Rạng danh đất học Kinh Bắc

26/08/2019 08:29 Số lượt xem: 5027
Bắc Ninh - Vùng đất trung tâm, tinh hoa của cả xứ Kinh Bắc cổ xưa dù ở thời nào, hoàn cảnh lịch sử nào cũng có những điển hình ưu tú giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp trồng người. Báo Bắc Ninh trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc hai trong số những điển hình tiêu biểu nhất của ngành giáo dục Bắc Ninh thời đại Hồ Chí Minh, tuy quen mà vẫn luôn mới lạ. Kể lại những điển hình, dù chỉ là một cá nhân hay cả tập thể cũng là để nhắc nhớ, tôn vinh, khắc ghi và hiểu rằng không có một thành tựu, công lao nào bị quên lãng…

Bài 1: Như một huyền thoại

 

Bằng “khổ đau và hạnh phúc”, Nhà giáo Nhân dân (NGND), Anh hùng Lao động (AHLĐ) Nguyễn Đức Thìn đã sống, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp trồng người của nước nhà. Thầy Thìn được người đời ví như một “huyền thoại sống” nhưng thầy đâu phải huyền thoại! Thầy chỉ là một “anh giáo làng” hết lòng vì học trò, một bệnh nhân phong có nghị lực thép, một người thắp lửa nhân ái và trí tuệ Việt Nam, một Anh hùng Lao động, một Nhà giáo Nhân dân bằng xương bằng thịt với trái tim ấm nóng, yêu đời, yêu người tha thiết… Và quan trọng hơn, sắp chạm ngưỡng tám mươi, thầy vẫn đang nhiệt huyết sống, cống hiến, bồi đắp nhân cách cho lớp lớp thế hệ người Việt trẻ.  

 

Hơn nửa thế kỷ gieo trồng hạt giống “Nghìn việc tốt” đến nay thầy giáo Nguyễn Đức Thìn vẫn nhiệt huyết, say sưa với các phong trào đoàn, đội của tuổi trẻ cả nước.

 

 

Sinh năm 1940, nguyên là đội viên Đội du kích thiếu niên Đình Bảng nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp năm xưa, người thiếu niên can đảm Nguyễn Đức Thìn đã sống một cuộc đời ly kỳ, đong đầy cảm xúc, có lẽ còn hấp hẫn hơn cả trong nhiều bộ phim nổi tiếng…


“Anh giáo làng” gieo hạt giống “Nghìn việc tốt”


Trải qua quãng tuổi xanh đầy dữ dội với bao biến cố oan trái, đau thương ập đến gia đình, Nguyễn Đức Thìn đã rất đau đớn khi chịu hai đám tang oan khuất của chú ruột và bố đẻ. Vượt lên nghịch cảnh, tốt nghiệp Trường Hàn Thuyên, cậu học trò Nguyễn Đức Thìn trở về làng nhiệt tình tham gia công tác bình dân học vụ diệt giặc dốt theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Yêu trẻ lại biết thổi sáo, thổi kèn ác-mô-ni-ca, biết hát múa và kể chuyện cổ tích nên anh học trò trường làng được các em nhỏ mến yêu, được cán bộ Đoàn xã tin tưởng giao phụ trách tổ trưởng tổ giáo viên mẫu giáo vỡ lòng, vừa dạy chữ vừa dìu dắt các em nhỏ trong cuộc sống thường ngày. Từ đó, tên gọi “anh giáo làng”, “thầy Thìn” gắn với cuộc đời “người chép sử Đền Đô”...

Làm thầy giáo, ông luôn nghĩ: “Cái gốc để vun đắp cho lứa tuổi thiếu niên là truyền thống đạo đức, văn hóa của dân tộc. Dạy tốt là phải vun đắp cái gốc ấy”. Vì vậy năm 1961, ngay khi trường cấp 2 Tam Sơn thành lập, ông phát động phong trào thi đua “Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự, noi gương Ngô Gia Tự đi đường cách mạng của Bác Hồ”. Năm 1963, ông lại là người khởi xướng phong trào “Nghìn việc tốt” và nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ ra toàn quốc. Từ nhà trường về đến xóm quê, đâu đâu cũng sôi nổi thi đua làm việc tốt, người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan, đưa cái đẹp vào cuộc sống, tự rèn kỹ năng sống cho các em. Hạt giống “Nghìn việc tốt” mà thầy Thìn là người gieo trồng và nuôi dưỡng đã nở hoa, kết trái từ địa đầu Tổ quốc đến đất mũi Cà Mau và lan sang nhiều nước Đông Âu. Qua hơn nửa thế kỷ, “Nghìn việc tốt” - Biểu tượng niềm tin của giáo dục đã trở thành nếp văn hóa, lối sống đẹp của thiếu nhi Việt Nam và là hoạt động xã hội có ý nghĩa lớn lao. Trong quá trình công tác, thầy Thìn còn tham gia thực nghiệm thành công khoảng 30 đề tài khoa học giáo dục, được xếp hạng A về sáng kiến kinh nghiệm các cấp. 

