Thung thăng làng Giầu

21/01/2021 20:31 Số lượt xem: 3939
Phù Lưu tên chữ, tên nôm là làng Giầu ở đất Đông Ngàn (thị xã Từ Sơn) là một ngôi làng cổ giàu đẹp, từ lâu đã nổi tiếng không chỉ ở xứ Kinh Bắc mà còn nức danh khắp cả nước. Sự giàu đẹp được phô ra từ cổng làng, đường làng, ngõ xóm, đình, đền, chùa, văn chỉ, các công trình công cộng đến nhà thờ dòng họ, cách bài trí của từng gia đình. Đó cũng chính là cái làng thân thương của nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của cố nhà văn Kim Lân...

Trở lại Phù Lưu vào một ngày nắng đông cuối năm Canh Tý, dừng xe ngoài cổng làng, chúng tôi thong dong tản bộ theo con đường lát đá xanh, tận hưởng bầu không gian yên bình, cổ kính ngỡ như đang lạc giữa một miền cổ tích, giữa mơ và thực! Càng vào giữa làng càng có cảm giác như được trở về quá khứ, vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc hài hòa trong sự tấp nập bán mua của một làng buôn vừa dư dả vật chất vừa giàu sang về văn hóa.  
Người làng bảo, cứ thong thả theo đường đá mà đi nhất định sẽ dẫn ra đường lớn, không lo bị lạc. Vừa đi vừa nghe kể những câu chuyện thú vị về lịch sử 4.000 năm của ngôi làng cổ, về “dòng sông xanh” độc đáo uốn quanh làng khiến chúng tôi hết ngưỡng mộ lại trầm trồ! Kể rằng, con đường lát đá dài gần 3km, được xây dựng trong 10 năm và hoàn thành năm 1933. Ở điều kiện giao thông thời đó mà chuyển đá xanh từ Quảng Ninh về lát đường làng thật là một việc kì tích!
Đó cũng là con đường làng thân yêu mà nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” vẫn thường khoe: “... Ông khoe cái làng ông nhà ngói san sát, sầm uất như tỉnh. Đường trong làng lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến gót chân. Tháng năm, ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì thượng hạng, không có lấy một hạt đất...”. Bước trên con đường lát đá phẳng mịn, xanh mát, bền bỉ qua gần 100 năm phần nào hiểu được tại sao người Phù Lưu luôn tự hào và yêu cái làng mình đến thế!

 

Đình Phù Lưu là một trong những ngôi đình cổ và đẹp nhất miền Bắc hiện nay.

 

Không chỉ ngắm nhìn, tận hưởng cảnh sắc trầm mặc, phong lưu của một làng quê Bắc bộ trù phú và trò chuyện với người dân địa phương văn minh, mến khách, ở ngôi làng cổ tích này, chúng tôi còn được trải nghiệm nếp sống với những không gian văn hóa độc đáo hiếm nơi nào có được. Mái đình Phù Lưu cong vút dưới tán cây bồ đề cổ thụ được xếp vào hàng những ngôi đình cổ nhất Việt Nam, cũng là một trong ba ngôi đình đẹp nhất miền Bắc hiện nay là đình Tây Đằng (Hà Nội) và đình Đình Bảng (thị xã Từ Sơn)... Trải qua nhiều lần trùng tu nhưng dấu tích cổ được bảo lưu khá nguyên vẹn, đặc biệt là kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc gỗ của ngôi đình, lấy cảm hứng sáng tạo từ những hoạt động của con người làm chủ đạo như hoạt cảnh trai gái cưỡi rồng, chèo thuyền, đấu vật... được người nghệ sĩ xưa miêu tả thăng hoa, cách điệu, gợi nhiều xúc cảm...
Trưởng Khu phố Nguyễn Trọng Vũ tự hào: Làng tôi có cả thảy 6 di tích được xếp hạng thì đình, đền, chùa là di tích Quốc gia, còn Văn Chỉ và hai nhà thờ họ Chu Tam và họ Hoàng là di tích cấp tỉnh. Các di tích hầu như được giữ nguyên kiến trúc xưa. Nói về kiến trúc cổ thì Phù Lưu tự hào là giàu có bởi vẫn bảo lưu khá nhiều công trình như 4 cổng làng, giếng làng, nhà cổ. Trong làng có hơn 20 nhà thờ của các dòng họ, có 5 nhà cổ niên đại khoảng 300 năm...
Rẽ vào một ngõ lát đá 2 viên, ông Chu Minh Đức, Bí thư Chi bộ khu phố Phù Lưu thủ thỉ, bây giờ tôi đưa các bạn vào thăm “nhà cô Nết” nhé! Thì ra, bối cảnh nhà cô Nết trong phim “Đến hẹn lại lên” quay năm 1974 cũng ở Phù Lưu!

