Quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản

07/05/2019 08:28 Số lượt xem: 4867
Bắc Ninh là tỉnh đồng bằng không có tiềm năng khoáng sản, chỉ chủ yếu là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, sỏi lòng sông). Các hoạt động về khoáng sản tập trung khai thác, tập kết cát đen trên các tuyến sông Đuống, sông Cầu và sông Thái Bình.


Tuy nhiên, do khoáng sản cát, sỏi lòng sông có đặc thù dễ khai thác, vốn đầu tư không nhiều, thị trường rộng, nên việc ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép gặp nhiều khó khăn, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, rất cần sự vào cuộc thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị.
Trong những năm qua, công tác quản lý khai thác, tập kết cát, sỏi lòng sông luôn được Tỉnh uỷ quan tâm, chỉ đạo sát sao, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh và sự vào cuộc, triển khai thực hiện nghiêm túc của ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố và của mọi tầng lớp nhân dân, nên công tác quản lý khai thác, xử lý vi phạm về khai thác cát sỏi trái phép đạt một số kết quả quan trọng, từng bước đi vào nền nếp.
Gần 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản, Bắc Ninh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, Tổ công tác phản ứng nhanh, Đội liên ngành ở các địa phương có tuyến sông đi qua, quy trách nhiệm người đứng đầu ở các đơn vị, địa phương liên quan nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, nhằm khai thác, quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản. Tăng cường bảo vệ đê điều trước những diễn biến phức tạp của thời tiết. Đoàn kiểm tra liên ngành và Tổ phản ứng nhanh của tỉnh xây dựng kế hoạch hành động và thực hiện nghiêm túc các kế hoạch đề ra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Từ năm 2011 đến nay, lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ gần 400 phương tiện khai thác cát trái phép, xử phạt hơn 6 tỷ đồng. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, liên tục. Ngành tài nguyên và môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ 2 đợt/ năm và hơn 10 đợt kiểm tra đột xuất, chấn chỉnh kịp thời công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản.  
Công tác lập, phê duyệt quy hoạch về khoáng sản được thực hiện sát với tình hình thực tế. Sau 4 năm thực hiện Quyết định số 177/2013/QĐ-UBND ngày 14-3-2013 về việc phê duyệt quy hoạch khu vực khai thác tập kết cát, sỏi lòng sông và vật liệu xây dựng trên địa bàn chưa thực sự phát huy hiệu quả, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 23/2016/QĐ-UBND ngày 20-5-2016 thay thế Quyết định số 177/2013/QĐ-UBND. Theo đó,  2 khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông và vật liệu xây dựng được quy hoạch là: Khu vực bãi nổi địa phận xã Giang Sơn (Gia Bình) và khu vực bãi nổi xã Đào Viên (Quế Võ). 65 bãi tập kết cát, sỏi, vật liệu xây dựng. Ngoài khu vực được cấp phép, bất kể đơn vị, tổ chức, cá nhân nào khai thác cát, sỏi trên sông đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Riêng năm 2018, UBND tỉnh chỉ cấp 11 giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình.
Từ năm 2015 đến nay, các dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp với tận thu sản phẩm đều phải tạm dừng hoạt động, tỉnh kiên quyết không cấp phép. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành rà soát đánh giá theo chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo Kết luận số 357/TB-VPCP ngày 6-11-2015 về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa biển. Công tác kiểm tra, rà soát quy hoạch được thực hiện hàng năm để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản được chú trọng, tập trung tuyên truyền mạnh tại các địa phương ven sông, điểm giáp ranh với các tỉnh lân cận, nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Thường xuyên cập nhật, phổ biến kịp thời các quy định của nhà nước, thông báo Kết luận của UBND tỉnh về việc quản lý, khai thác khoáng sản tới mọi tầng lớp nhân dân. Biểu dương, khen thưởng các ngành, địa phương, lực lượng chức năng làm tốt công tác quản lý về khai thác cát, sỏi lòng sông, bảo vệ đê điều, tạo sự khích lệ cao trong bảo vệ tài nguyên khoáng sản.
Mặc dù có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, song tình trạng khai thác khoáng sản trái phép chưa chấm dứt triệt để. Nhất là việc lợi dụng khu vực giáp ranh trên sông giữa các địa phương Bắc Ninh - Bắc Giang, Bắc Ninh - Hải Dương, Bắc Ninh - Hà Nội để khai thác và dễ trốn thoát nếu bị lực lượng chức năng phát hiện. Trong khi đó, lực lượng công chức quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản còn mỏng, vẫn kiêm nhiệm ở cấp cơ sở nên công tác kiểm tra việc chấp hành Luật Khoáng sản chưa được thường xuyên, liên tục. Việc triển khai các dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm còn nhiều bất cập và sai phạm, gây nhiều hệ lụy tại địa phương (sụt lở đê kè, phá vỡ ổn định lòng sông và gây khiếu kiện trong nhân dân). Vẫn còn tình trạng lợi dụng thi công dự án để khai thác cát trái phép.
Công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản rất cần những giải pháp mạnh: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bảo đảm hoạt động hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản để nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên môi trường trong mọi tầng lớp nhân dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Có cơ chế quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với việc cấp phép khai thác và sử dụng tài nguyên hợp lý, tránh gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường. Khắc phục, hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản… tạo hiệu ứng tích cực trong quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản.

Bài, ảnh: Hoài Anh