Những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1/7
Từ ngày 1/7/2022, Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng.
Từ 1/7 tăng mức lương tối thiểu vùng
Có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, Nghị định 38/2022/NĐ-CP đã điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng với mức tăng bình quân là 6%. Đây chính là mức tiền lương thấp nhất làm cơ sở để các bên thỏa thuận và trả lương cho người lao động.
Như vậy, từ ngày 1/7/2022, người lao động làm việc tại doanh nghiệp sẽ được áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới như sau: Vùng I, mức lương tối thiểu tháng là 4.680.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu giờ 22.500 đồng/giờ. Vùng II mức lương tối thiểu tháng là 4.160.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu giờ 20.000 đồng/giờ. Vùng III, mức lương tối thiểu tháng là 3.640.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu giờ 17.500 đồng/giờ. Vùng IV, mức lương tối thiểu tháng là 3.250.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu giờ 15.600 đồng/giờ.
Đây cũng là lần đầu tiên Chính phủ chính thức quy định mức lương tối thiểu giờ làm cơ sở để trả lương cho người lao động làm việc theo giờ. Quy định này được kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo tiền lương cho những người lao động làm công việc mang tính chất linh hoạt, không trọn thời gian trong các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê...
Từ 1/7, triển khai cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp
Nhằm triển khai rộng rãi và cấp đồng loạt hộ chiếu phổ thông theo mẫu mới, Bộ Công an sẽ bắt đầu thực hiện cấp hộ chiếu mẫu mới kể từ ngày 1/7/2022.
Hiện tại cho đến trước ngày 1/7/2022, Bộ sẽ tạm dừng việc cấp hộ chiếu phổ thông theo mẫu cũ, trừ các trường hợp cấp bách như đi chữa bệnh, công tác, đã mua vé máy bay…
So với hộ chiếu mẫu cũ thì mẫu mới có thêm nhiều cải tiến, thiết kế cũng công phu hơn. Cụ thể, trên mỗi trang của hộ chiếu mới sẽ là hình ảnh tiêu biểu phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng của Việt Nam như: Vịnh Hạ Long, Kinh đô Huế, Đền Hùng, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn…
Đặc biệt, việc lựa chọn gắn thêm chip điện tử vào hộ chiếu mới còn giúp đáp ứng nhu cầu số hóa, đồng thời giảm thiểu nguy cơ bị làm giả hộ chiếu. Theo thông tin ban đầu của Bộ Công an, chip này sẽ lưu các thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp. Ngoài ra, nó có thể lưu trữ đặc điểm sinh trắc học, ảnh hay thông tin cá nhân của công dân.
Dừng hỗ trợ mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Tại Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021, Chính phủ đã cho phép người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022). Đến ngày 1/7/2022, chính sách hỗ trợ này sẽ kết thúc, doanh nghiệp phải tiến hành đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mức cũ.
Cụ thể, theo Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP, mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 1/7/2022 được xác định như sau:
- Doanh nghiệp đủ điều kiện được đóng với mức thấp: Đóng 0,3%.
- Doanh nghiệp còn lại: Đóng 0,5%.
Xóa bỏ hóa đơn giấy, chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử
Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC hướng dẫn Nghị định này (cùng có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2022) đã quy định cụ thể lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử như sau:
Trước ngày 1/7/2022, chỉ bắt buộc áp dụng hoá đơn điện tử đối với các cơ sở kinh doanh được cơ quan thuế thông báo chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử mà đã đáp ứng được điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin (theo Điều 60 Nghị định 123/2020/NĐ-CP). Đồng thời khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng hóa đơn điện tử (khoản 1 Điều 11 Thông tư 78/2021/TT-BTC).