Hơn 40 năm rồi mà nếp nhà cô Nết bây giờ vẫn hệt như trong phim thuở nào. Một căn nhà cổ 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói móc với hàng hiên, bồn cây cảnh trước sân, cửa ra vào, cửa sổ cùng bàn ghế, giường tủ, cả những bức tranh quý trên tường đều nguyên xưa. Nghe nói, có người trả hàng nghìn đô cho bức tranh vẽ thiếu nữ có chữ kí của danh họa Trần Văn Cẩn nhưng gia đình vẫn chẳng mảy may ý định trao đi. Bởi mỗi đồ dùng, vật dụng nơi đây đều có những câu chuyện, kỉ niệm riêng... là kỉ vật vô giá mà con cháu gia đình cụ Thủ Liễn (Lê Văn Liễn - một nhà nho có tiếng ở Phù Lưu) không muốn làm thay đổi. Thắp nén nhang tưởng nhớ bậc nho sĩ khuất bóng, thấy nơi đây thời gian như ngưng đọng với dạt dào nhớ thương, hồi ức...
Nếu ai đã từng xem và yêu mến cô Nết, thì hẳn sẽ muốn ghé thăm Nhà lưu niệm Nhà văn Kim Lân” và cả “Nhà lưu niệm văn học Nga”, được thành lập bởi dịch giả nổi tiếng Thúy Toàn người làng cùng sự chung sức của bà con lối xóm, bạn bè gần xa. Giữa một ngôi làng Việt cổ mà ăm ắp kỉ vật, sách ảnh, tư liệu được mang về từ xứ sở Bạch Dương tuyết trắng. Bất giác gặp thời thanh xuân sôi nổi trong những vần thơ tình đắm đuối của Puskin, trong lóng lánh tinh khiết của những hạt “bụi vàng” li ti ở “Bông hồng vàng và Bình minh mưa”...

 

Đường lát đá xanh - niềm tự hào của người làng Giầu.



