Đồng chí Ngô Gia Tự với việc học tập lý luận chính trị

13/11/2018 09:19 Số lượt xem: 1752
Đồng chí Ngô Gia Tự là một trong những người sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí đã nêu tấm gương sáng về việc tuyên truyền, học tập lý luận chính trị.
 

 

Tham gia cách mạng từ năm 1926, đầu năm 1927, đồng chí Ngô Gia Tự được cử đi dự lớp huấn luyện chính trị tại bản Đáy - Quảng Tây  (Trung Quốc) do Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tổ chức và đồng chí Nguyễn Ái Quốc truyền đạt. Từ đó, Ngô Gia Tự đã khẳng định lập trường tư tưởng là đi theo con đường cách mạng vô sản và quyết tâm thực hiện mục tiêu lý tưởng đó.
 Đầu năm 1928, Tỉnh hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Ninh- Bắc Giang được thành lập, đồng chí Ngô Gia Tự được bầu làm Bí thư. Dưới danh nghĩa là thầy giáo dạy tư, đồng chí đã mở hai lớp huấn luyện chính trị cho những hội viên mới là thanh niên, học sinh yêu nước của hai tỉnh Bắc Ninh- Bắc Giang. Nội dung các bài giảng chủ yếu giới thiệu về con đường cách mạng Việt Nam, lực lượng cách mạng, phương pháp vận động cách mạng, tư cách của người cách mạng được trích trong cuốn “Đường Cách Mệnh” của Nguyễn Ái Quốc.
Cuối tháng 7 năm 1929, đồng chí Ngô Gia Tự được Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng phân công vào Nam Kỳ để tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng. Với cương vị là Bí thư Xứ ủy, đồng chí Ngô Gia Tự luôn chăm lo đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ cho Đảng, đồng chí đã mở nhiều lớp huấn luyện, bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin cho cán bộ đảng viên. Tại các lớp huấn luyện, đồng chí đã giảng giải, phân tích rất tỉ mỉ, lấy nhiều ví dụ để anh em dễ hiểu về Chủ nghĩa Cộng sản. Bằng hoạt động tích cực của đồng chí Ngô Gia Tự, phong trào cách mạng ở Nam Kỳ phát triển mạnh mẽ.
 Năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, sau bị kết án tù chung thân và đày ra Côn Đảo. Năm 1932, Chi bộ nhà tù Côn Đảo được thành lập, đồng chí là một trong những lãnh đạo đầu tiên của Chi bộ.
Những năm 1933 - 1934, Chi bộ Côn Đảo tổ chức nhiều lớp học chính trị, văn hoá để bồi dưỡng, đào tạo các cán bộ cho Đảng. Là một cấp uỷ viên của Chi bộ nhà tù, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào việc tổ chức thành công, có chất lượng các lớp học lý luận chính trị. Chương trình lớp học Chủ nghĩa Mác - Lênin, nghiên cứu các vấn đề lý luận cơ bản gồm: 1. Tầm quan trọng của lý luận và mối quan hệ hữu cơ giữa Chủ nghĩa Mác và Chủ nghĩa Lênin; 2. Lý luận Mác - Lênin về cách mạng vô sản; 3. Chuyên chính vô sản; 4. Đảng Lê -nin - nít của giai cấp vô sản; 5. Chiến lược và chiến thuật; 6. Vấn đề nông dân; 7. Vấn đề dân tộc và thuộc địa; 8. Vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô; 9. Chiến tranh và cách mạng.
Đồng chí Ngô Gia Tự đã tổ chức cho anh em học tập thấu đáo các vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Cộng sản, về những đặc điểm giai cấp trong xã hội Việt Nam, về đường lối phương pháp cách mạng của Đảng. Bài giảng của đồng chí Ngô Gia Tự thường ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, lý lẽ đơn giản mà có sức thuyết phục mọi người. Đồng chí thường động viên anh em: “Phải biến nhà tù đế quốc thành trường học, không nên bỏ phí thời giờ. Bất kỳ ở đâu chúng ta cũng có thể hoạt động cho Chủ nghĩa Cộng sản được”. Sau mỗi bài giảng, anh em lại thảo luận sôi nổi trong từng nhóm và thảo luận chung trong lớp. Những nguyên lý của Chủ nghĩa Cộng sản khoa học đã soi sáng con đường cách mạng Việt Nam và củng cố niềm tin vững chắc vào sự nghiệp giải phóng dân tộc cho những người cộng sản, người tù án 5 năm, 10 năm tin có ngày về cố gắng học tập để phục vụ cách mạng. Người tù án chung thân lưu đày cũng tin tưởng vào sự thành công của cách mạng mà ra sức học tập. Ngay cả những người không nghĩ đến ngày trở về cũng say mê học tập để hiểu thêm về lẽ sống, để sống lạc quan, thêm sức mạnh đấu tranh với quân thù.