Bây giờ khi chạm ngưỡng tuổi 80, ông vẫn bảo “Tôi thấm thía rằng, sáng kiến dù nhỏ nhưng nếu biết đề ra đúng lúc, đúng nguyện vọng của quần chúng đang khát khao hành động thì lập tức sáng kiến biến ngay thành một phong trào rộng rãi”. Điều khiến ông tự hào nhất là ngoài những kết quả vật chất đạt được còn có một kết quả to lớn về tinh thần, đó là các em thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Tình người đối với nhau trở nên nồng ấm hơn. Cũng từ phong trào này, ông được mời đi nói chuyện, đi báo cáo điển hình ở khắp các diễn đàn trường học, cơ quan, đơn vị…
Một “anh giáo làng” không được đào tạo chuẩn, không học qua Đại học nhưng ông đã đến các trường Đại học để nói chuyện, truyền cảm hứng, thắp sáng ngọn lửa nhân ái trong nhiều thế hệ sinh viên, tuổi trẻ Việt Nam.


Xương rồng nở hoa
Khi sự nghiệp trồng người đang phơi phới, năm 1978, thầy Thìn mắc chứng bệnh Phong-một “tứ chứng nan y” mà người đời kì thị vẫn gọi “bệnh hủi”, phải vào Trại Phong Quỳnh Lập (Nghệ An) chữa trị. Một buổi sáng đứng ngắm bình minh trên biển, thầy đau lòng biết rằng có hơn 150 em nhỏ ở đây thất học. Giữa vùng đồi trọc chỉ có nắng và gió biển, trong những cơn đau bệnh thấu rút tâm can như khoan vào xương tủy vẫn luôn tự nhủ phải kiên trì với “trận chiến đặc biệt”, vậy mà thầy Thìn còn đứng lên vận động, thuyết phục bà con mở trường học để con em làng phong không bị đói cái chữ. Ngôi trường bên bờ biển mang tên Lê Văn Tám ra đời năm 1981 và giáo viên chính là những thầy cô đang điều trị tại bệnh viện phong Quỳnh Lập... Sự xuất hiện của ngôi trường đã mang bình minh đến “vùng đất nhiều đau thương”. Thực là kì tích, trên cát trắng nóng bỏng, xương rồng vẫn lớn lên xanh tươi!

 

Ảnh: Như Ý

 

Sau 1460 ngày bền chí kiên trì luyện tập, trị liệu và chiến thắng vi khuẩn Hasen, chia tay Quỳnh Lập, thầy Thìn trở lại trường cũ cấp 2 Tam Sơn với nghề gõ đầu trẻ, với vườn hoa Nghìn việc tốt và tiếp tục sáng tạo, miệt mài lao động giảng dạy, tích cực thực hiện các đề tài cải cách giáo dục. Với danh hiệu chiến sĩ thi đua ngành giáo dục Bắc Ninh, thầy Thìn được chuyển về trường gần nhà. Thế nhưng, ở tiết dạy sử đầu tiên... Kể đến đây, giọng thầy chùng xuống thoáng chút rưng rưng: “Lúc bước lên bục giảng, tôi nhìn thấy trên bảng đen loằng ngoằng con chữ trắng “Thìn hủi”...” Song sự khinh miệt không làm thầy nản lòng, tiết sử ấy thầy vẫn giảng say sưa, học sinh lắng nghe đầy hứng thú. Sau đó, thầy còn ôn tồn giáo hóa được những trẻ ngỗ nghịch, tiếp tục đưa vào thực nghiệm các sáng kiến khoa học giáo dục và khuấy động phong trào “Nghìn việc tốt” vốn đã lan rộng khắp miền Bắc, làm chấn động dư luận lúc bấy giờ...

