Lại chuyện... cổng làng

11/12/2018 08:27 Số lượt xem: 11198
Kỳ cuối:  Cổng xưa…tự truyện

 Sau cái cổng làng xưa là cả một lối sống “đất lề quê thói” có nền nếp văn hóa hẳn hoi mà không cần một câu khẩu hiệu khẳng định hay phô trương. Thế nên, chẳng cần trưng biển ghi “làng văn hóa” thì thiên hạ cũng vẫn nhận ra bản chất văn hóa căn cốt của làng đó…

 

Cổng làng Phù Lưu (phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn).

 

Ứng xử văn hóa với cổng làng
Khi đặt vấn đề cổng làng, chúng tôi khảo sát, nghiên cứu tương đối kỹ các văn bản liên quan đến cơ sở hạng tầng nông thôn và nhận thấy công trình cổng làng không hề hiện diện trong những văn bản này. Cụ thể, trong quy hoạch tổng thể thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ không một chữ nào đề cập đến thiết chế cổng làng. Trong bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới có quy định khá chi tiết về tỷ lệ bê tông hóa đường giao thông, hệ thống thủy lợi, bưu điện, trường học, chợ, nhà văn hóa, khu thể thao thôn, nghĩa trang, nhà ở dân cư, thậm chí có cả internet đến thôn… nhưng cổng làng cũng vẫn “vắng bóng”. Trao đổi với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban điều phối Nông thôn mới và Sở Xây dựng của Bắc Ninh chúng tôi cũng nhận được phản hồi xác nhận là cổng làng chưa có tên trong danh mục thuộc quản lý của các ngành… Phải chăng vì thế nên cái cổng vào làng trong giai đoạn hội nhập hiện nay mới có nhiều chuyện đáng bàn. 

 

Làng Diềm gìn giữ, bảo tồn khá nguyên vẹn hình thái của ngôi làng truyền thống với nhiều công trình kiến trúc cổ như cổng làng, đình làng, đền Cùng giếng Ngọc, đền Vua Bà Thủy tổ Quan họ…


Cố công tìm phương án giải quyết cho những vấn đề nêu ra, chúng tôi trao đổi với Kiến trúc sư Nguyễn Huy Phách, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh, là người theo sát vấn đề quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn vừa qua. Ông còn đặc biệt quan tâm đến bảo tồn không gian làng, trong đó có văn hóa làng. Kiến trúc sư cho rằng: Cổng làng có một ý nghĩa hết sức quan trọng bởi sau đó là cộng đồng, gia tộc, là tình làng nghĩa xóm bền chặt. Xây dựng lại cổng làng là việc làm mang ý nghĩa tốt đẹp, góp phần tô điểm cho làng quê thêm khang trang đồng thời định danh, phát triển nét văn hóa truyền thống của một vùng đất. Tuy vậy, việc xây dựng cổng làng đang diễn ra khá tự phát, quy mô, kiểu dáng mỗi nơi mỗi khác. Cái được khen thì ít, cái bị chê thì nhiều. Hơn nữa, cũng đang có hiện tượng lẫn lộn giữa việc xây cổng làng với việc làm cổng chào. Cổng chào chỉ ra đời vào thời gian nhất định và khi nó qua đi thì không tồn tại nữa. Trong khi đó, cổng làng được xem là bộ mặt, là hồn cốt, biểu tượng cho nếp sống, cốt cách của người dân sống trong làng”.
Trước thực tế của chuyện cổng làng thời nay, KTS Nguyễn Huy Phách đề xuất: Với những làng quê còn giữ lại được những cổng làng cổ, có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử thì cần phải bảo tồn, duy tu để thích ứng trong đời sống đương đại. Còn nếu địa phương nào không còn những cổng làng cũ nữa, thì trước mắt chưa nên đặt vấn đề làm cổng mới khi mà điều kiện đời sống của đại đa số nông dân ở làng quê còn khó khăn. Nếu có điều kiện, trước khi xây cổng làng mới, mỗi địa phương cần tham khảo, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng về vị trí đặt cổng, về nguồn kinh phí và bản vẽ thiết kế cho phù hợp, hài hòa, để vừa phát huy được các giá trị văn hóa vừa tiết kiệm, không gây lãng phí. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương nên quan tâm tuyên truyền, định hướng các tiêu chí trong xây dựng cổng làng. Cũng không nên sử dụng mẫu cổng giống nhau vì đặc điểm kinh tế, văn hóa, lịch sử mỗi làng khác nhau…
Cổng xưa… tự truyện
Cổng làng xưa là một công trình kiến trúc cổ, mang trên mình giá trị văn hóa, lịch sử, vừa thực vừa tâm linh của người Việt Nam. Đó là hình tượng của quê hương, xứ sở. Mỗi cổng làng đều có một nét văn hóa riêng tuỳ theo đặc điểm của làng đó, biểu trưng cho sự uy nghi, nền nếp của làng. Để tạm khép lại phóng sự này, chúng tôi xin giới thiệu một số cổng làng xưa vẫn đang hiện hữu bình dị mà uy nghi giữa nhịp đời Bắc Ninh văn minh sôi động hôm nay…
Trở đi trở lại làng Diềm (Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) không biết bao nhiêu lần và lần nào bước qua vòm cổng gạch của làng, khách đường xa đều cảm nhận sự bình yên, ấm áp thân quen. Dưới mái đình vẻ vang trứ danh, ông Nguyễn Ngọc Bích, 72 tuổi, thủ từ đình Diềm mời khách chén trà nóng rồi từ tốn: “Chẳng rõ niên đại nhưng cổng này có sau khi xây dựng đình làng. Cổng được xây bằng gạch vồ, kết cấu hai tầng, có mái lợp. Trán cổng là hình bức cuốn thư đề 4 chữ “Vãng du hữu lợi” có nghĩa “qua làng là có lợi”. Bốn chữ đó như lời chào lịch sự, thể hiện cốt cách của người đất Thủy tổ Quan họ trọng tình, hiếu khách… Không riêng tôi mà mọi người dân ở đây đều yêu làng và tự hào gìn giữ những nét đẹp văn hóa của ông cha!”.