Thật thiếu sót nếu đến Phù Lưu mà chưa thăm không gian văn hóa của văn nho, bút nghiên, chữ nghĩa. Một Văn Chỉ-Hương hiền từ đầy ắp hiền tài và tri thức. Nơi đây thờ cúng, tôn vinh các bậc đại khoa có công xây dựng đình làng; quan thái bảo Nguyễn Kiên Điều khai sinh chợ và dạy dân buôn bán; quan ngự sử Hoàng Văn Định dạy dân nếp sống văn minh và xóa bỏ hủ tục. Điểm nhấn của kho tàng tài năng là bốn vị đại khoa tiến sĩ: Nguyễn Thúc Dụ, Chu Tam Dị, Hoàng Văn Hòe và Nguyễn Đức Lân cùng 14 vị cử nhân, tú tài.
Nhiều gương mặt sáng chói của nền văn học nghệ thuật nước nhà cũng lớn lên ở đất Phù Lưu rồi đi vào sử sách. Đó là bác sĩ đầu tiên xứ Đông Dương - Hoàng Thụy Ba; là nhà báo Hoàng Tích Chu, danh họa Hoàng Tích Trù, nhà soạn kịch Hoàng Tích Linh, đạo diễn điện ảnh Hoàng Tích Chỉ; là nhà văn Nguyễn Địch Dũng; Kim Lân - nhà văn của người nghèo với những áng văn trong sáng, giản dị, giàu biểu cảm; là NSND, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Đăng Bảy; nhạc sĩ Hồ Bắc và rất nhiều tên tuổi mà chúng tôi không thể kể hết... Tất cả làm nên sự sang trọng, lẫy lừng của đất Phù Lưu bằng hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh, biên kịch, bằng văn học, lịch sử và cả toán học...
Ngôi nhà cổ tích Hương hiền từ còn tiếp sức cho khuyến học Phù Lưu, đem đến cho người làng niềm tự hào truyền thống hiếu học vẻ vang không mấy nơi có được với gần 50 Tiến sĩ, 11 Giáo sư và Phó Giáo sư cùng hàng trăm Thạc sĩ, Cử nhân... Ông Chu Minh Đức, Bí thư Chi bộ khu phố Phù Lưu hãnh diện: “Người làng tôi buôn bán, quảng giao rộng nên hiểu vị trí của đạo học. Phụ nữ Phù Lưu đảm đang, tháo vát, chắt chiu buôn bán nuôi chồng, nuôi con ăn học thành tài, cống hiến xây đắp quê hương, đất nước”.
Một Phù Lưu thôn thị, làng lẫn trong phố, phố xen giữa làng nhưng vẫn giữ được nền nếp ông cha xưa với những phong tục thuần hậu, nét sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Phong cách sống, lối ứng xử hòa nhã, văn minh, ấm áp đặc trưng của những tiểu thương có chữ ở Phù Lưu khiến người thiên hạ đến đây đều cảm mến, mênh mang xúc cảm an lành, thư thái, phong lưu... Còn hễ là người Phù Lưu, dù khá giả hay còn thiếu thốn, dù gắn bó suốt đời với cố hương hay lập nghiệp phương xa, ai cũng tự hào và yêu thiết tha cái làng chợ Giầu của mình, ai cũng hào hứng say sưa kể chuyện, kiêu hãnh khoe sự giàu đẹp vô giá của quê hương nguồn cội.
Mê mải đắm mình trong kho báu di sản vật thể, phi vật thể quý giá, chúng tôi biết còn bỏ lỡ nhiều điểm đặc sắc thú vị khác, tiếc nhất là cảnh trí thơ mộng, yêu kiều ở đầm Loa Hồ mênh mang sóng nước Tiêu Tương mà năm xưa đã khơi nguồn cảm hứng cho Phó bảng Nguyễn Đức Lân sáng tác “Loa hồ bách vịnh” với ngót trăm bài thơ về cái đầm ấy...
Làng trù phú, đất cổ xưa, mỗi tên gọi, ngõ xóm, đầm hồ, dòng họ đều chứa đựng những dấu tích đầy sống động của vùng đất văn hiến, mỹ tục khả phong đáng chiêm ngưỡng... Thực là “Đông Ngàn vật hoa kiêm thủ ấp/Bắc Ninh thương thị cứ trung tâm” (Đây là ấp hàng đầu về sản vật quý của huyện Đông Ngàn; nơi trung tâm buôn bán của tỉnh Bắc Ninh).
Chưa dám khẳng định làng Giầu có dồi dào tiền của như các miền quê khác hay không nhưng chắc chắn đây là một ngôi làng giàu có về truyền thống văn hóa, nghệ thuật. Nếu như năm tháng có thể che mờ, khuất lấp một số thứ ở đâu đó thì với Phù Lưu, thời gian như một chất liệu quý càng khiến truyền thống văn hóa sáng lên lấp lánh trong ý thức, cốt cách của người dân suốt quá trình gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản quê hương.  


Tháng Chạp năm Canh Tý 2020.
 

Ghi chép của Thanh Lâm