 

Chạm ngưỡng tuổi 80 nhưng AHLĐ, NGND Nguyễn Đức Thìn vẫn hào sảng thuyết minh, làm hướng dẫn viên du lịch ở Đền Đô


Trân trọng tấm gương nghị lực với những cống hiến lớn lao qua bao tháng năm miệt mài sáng tạo, tận tụy vì sự nghiệp ươm trồng mầm xanh tương lai, năm 1985, thầy Thìn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đến năm 1988, trong danh sách phong tặng Nhà giáo Nhân dân đợt đầu cũng ghi tên thầy giáo Nguyễn Đức Thìn. Hạnh phúc, tự hào đón nhận những danh hiệu lấp lánh vinh quang ấy, thầy Thìn xác định trách nhiệm của mình sẽ càng nặng nề hơn. Ấy vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn được phong AHLĐ, NGND, năm 1991, thầy Thìn lại gạt nước mắt “tự nguyện” viết đơn xin nghỉ hưu khi mới 51 tuổi. 
Về hưu với di chứng bệnh phong, 10 ngón tay co quắp tê dại mất cảm giác nhưng thầy Thìn dành dụm từng đồng lương hưu ít ỏi mua sắm máy ảnh, máy quay, máy ghi âm để kiếm sống và phục vụ cho các công tác xã hội. Câu chuyện cuộc đời một nhà giáo đất Kinh Bắc cứ ngồn ngộn lên như thế, nhưng ông lại bảo từ lúc về hưu ông mới làm được nhiều việc nhất. Hưu mà không nghỉ, ông xuống biển làm cảng, lên rừng làm đường, viết lịch sử Đình Bảng, làm hướng dẫn viên du lịch Đền Đô, sáng tác thơ văn, tự đánh máy hàng nghìn trang bản thảo, xuất bản 15 đầu sách, trong đó có 8 tập thơ và đặc biệt, cuốn tự truyện “Chuyện cuộc đời” dày gần 500 trang là tư liệu quý, kịch bản hay cho các nhà làm phim xây dựng hơn 10 bộ phim tài liệu...


“Lương sư hưng quốc”
Nghề giáo luôn là một nghề cao quý và được xã hội tôn vinh. Thời nào cũng đều có những người thầy ưu tú, là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Thầy Thìn bảo: Cuộc đời tôi có được ngày hôm nay là nhờ thời niên thiếu tôi được học, được gặp gỡ những thầy cô tuyệt vời. “Lương sư hưng quốc”, đó là cái tâm đức của người thầy góp phần tạo nên những thế hệ học trò tài năng, đủ bản lĩnh làm nên sự hưng thịnh của quốc gia và rạng danh non sông gấm vóc.... Vậy nên, vấn đề quan trọng nhất của giáo dục hiện nay là mỗi giáo viên cần ý thức trách nhiệm trở thành tấm gương sáng về đạo đức, tinh thần tự học, sáng tạo, luôn bao dung để học trò soi vào, gửi gắm niềm tin, xác định mục tiêu cuộc sống mà phấn đấu.
Vì sự nghiệp giáo dục, vì học sinh thân yêu, từ lúc 18 tuổi và giờ sắp chạm ngưỡng 80, ông giáo Thìn vẫn nhiệt huyết lao động với tinh thần dạt dào, cháy bỏng. Một nghị lực phi thường trong một con người bình thường. Không phải là huyền thoại, ông là một người thật với bao việc làm hữu ích vẫn đang hiện diện. Ngày ngày, tại khu di tích Đền Đô, ông vẫn hào sảng thuyết minh giới thiệu cho du khách thập phương về truyền thống lịch sử dân tộc, về khát vọng tâm hồn và nhân cách con người Việt Nam. Ông đi khắp nơi nói chuyện, giáo dục truyền thống và truyền cảm hứng lao động sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách cho thế hệ trẻ. Không chỉ gieo chữ mà ông còn gieo tâm hồn, truyền ngọn lửa tin yêu cuộc sống trong các thế hệ. Ông tâm niệm, trong giáo dục không được quên lòng nhân ái cũng như trong sự nghiệp trồng người không được quên nguồn gốc dân tộc. Vì thế, trong bao nhiêu việc hữu ích đã làm, điều giá trị nhất ông cho là: “Lòng nhân ái và trí tuệ Việt Nam đã được truyền tới tuổi trẻ cả nước, nhiều người sau này trưởng thành và đã được giới thiệu ra quốc tế. Và tôi cũng may mắn đi nhiều nơi trên thế giới, góp phần nhỏ bé đưa các giá trị đó giới thiệu tại các hội nghị giáo dục ở Lào, Berlin (Đức), Mông Cổ…”.
Bằng khổ đau và hạnh phúc cả đời mình, thầy Thìn đã thắp lên một ngọn “lửa nhân ái” quý giá như thế. Mong cho ngọn lửa ấy tiếp tục được các thế hệ trao truyền như lời thỉnh cầu từ thẳm sâu trái tim nhân ái trong thầy: “Con người như giọt nước/Trong mênh mông biển đời/Khổ đau và hạnh phúc/Xin đừng khinh bỏ nhau/Hãy thắp lửa nhân ái/Cho cuộc đời bớt đau”...


Bài 2: Niềm tự hào của ngành giáo dục Bắc Ninh

Thanh Tú - Thuận Cẩm