Từ 1/7/2022, bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, trừ một số trường hợp như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hệ thống phần mềm kế toán…
Như vậy, trừ một số trường hợp đặc biệt nêu trên thì từ ngày 1/7/2022, các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh sẽ không được sử dụng hóa đơn giấy mà bắt buộc phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Thực tế, việc áp dụng hóa đơn điện tử đã được triển khai đồng bộ tại 63 tỉnh, thành trên cả nước từ tháng 4/2022 nhưng do thời gian áp dụng chưa lâu nên trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử, các doanh nghiệp vẫn còn gặp khá nhiều vướng mắc.
Điều chỉnh lại mức thu của hàng loạt phí, lệ phí
Nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho những người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 120/2021/TT-BTC quy định về mức thu của một số khoản phí, lệ phí áp dụng từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022.
Thông tư này đã tiếp tục bổ sung thêm 3 khoản phí, lệ phí vào danh mục các khoản phí, lệ phí được giảm, đồng thời gia hạn thời gian được giảm mức thu của 34 khoản phí khác, nâng tổng số khoản phí, lệ phí được giảm từ 34 lên 37.
Điển hình có thể kể đến các khoản sau: Lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip, lệ phí cấp hộ chiếu, phí sử dụng đường bộ, phí cấp giấy đăng kiểm…
Các khoản lệ phí này được giảm từ 10 - 50% so với quy trước đó, áp dụng đến hết ngày 30/6/2022. Sang đến ngày 1/7/2022, 37 khoản phí, lệ phí này sẽ trở lại mức thu theo quy định trước đó.
Từ 2023, thi đại học chỉ được cộng điểm ưu tiên khu vực trong 2 năm
Theo Quy chế tuyển sinh đại học mới nhất được ban hành tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 22/7/2022, chính sách ưu tiên theo khu vực được quy định như sau:
- Mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 (KV1) = 0,75 điểm.
- Mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) = 0,5 điểm.
- Mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 2 (KV2) = 0,25 điểm. - Mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 3 (KV3) = 0 điểm.
Tuy nhiên, điểm d Điều 7 Quy chế này cũng nêu rõ, từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.
Nói cách khác, thí sinh thi đại học từ năm 2023 chỉ được cộng điểm ưu tiên khu vực trong tối đa 2 năm là năm tốt nghiệp cấp 3 và năm kế tiếp.
Hỗ trợ học phí đến 25.000 USD/năm cho giảng viên học nâng cao ở nước ngoài
Để thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đại học, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 30/2022/TT-BTC, trong đó hướng dẫn về cơ chế tài chính hỗ trợ giảng viên được cử tham gia đào tạo trình độ tiến sĩ và thạc sĩ toàn thời gian ở nước ngoài như sau:
- Học phí: Tối đa 25.000 USD/năm học.
Trường hợp học phí cao hơn 25.000 USD/năm học thì mức chênh lệch cao hơn do người học tự chi trả.
- Chi phí làm hộ chiếu, visa: Thanh toán theo chi phí thực tế.
- Sinh hoạt phí gồm: Tiền ăn, ở, đi lại hàng ngày, tiền tài liệu và đồ dùng học tập được cấp theo thời gian học tập thực tế ở nước ngoài.
- Bảo hiểm y tế bắt buộc: Thanh toán theo quy định của nước sở tại, tối đa 1.000 USD/năm.
- Tiền vé máy bay đi và về: 01 lượt đi và về.
- Chí phí đi đường: Được cấp 01 lần chi phí đi đường với mức khoán là 100 USD/người... Thông tư này chính thức được áp dụng từ ngày 20/7/2022.
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức kế toán, thuế, hải quan
Cũng trong tháng 7, cụ thể là ngày 18/7/2022, Thông tư 29/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ sẽ chính thức được áp dụng.
Theo đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với các công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan đã có sự thay đổi. Thông tư 29 đã không còn yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với tất các vị trí.
Từ ngày 18/7/2022, công chức là kế toán viên, kiểm tra viên thuế, kiểm tra viên hải quan chỉ cần đảm bảo có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.