Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018

22/02/2021 21:00 Số lượt xem: 3061
Năm học 2020-2021, một trong những vấn đề được quan tâm nhất là việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, với học sinh lớp 1 toàn quốc.

Nhận rõ tầm quan trọng đó, ngoài chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ dạy và học, ngay kết thúc học kỳ I, ngành GD-ĐT Bắc Ninh có đánh giá tổng thể, khách quan việc triển khai chương trình tại 154 trường Tiểu học của tỉnh, với hơn 27.000 học sinh lớp 1, làm cơ sở tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình trong cả năm học và những năm học tiếp, với những khối, lớp tiếp theo.

Cuốn Giáo dục địa phương lớp 1 do Sở GD-ĐT Bắc Ninh chủ biên, xuất bản tháng 11-2020, được giảng dạy từ học kỳ II năm học 2020-2021.


Đồng chí Trịnh Khôi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, để triển khai tốt chương trình, ngay từ đầu năm học, Sở chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng mở; sắp xếp thời khoá biểu linh hoạt, phù hợp với học sinh lớp 1.
Ngay từ tuần đầu năm học, Sở GD-ĐT các Phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố và tổ giáo viên cốt cán tích cực dự giờ, thăm lớp, tư vấn, hỗ trợ giáo viên; giao quyền chủ động để giáo viên linh hoạt, sáng tạo trong đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và trong điều chỉnh nội dung SGK theo hướng tiếp cận chương trình; kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc cho giáo viên và các nhà trường trong quá trình triển khai thực hiện chương trình; hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, tổ chức các chuyên đề về đổi mới phương pháp, hình thức dạy và học, tổ chức lớp học; hướng dẫn xây dựng các tiết dạy minh hoạ để giáo viên cùng tham khảo.
Có thể thấy, việc triển khai chương trình GDPT 2018 tại Bắc Ninh khá thuận lợi bởi trước đó, ngành GD-ĐT đã chuẩn bị rất tốt về đội ngũ, lựa chọn những giáo viên tiêu biểu phù hợp để tập huấn, bồi dưỡng dạy chương trình mới cho học sinh lớp 1, với tổng số 1.854 giáo viên. Về cơ sở vật chất, 100% trường Tiểu học đều ưu tiên bố trí cho lớp 1 đủ mỗi lớp 1 phòng học riêng, đủ thiết bị dạy học theo quy định của Bộ GD-ĐT. Nhiều trường ở những nơi có điều kiện còn tham mưu làm tốt công tác xã hội hoá mua sắm thiết bị hiện đại giúp triển khai đồng bộ, hiệu quả các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học mới.
Cùng với việc chỉ đạo tổ chức dạy và học, theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, trong học kỳ I, Sở GD-ĐT phối hợp với Viện khoa học giáo dục Việt Nam và các chuyên gia của tỉnh xây dựng khung chương trình giáo dục địa phương và chương trình chi tiết lớp 1, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 1. Hiện cuốn Giáo dục địa phương, do Sở GD-ĐT Bắc Ninh chủ biên, xuất bản tháng 11-2020 tại NXB Đại học Quốc gia Hà Nội được đưa vào giảng dạy từ học kỳ II. Nội dung cuốn sách bước đầu được đánh giá phong phú, hấp dẫn và mang bản sắc quê hương, gồm 6 chủ đề gắn với đặc điểm, truyền thống Bắc Ninh là: Thôn, làng, khu phố nơi em ở; lăng và đền thờ Kinh Dương Vương; lễ hội Kinh Dương Vương; Vua Bà, Thủy tổ Quan họ; tìm hiểu Dân ca Quan họ Bắc Ninh; làng nghề gốm Phù Lãng (Quế Võ).
Tuy vậy, qua hơn nửa chặng đường của năm đầu thực hiện chương trình GDPT 2018 cũng bộc lộ rõ một số hạn chế sau: Do số học sinh lớp 1 quá đông, nhiều trường có số học sinh/lớp vượt quá quy định, tạo áp lực cho giáo viên, làm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng giáo dục. Do là năm đầu triển khai thực hiện chương trình mới, các trường vừa dạy học vừa nghiên cứu nên việc phối hợp giữa giáo viên và cha mẹ học sinh còn chưa thống nhất trong cách dạy học sinh. Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên ngại đổi mới; chưa linh hoạt, sáng tạo trong dạy học và triển khai chương trình. Ngoài ra công tác tuyên truyền chưa tốt cũng gây hoang mang, ảnh hưởng nhất định đến tâm lý cha mẹ học sinh, cộng đồng xã hội trong việc triển khai chương trình GDPT mới…
Trong học kỳ II, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục Tiểu học là tiếp tục triển khai tốt chương trình GDPT 2018 với học sinh lớp 1; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội đối với việc triển khai chương trình mới tại Bắc Ninh. Coi trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các nội dung theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT trong đó chú trọng ổn định giáo viên lớp 1, lựa chọn giáo viên dạy lớp 2. Đặc biệt, Sở GD-ĐT sẽ chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành các tiêu chí, thành lập các hội đồng lựa chọn các đầu SGK lớp 2 và lựa chọn lại SGK lớp 1 ở những trường Tiểu học có nhu cầu, bảo đảm chất lượng và phù hợp điều kiện đặc trưng của tỉnh...

Trọng Khánh