Tết Trường Sa

29/01/2019 15:14 Số lượt xem: 4843
Đêm trên đảo Phan Vinh, biển bình yên, nghe trong gió thoảng hương bàng vuông dìu dịu, những người lính đảo lặng lẽ dưới trăng hạ tuần, bảo vệ phần lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi bờ đá, gốc cây, ngọn cỏ nơi đây đều  thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của người lính trên vùng biển, đảo này.

Gần Tết Nguyên đán 2018, phóng viên Báo Bắc Ninh được tham gia những chuyến tàu thay quân và cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các đảo ở Trường Sa. Vượt gần một nghìn hải lý, đến với những đảo nổi như  Phan Vinh A, An Bang, hay đảo chìm như Tiên Nữ, Tốc Tan, Núi Le, Thuyền Chài... chúng tôi cảm nhận một không khí chuẩn bị Tết đặc trưng trên đảo. Những chuyến tàu ra Trường Sa dịp cuối năm luôn mang đầy đủ hơi ấm và hương vị Tết của đất liền, của hậu phương ra với đảo như lương thực, bánh kẹo, mứt, giò chả, trái cây..., thậm chí cả cây quất và các giỏ hoa phong lan đủ màu sắc để chiến sĩ, người dân ở các đảo đón Xuân, vui Tết.
Cũng như ở đất liền, Tết ở Trường Sa không thể thiếu món ăn truyền thống của người Việt là bánh chưng, giò. Tuy nhiên, ngoài nguyên liệu gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong… thì điểm khác với đất liền là bánh chưng ở Trường Sa-trên một số đảo được gói bằng lá bàng vuông - loại cây đặc trưng nhất ở đây. Thượng tá Ngô Đình Xuyên, Chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh A kể, ở đảo thiếu lá dong, do đó bộ đội trên đảo nghĩ cách lót lá bàng vuông ở phía trong. Khi bánh được nấu chín, hương vị và màu xanh của lá bàng vuông quyện vào nhau tạo ra sự độc đáo của bánh chưng nấu ở Trường Sa.

 

Chuyển nhu yếu phẩm vào đảo.

Người Việt quan niệm, cây cối, mầm chồi là biểu tượng cho mùa xuân. Khi trời đất vào xuân, cây cối bừng lên sức sống như một nghi lễ chào đón mùa vạn vật sinh sôi. Ở Trường Sa, nơi “đá mặn, nắng rang” thì cây vẫn trổ mầm, xanh lá. Hình như cây cỏ nơi đây cứng cỏi, kiên cường hơn, những vườn rau vẫn xanh trong cái mặn mòi của biển, những nụ cười người lính đảo vẫn tỏa sáng, ấm áp trong sóng gió, khó khăn. Đại tá Phan Ngọc Quang, Phó Tư lệnh Lữ đoàn 146 Hải quân chia sẻ với chúng tôi, trong dịp Tết đến, Xuân về, trên đảo Trường Sa, loại cây có hoa nhiều nhất là hoa giấy, loài thân thảo mỏng manh này không bị nắng gió khuất phục. Bàng vuông vào dịp Tết cũng lác đác hoa dù không rộn ràng như độ cuối xuân, đầu hạ. Ngoài ra, còn hoa bí vàng trên giàn rau vườn lính, hoa muống tím tràn chân sóng…
Thời khắc năm cũ qua đi, một năm mới gõ cửa, trên đảo sự bâng khuâng nhất là khi người về- người ở, người đến - người đi. Có người lính được vào bờ vì đã hoàn thành xong nghĩa vụ; có chàng trai trẻ vừa bước chân lên đảo đón cái Tết xa nhà đầu tiên trong đời. Trước một vùng mênh mang sóng nước, các chiến sĩ về đất liền tất bật chuẩn bị tư trang; các chiến sĩ mới đến nhanh chóng sắp xếp chỗ ở; những thùng rau xanh, bó lá dong trải qua hơn nửa tháng trên tàu đã bắt đầu ngả vàng, những cây quất đã có quả rụng...nhưng tất cả vẫn là niềm vui, là tình cảm của nhân dân cả nước gửi đến Trường Sa. Tết ngoài đảo chộn rộn hơn trong đất liền. Đó là cảm xúc đặc biệt của những người đón Tết đầu tiên trên đảo, vừa sẵn sàng làm nhiệm vụ, Thượng úy Lương Văn Hợp, Chính trị viên điểm đảo Thuyền Chài C chia sẻ.

 

Hương vị mùa xuân.

