêm Sởi hoặc không rõ tiền sử. Trước tình hình dịch sởi gia tăng trên quy mô toàn cầu và tại Việt Nam, năm 2014, Bộ Y tế quyết tâm thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin Sởi-Rubella trên quy mô toàn quốc. Đây được coi là chiến dịch có đối tượng bao phủ rộng nhất, quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Những thành công của chiến dịch đã giúp khống chế dịch bệnh Sởi, Rubella. Đợt dịch bùng phát mạnh với những hậu quả nặng nề đã trở thành nỗi ám ảnh với ngành Y tế, song nếu không có biện pháp quyết liệt phòng ngừa, kịch bản năm đó rất có thể sẽ lặp lại. Đó cũng là một bài học kinh nghiệm quý báu về việc cần thiết phải duy trì TCMR trong phòng ngừa bệnh.
Mấy tháng qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số trẻ được TCMR trên địa bàn tỉnh chưa đạt được tiến độ như mong muốn. Để duy trì thành quả của công tác TCMR, phấn đấu năm 2020 tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 98%, chỉ tiêu tiêm chủng các loại vắc xin đạt trên 95% trong toàn tỉnh, thực hiện bảo đảm an toàn tiêm chủng theo quy định, đồng thời triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Sở Y tế đã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm túc công tác tiêm chủng trên địa bàn. Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo, để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh trước khi được tiêm chủng do không có miễn dịch bảo vệ. Vì vậy các bậc phụ huynh cần lưu ý theo dõi sát lịch tiêm, bảo quản tốt sổ tiêm chủng của trẻ để nắm chắc và đưa con em đi tiêm đúng lịch.

Việt Hoa