Quản lý, khai thác và vận hành bể bơi trường học

07/06/2019 09:51 Số lượt xem: 4982
Nhằm giảm thiểu tai nạn đuối nước, từng bước phổ cập môn bơi cho học sinh phổ thông, năm học 2017-2018, UBND tỉnh đã quyết định cho xây dựng thí điểm 8 bể bơi tại 8 trường (Tiểu học hoặc THCS) trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố. Hết năm học, đến tháng 8-2018, cả 8/8 bể bơi hoàn thành và bước đầu khai thác, sử dụng.

Học sinh trường Tiểu học Hiên Vân (Tiên Du) hào hứng với bể bơi mới được xây dựng.

 


Việc quyết định cho xây dựng bể bơi trong trường học bằng ngân sách tỉnh thể hiện sự quyết tâm cũng như tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh và ngành giáo dục. Bởi trong chương trình giáo dục phổ thông mới (triển khai từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1), thì hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống là bắt buộc liên thông tất cả các cấp học. Việc quyết định cho xây bể bơi trường học theo lộ trình còn thể hiện sự đồng bộ trong quy hoạch tổng thể mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh.
Theo lộ trình, năm học 2018-2019, UBND tỉnh quyết định cho xây mới 16 bể bơi, tổng kinh phí khoảng 95 tỷ đồng (mỗi huyện, thị xã, thành phố được xây mới thêm 2 bể bơi) ở những trường có điều kiện phù hợp. Sau đó, theo tham mưu của Sở GD-ĐT, UBND tỉnh cho xây tiếp 2 bể bơi ở 2 trường THCS Tam Sơn (thị xã Từ Sơn) và Tiểu học Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh), đến nay 16 bể bơi đã hoàn thành và sẽ đồng loạt đưa vào sử dụng dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6 tới.
Riêng 2 bể bơi xây dựng sau ở trường Tiểu học Thị Cầu và THCS Tam Sơn, trong quá trình kiểm tra dịp đầu tháng 5, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị thi công vừa phải đẩy nhanh tiến độ, nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng công trình, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 6-2019. Vì bể bơi chỉ có thể khai thác và vận hành hiệu quả nhất trong mấy tháng hè. Dự kiến, trong năm 2021, toàn tỉnh sẽ có 63 bể bơi được đầu tư xây dựng bằng ngân sách nhà nước, nghĩa là trung bình cứ 2 xã, phường, thị trấn có 1 bể bơi. Đó là chưa kể nhiều trường Tiểu học, THCS và THPT bằng các hình thức xã hội hóa đã xây dựng được bể bơi và hoạt động, khai thác khá hiệu quả. Điều này càng cho thấy bơi không chỉ quan trọng trong phòng, chống đuối nước mà còn là môn thể thao rất được yêu thích.
UBND tỉnh giao Sở GD-ĐT khẩn trương phối hợp với các ngành hữu quan sớm ban hành quy chế chung trong khai thác và sử dụng bể bơi trường học. Trước mắt, trong quá trình nghiên cứu để ban hành được quy chế chung, Sở GD-ĐT yêu cầu các Phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức học bơi, dạy bơi và có giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh trong quá trình dạy và học bơi; xây dựng mức thu, chi phù hợp đảm bảo thu đủ chi, không vì lợi nhuận.
Đối với các trường đã có bể bơi, phải họp phụ huynh thống nhất và cho học sinh đăng ký học bơi; những trường chưa có bể bơi nếu có nhu cầu cũng phải họp phụ huynh thống nhất kế hoạch phối hợp với trường có bể bơi trên địa bàn để đăng ký, cùng xây dựng khung giờ tổ chức học bơi, dạy bơi phù hợp vừa đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Trong suốt thời gian học bơi và dạy bơi, cán bộ quản lý, giáo viên dạy bơi và người cảnh giới phải chịu trách nhiệm và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh. Giáo viên dạy bơi bắt buộc phải hoàn thành lớp huấn luyện dạy bơi, cứu hộ do Sở GD-ĐT phối hợp với Sở VH,TT &DL tổ chức; chỉ mở cửa bể bơi khi đủ các điều kiện bắt buộc về an toàn bơi.
Trong quá trình sử dụng bể bơi, các trường cũng phải quan tâm việc lập dự toán thu, chi cho cả quá trình như tiền điện, hóa chất, nước, thù lao… làm cơ sở để các cơ quan chức năng xem xét, xây dựng thành quy chế chung trong quản lý, khai thác và vận hành bể bơi trong trường học trên địa bàn tỉnh. Tất cả vì mục tiêu nâng cao thể lực, phòng, chống đuối nước và từng bước phổ cập môn bơi cho học sinh Bắc Ninh.
 

Trọng Khánh