Mùa xuân, lính đảo nhớ quê hương, nhưng cũng thiết tha, ấm lòng trong sự đùm bọc chia sẻ của tình quân dân. Qua câu chuyện, Trung sỹ, khẩu đội trưởng ĐKZ Võ Quốc Cường đảo Tiên Nữ mở lòng mình: Vào thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, nghe giọng nói người thân qua điện thoại, nỗi nhớ lại trào muôn đợt sóng mà Trường Sa tựa một mỏ neo đọng bao khắc khoải, yêu thương... Dải đất hình chữ S-Đất nước bên bờ sóng này hàng nghìn năm căng mình chống lại bão giông, giặc dã. Tình yêu người, tình vợ chồng, cha con, yêu mỗi nhành hoa, bờ tre, ruộng lúa, yêu những con sóng trên biển quê hương… Đơn giản vậy thôi nhưng đấy là tình yêu Tổ quốc.
Sóng vẫn rì rầm kể câu chuyện ngàn năm của biển và những người lính nơi đây, dù tuổi đôi mươi chưa từng hò hẹn vẫn ngày đêm kiên quyết gìn giữ biển đảo quê hương. Họ trân trọng từng nắm đất, từng chậu hoa, từng cánh thư… đất liền gửi đến bởi đấy là yêu thương, ân tình, sự sẻ chia và trách nhiệm. Thượng úy Nguyễn Trần Giang thay mặt những người lính trên đảo Tốc Tan xúc động: Tết đến Xuân về được nhận những món quà, tình cảm nhân dân cả nước gửi đến, chúng tôi thấy như đang sống giữa quê nhà. Đấy chính là điểm tựa vững chắc để những người lính dù khó khăn, gian khổ, trong bất cứ hoàn cảnh nào luôn chắc tay súng gìn giữ biển đảo của Tổ quốc, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân khi tham gia đánh bắt hải sản với phương châm: Người dân khi thấy đảo, thấy chiến sỹ là thấy nhà của mình, nhằm củng cố hơn thế trận an ninh trên biển.
  Gặp Trung tá Lại Văn Thanh trên đảo Phan Vinh, người quê gốc Bắc Ninh, anh nhớ về những lần đón Xuân, vui Tết trên đảo, trước đây cuộc sống trên đảo rất khó khăn, chưa có đủ điện và điện thoại nên việc liên lạc với gia đình ở quê chỉ bằng cách viết thư rồi gửi tàu vài tháng ở nhà mới nhận được. Vui nhất là dịp trước Tết, tàu ra đảo tiếp tế lương thực, mọi người tập trung ở cầu cảng đón tàu, nhận và gửi thư về gia đình. Đất liền và đảo xa, một cuộc gặp gỡ đầy yêu thương với những vòng tay siết chặt, ánh mắt chứa chan gửi gắm bao niềm thương, nỗi nhớ. Biết tin đoàn công tác từ quê nhà ra, anh em chiến sỹ trên đảo thao thức ngóng chờ. Mong lắm những phút chuyện trò, gặp gỡ thăm hỏi quê xa.

 

Gói bánh chưng.


Thượng tá Ngô Đình Xuyên, Chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh A kể: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đơn vị vẫn cố gắng đảm bảo cho chiến sĩ đón một cái Tết đầm ấm nhất. Trước Tết, đơn vị tổ chức gói, nấu bánh chưng, thịt lợn. Đêm 30 Tết tổ chức các hoạt động văn nghệ, làm cỗ tết gồm các món ăn đặc trưng của nhiều vùng, miền và được các chiến sĩ giới thiệu ý nghĩa từng món. Các chiến sĩ đến từ nhiều miền quê khác nhau nên Tết ở Trường Sa mới có được những mâm cỗ độc đáo như vậy. Bây giờ cuộc sống ở trên đảo đã đỡ vất vả hơn. Vui nhất là sóng điện thoại đã phủ khắp các đảo ở Trường Sa nên việc liên lạc với gia đình, người thân dễ dàng hơn. Ngày Tết ở đảo, sau thời khắc giao thừa, mọi người điện thoại về thăm hỏi, chúc Tết gia đình, kể về giây phút từ năm cũ qua năm mới thiêng liêng trên đảo rồi cùng nhau ra chùa Vinh Phúc thắp hương cầu an và tham gia một số hoạt động văn nghệ mừng Xuân.
Nơi đảo xa, mỗi sớm mai vẫn có tiếng gà báo sáng, hoa vẫn nở và tiếng hát của những người lính vẫn vượt trên đầu ngọn sóng.

Ghi chép của Vũ Thắng