Tháng Tư, ngày Tám nhớ về hội Dâu

18/05/2018 08:45 Số lượt xem: 5793
Từ lâu, lễ hội chùa Dâu (Thuận Thành) nức tiếng gần xa, trở thành tiếng gọi tâm linh với du khách muôn phương hành hương về chốn tổ đình của Phật giáo Việt Nam: “Dù ai buôn bán trăm nghề/Tháng Tư, ngày Tám nhớ về hội Dâu”…

Chùa Dâu trong ngày hội.

 

Lễ hội chùa Dâu là thời điểm tập trung và tiêu biểu nhất nghi lễ nông nghiệp trong hoạt động văn hóa tâm linh tín ngưỡng của cư dân vùng Dâu. Lễ hội được 12 làng thuộc tổng Khương Tự, hay còn gọi là Tổng Dâu, nay là các làng thuộc các xã Thanh Khương, Hà Mãn, Trí Quả phối hợp tổ chức tại trung tâm lễ hội chùa Dâu. Nghi thức lễ hội gồm: Rước tượng Tứ Pháp về “công đồng” tại chùa Dâu, tổ chức tế lễ, kể hạnh… Đặc sắc nhất là nghi lễ rước và diễn tích trò “Mẹ đuổi con” rồi tổ chức “cướp nước” bằng việc rước kiệu Phật “Tứ pháp” chạy thi ra Tam quan. Nếu kiệu rước bà nào tới Tam quan trước thì lấy được nước và thắng cuộc. Thường thì kiệu bà Pháp Vũ sẽ chạy tới đích sớm nhất và người dân quan niệm rằng năm đó sẽ được mùa.

Theo TS. Trần Đình Luyện nhận định: Lễ hội chùa Dâu là lễ hội phật giáo lớn diễn ra tại tổ đình Phật giáo Việt Nam nhưng thực chất là tín ngưỡng thờ nữ thần nông nghiệp được phủ lấp nhiều cơ tầng văn hóa nội sinh và ngoại sinh. Vì vậy, lễ hội chùa Dâu không chỉ là nghi lễ nông nghiệp tiêu biểu mà còn là hoạt động văn hóa dân gian đậm bản sắc quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Trải qua thời gian, phần lễ ít nhiều bị mai một song những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống phản ánh đời sống tín ngưỡng đa dạng, sự sáng tạo phong phú của cư dân nông nghiệp vùng Dâu còn được bảo lưu, gìn giữ đến ngày nay. Dự hội chùa Dâu, du khách sẽ được chiêm bái một trong những ngôi chùa cổ, linh thiêng là chốn tổ đình của Phật giáo Việt Nam. Theo các thư tịch cổ, chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ 2 (khởi công năm 187 và hoàn thành năm 226) dưới thời Sỹ Nhiếp làm Thái Thú, thờ nữ thần Pháp Vân gắn liền với tín ngưỡng Tứ pháp của người Việt xưa. Ban đầu, chùa Dâu có quy mô nhỏ, đến năm 1313, dưới triều vua Trần Anh Tông, chùa Dâu được xây dựng quy mô bề thế với một quần thể kiến trúc gồm tháp 9 tầng, cầu 9 nhịp, chùa trăm gian mà dấu tích bây giờ vẫn còn. Sử sách và dân gian đều ghi nhận Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1272-1346) là người hưng công xây dựng chùa Dâu trở thành một danh lam cổ tự bậc nhất Việt Nam. Hiện nay, nhiều di vật như đôi rồng đá ở bậc cửa, các vì kèo của nhà Thượng điện… là minh chứng đậm nét cho thấy nghệ thuật kiến trúc, văn hoá của thời đại Đông A - nhà Trần.

Dự hội Dâu, khách thập phương còn được chiêm bái dung nhan Tượng Phật Tứ Pháp là một trong những Bảo vật Quốc gia hội tụ nhiều giá trị đặc sắc. Vẻ đẹp gợi cảm, nữ tính của các tượng Tứ Pháp vùng Dâu luôn được thiên hạ chiêm ngưỡng, ngợi ca. Nghệ thuật tạo tượng Tứ Pháp bảo lưu đậm nét cách tạo hình của Phật giáo Ấn Độ nguyên thuỷ kết hợp với đặc trưng văn hoá bản địa để tạo nên sản phẩm nghệ thuật Phật giáo mang màu sắc Việt Nam. Giới chuyên gia cho rằng, việc nghiên cứu hệ thống tượng Tứ Pháp không chỉ cho hiểu biết về cội nguồn lịch sử Phật giáo Việt Nam mà còn giúp hiểu rõ hơn về nguồn gốc, quá trình phát triển của Phật giáo vùng Đông Nam Á.

Hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng miêu tả rằng: Điêu khắc hệ Tứ Pháp thật đặc biệt gợi cảm với đầy đủ những gì đẹp và hấp dẫn nhất của người phụ nữ… Yếu tố thần và yếu tố người đan xen trong một chân dung… Bà Dâu (Pháp Vân) là chị cả, người mang quyền năng nhân hậu, có thần thái rất oai nghiêm. Bà Đậu (Pháp Vũ) là chị hai làm ra mưa, thần thái nhu thuần, tươi mát. Bà Tướng cô ba (Pháp Lôi) làm ra sấm, thô khoẻ, khiêm nhường. Bà Dàn cô út (Pháp Điện) làm ra chớp, xinh tươi duyên dáng. Trong bốn tượng thì nụ cười của bà Dàn thật đặc biệt, đến say lòng người… Người nghệ sĩ khi tạo tác luôn tưởng tượng về Tứ Pháp ở vị trí cao lớn, siêu phàm, có quyền năng thần thánh về sự sinh tồn của vạn vật”.

Gắn với lễ hội chùa Dâu còn có rất nhiều câu chuyện, sự tích, truyền thuyết dân gian kể về Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, về mối liên hệ đặc biệt giữa nhà sư Khâu Đà La (Ấn Độ) với bà Man Nương (nàng Mèn) đầy ly kỳ, hấp dẫn. Cùng với đó là các tập tục hết sức đặc biệt được người dân địa phương lý giải qua những truyện kể truyền miệng như: Tục đón đường, múa gậy Hồng Côn-Bạch Trượng, việc cứu hoả cứu hội… Du khách cũng được tham gia nhiều hoạt động văn hoá dân gian độc đáo, mang bản sắc đặc trưng vùng Kinh Bắc như: Nghe hát Quan họ trên thuyền, hát ca trù, trống quân, hát văn, múa rối nước, thi cờ tướng, thả chim bồ câu…

Ngoài các hoạt động trong lễ hội, du khách còn có dịp khám phá vùng đất cổ Luy Lâu với những hạng mục công trình kiến trúc nổi tiếng được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và Quốc gia đặc biệt như: Chùa Bút Tháp, Thành Luy Lâu, lăng và đền Sĩ Nhiếp, các ngôi chùa cổ, đền miếu, lăng mộ… Trong hiện tại và tương lai chùa Dâu cùng với hệ thống tượng Phật Tứ Pháp là minh chứng quá trình du nhập và phát triển Phật giáo Việt Nam, trở thành điểm du lịch tâm linh đậm bản sắc văn hoá dân tộc với nhiều ý nghĩa lịch sử sâu sắc.

Bài, ảnh: Việt Thanh