Một số trí thức Việt Nam Quốc dân Đảng bị giam ở Banh I như Thanh Giang, Nghiêm Toản cũng xin dự nghe các bài giảng về chủ nghĩa Mác - Lênin, mặc dù thời gian đầu có người cười khẩy : “Đã vào tù lại còn học, học để mang chữ xuống âm phủ à?”.
Côn Đảo tuy ở xa đất liền, chơi vơi giữa biển cả, nhưng Chi bộ vẫn liên lạc được với Xứ uỷ Nam Kỳ, với tổ chức Đảng ở ngoài để lấy tài liệu, bí mật đưa vào, tổ chức các lớp huấn luyện. Qua những thuỷ thủ và quần chúng cách mạng, Chi bộ nhận được nhiều sách kinh điển của Chủ nghĩa Mác - Lênin, báo chí của Đảng Cộng sản Pháp và tài liệu của Đảng ta. Để có tài liệu nghiên cứu, học tập, đồng chí Ngô Gia Tự đã cùng một số đồng chí khác tóm tắt hoặc lược dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt nhiều tác phẩm kinh điển như: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Tư bản, Làm gì?, Bệnh ấu trĩ “tả” khuynh trong phong trào cộng sản, Hai sách lược của Đảng xã hội - dân chủ trong cách mạng dân chủ, Nguyên lý của Chủ nghĩa Lênin... Ngoài các tài liệu dịch thuật, các đồng chí còn phải nhớ lại những tác phẩm kinh điển, những văn kiện của Đảng, những bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc để tự soạn và chép tay ra nhiều bản để học tập.
Nội dung chương trình học tập và những vấn đề lý luận cơ bản được phản ánh trên tạp chí “Ý kiến chung”, xuất bản hàng tháng ở Khám 3. Báo được viết trên giấy học trò khổ 13 x 14cm, mỗi số đều có phần tin tức, bình luận xã hội và nghiên cứu lý luận.
Khám 5 ra tờ báo “Người tù đỏ” có tính chất phổ cập, phù hợp với trình độ của nhiều người.
Việc bảo quản sách, báo, tài liệu là cực kỳ khó khăn vì bọn cai ngục lùng xục gắt gao: “Sách báo thường được giấu trên mái nhà. Buổi tối, anh em công kênh nhau, leo lên đưa sách xuống đọc dưới ngọn đèn nhỏ được che chụp kín trong góc khám. Sách báo ngày càng nhiều và có những cuốn sách kinh điển rất dày không thể dấu trên mái nhà được nữa. Ban lãnh đạo tổ chức đào hầm bí mật trên đầu tường và trong góc khám để dấu, gọi là cơ quan bí mật. Mỗi lần đưa sách ra đọc là phải bố trí bảo vệ chặt chẽ, đề phòng bọn gác-dăng đi tuần và những kẻ xấu phát hiện”1. “Thiếu giấy, anh em đã phải dùng giấy bản loại xấu, quét cháo lên rồi phơi khô cho cứng, dùng báo cũ, sách kinh thánh do cố đạo cho để viết. Các đồng chí xin thuốc đỏ hay thuốc xanh làm mực, dùng sắt tây tạo ra ngòi bút. Có khi anh em phải dùng gạch non viết lên nền xi măng, lấy que vạch ra đất mà học. Trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn như vậy, các đồng chí ta đã nêu cao tấm gương sáng về học tập. Ở nhà tù Côn Đảo, đồng chí Ngô Gia Tự và một số đồng chí khác đã tổ chức việc nghiên cứu những đặc điểm các giai cấp trong xã hội Việt Nam và rút kinh nghiệm về đường lối lãnh đạo của Đảng. Những tài liệu tổng kết kinh nghiệm, sáng tác và dịch thuật trong các nhà tù Hoả Lò, Sơn La, Buôn Mê Thuột, Côn Đảo còn có tác dụng đưa ra phổ biến cho các Đảng bộ bên ngoài. Mỗi lúc có những đồng chí hết hạn tù hoặc chuẩn bị vượt ngục ra ngoài hoạt động, ngoài việc phân công và giao nhiệm vụ cách mạng, Chi uỷ Chi bộ nhà tù còn giao cho việc mang những tài liệu bí mật đó về cơ sở để tổ chức học tập”2.
Đồng chí Ngô Gia Tự, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của Đảng, người con yêu quý của quê hương Bắc Ninh để lại cho chúng ta bài học về việc học tập lý luận chính trị của chi bộ, trách nhiệm của mỗi đảng viên trong việc không ngừng học tập lý luận chính trị vì như Lênin: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng… chỉ có đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”, giúp chúng ta khắc phục tư tưởng ngại học, xem thường học tập lý luận chính trị ở một số đảng viên và cán bộ hiện nay.

1- Nhà tù Côn Đảo, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, H 1996.
2- Những sự kiện Lịch sử Đảng - Nhà xuất bản Sự thật.
 

Nguyễn Đăng Túc

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy