Trạm Y tế phường Đại Phúc góp sức phòng, chống dịch

12/09/2021 18:30 Số lượt xem: 3507
Trong gần 2 năm qua, dịch COVID-19 buộc ngành Y tế trưởng thành về mọi mặt. Gắn liền với hoạt động của y tế tuyến cơ sở, lực lượng cán bộ, nhân viên các trạm y tế phải nhanh chóng thích nghi toàn diện, trong đó có việc nâng cao năng lực giám sát, phòng, chống dịch bệnh. Trạm Y tế phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh là một trong những đơn vị như thế.

Tính đến ngày 7-9, địa bàn phường ghi nhận 82 trường hợp F0, trong đó khu 10 gần 60 F0. Qua rà soát, truy vết, đã xác định được hơn 400 F1 và hơn 1.400 F2, gần 1.200 trường hợp trở về từ các vùng có dịch. Hiện nay, phường không còn công dân F1 phải cách ly tập trung, là giai đoạn dịch bệnh tạm lắng, song mấy tháng trước đây, đối với 1 trạm y tế nhân lực chỉ có 8 người, có thời điểm chỉ còn 5 người làm việc tại trạm thì khối lượng công việc liên quan thực sự quá tải.
Đại Phúc là một trong những địa bàn có diễn biến dịch bệnh phức tạp nhất thành phố Bắc Ninh trong đợt dịch thứ 4. Địa bàn rộng, nhiều thành phần dân cư sinh sống là những khó khăn cho công tác phòng, chống dịch tại đây, đặc biệt là khoảng thời gian từ cuối tháng 5 cho đến hết tháng 6-2021 - khi tình hình dịch tại các KCN Bắc Giang và trong tỉnh đang căng thẳng. Lao động giao thoa giữa 2 tỉnh ở trọ trên địa bàn khá đông, cộng với hơn 800 người nước ngoài cư trú… khiến áp lực phải nhanh chóng rà soát người từ vùng dịch về để kịp thời phân loại, hướng dẫn, tổ chức cách ly đối với cán bộ, nhân viên y tế của Trạm rất nặng nề. Bác sĩ Trần Văn Dũng, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Đại Phúc nhớ lại: “Có lần, chúng tôi nhận được thông tin 30 người tại một khách sạn trên địa bàn dương tính qua xét nghiệm test nhanh, việc lấy mẫu xét nghiệm khẳng định Trung tâm Y triển khai, Trạm cử cán bộ cùng tham gia. Chúng tôi thở phào khi nhận kết quả khẳng định, may sao đó chỉ là những trường hợp dương tính giả. Có ngày, chúng tôi phải tổ chức lấy mẫu cho gần 1.000 trường hợp liên quan đến các KCN; lấy hơn 600 mẫu cho người nước ngoài. Khó khăn nhất là khi trao đổi, truyền thông với người nước ngoài do phụ thuộc hoàn toàn vào phiên dịch”.

 

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 cho tiểu thương và người dân sống quanh khu vực chợ Đại Phúc tháng 7-2021.


Cuối tháng 5, phường ghi nhận ca mắc trong cộng đồng đầu tiên. Khi nhận thông báo kết quả xét nghiệm, Trạm Y tế báo cáo, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường họp khẩn, đồng thời huy động các lực lượng liên quan tổ chức “khoanh” ngay để thực hiện cách ly y tế vùng tại khu vực có 55 hộ dân, 251 nhân khẩu, đồng thời tiến hành lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân. Hơn 1 tuần sau đó, lực lượng y tế lấy mẫu đợt 1 toàn dân khu 10 với khoảng 4.000 mẫu, trong đó cơ quan y tế cấp trên báo về 12 ống gộp 10 dương tính, có nghĩa là 120 người phải lấy mẫu xét nghiệm mẫu đơn lại để bóc tách F0, đồng thời thực hiện truy vết triệt để.
Có 8 cán bộ, nhân viên y tế toàn trạm, nhưng có một khoảng thời gian, 2 nhân viên y tế làm việc tại khu cách ly tập trung, 1 người diện F1 phải cách ly, khi ấy chỉ còn 5 người thường trực tại Trạm Y tế Đại Phúc. Buộc phải hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ: Truy vết các trường hợp liên quan F0 và từ vùng dịch về, thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, hoàn thiện hồ sơ cách ly với F1, F2… trong khi mỗi ngày vẫn chỉ có 24 giờ nên cán bộ, nhân viên y tế tại đây phải tranh thủ từng phút, từng giây, nhiều ngày ăn ở tại trạm.
Bác sĩ Dũng khẳng định “Dù đã trải qua rất nhiều đợt giám sát, truy vết các dịch bệnh truyền nhiễm, nhưng gần 2 năm qua, đối mặt với dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm như COVID-19, công tác truy vết đã có bước chuyển vượt bậc. Nếu như trong giai đoạn đầu, một số người còn lúng túng trong phân biệt F0 và F1, thì nay phần lớn người dân đã rõ ràng nguy cơ từ F0, F1 cũng như các yếu tố dịch tễ. Truy vết thần tốc, triệt để đã không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành hành động thực tiễn đối với lực lượng chống dịch. Tuy nhiên, trong cuộc chiến đó, nếu không có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác truy vết, điều tra, xác minh nguồn lây không có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm và tích cực của lực lượng Công an, cũng như thiếu sự hỗ trợ của vòng ngoài thì chúng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn”.

Nguyễn Huệ