 

Cổng Bông- một trong những cổng cổ làng Trang Liệt, phường Trang Hạ (thị xã Từ Sơn)  với 4 chữ “Xuất nhập tương hữu” tức “Ra vào đều là bạn”.


Sang đất Từ Sơn, chúng tôi cũng đi từ ngỡ ngàng này đến ngạc nhiên khác bởi dù làng đã lên phố, giữa nhịp điệu đô thị hóa, nhà cao tầng chen chúc, xe cộ, quán xá tấp nập… Thế nhưng, những cổng làng nhuộm màu thời gian vẫn hiên ngang hiện hữu. Về Trang Liệt, qua cổng Bông bằng gạch rêu phong trầm mặc, đi sâu vào giữa làng, chúng tôi có cảm giác như đang lạc vào miền cổ tích. Những con ngõ nhỏ bình dị mà thân quen xen giữa các tòa nhà cao tầng san sát nhưng gọn gàng, nền nếp không một chút vênh vao dị biệt. Giữa làng là mái đình cong vút, đền, chùa, miếu, nhà truyền thống đều đậm kiến trúc cổ... đủ để thấy ý thức trân quý tinh hoa văn hóa và nếp sống trọng chữ nghĩa của người dân ấp Trang Bà Liệt.
Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà gỗ hơn trăm năm tuổi là hương hỏa của tổ tiên, cụ Ngô Hữu Xuất, 95 tuổi say sưa: “Văn hóa làng Trang Liệt thì kể cả ngày không hết. Riêng mấy chiếc cổng làng cũ vẫn hiện hữu ngoài kia cũng đủ để anh chị hiểu cốt cách, nếp sống của dân kẻ Sặt. Xưa, làng tôi có 4 cổng ở 4 phía của làng. Mỗi cổng có sự tích riêng được dân làng gọi tên là cổng Lé, cổng Tây, cổng Bông và cổng Đá. Hiện nay, 3 trong số 4 cổng xưa vẫn còn khá nguyên vẹn, riêng cổng Lé còn gọi cổng Tiền xây dựng năm 1925 có kiến trúc đẹp nhất bị phá từ những năm cải cách ruộng đất để mở lối cho xe chở thóc của hợp tác xã… Mỗi cổng làng đề những dòng chữ khác nhau, như cổng Bông có 4 chữ “Xuất nhập tương hữu” nghĩa là “ra vào đều là bạn”. Ý nghĩa trên cổng Bông minh chứng cho tình hiếu khách, hướng ngoại của người dân Trang Liệt từ xa xưa đến nay. Cổng Tây có 3 chữ “Xử chư dự” nghĩa là “lấy mọi tiếng khen” cho thấy vẻ đẹp của cổng và những mỹ tục của làng. Cổng Đá đề 4 chữ “Tiểu vãng đại lai”, nghĩa là “đi ít về nhiều” do trước đây người dân trong làng có nghề thu gom đồng nát. Khi đi thì không có gì nhưng lúc trở về thường mang theo đủ loại hàng hóa phế phẩm… Với người làng Trang Liệt, cổng làng chẳng khác nào nhân chứng lịch sử kể cho hậu thế về những câu chuyện của cha ông.

Kiến trúc sư Nguyễn Huy Phách:


Tránh dễ dãi, cẩu thả khi dựng cổng làng


Chính vì thế mọi cách giải quyết liên quan đến xây dựng mới hoặc tôn tạo chiếc cổng làng cũ rất cần được mọi người dân và các nhà quản lý quan tâm thấu đáo cho phù hợp với chủ trương xây dựng Nông thôn mới hiện nay của Chính phủ, tránh sự dễ dãi, cẩu thả. Và khi xây dựng cổng làng, nếu không xem xét kỹ sẽ cực kỳ lãng phí. Nó sẽ đi ngược với tinh thần xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi sự đồng thuận rất lớn giữa người dân và chính quyền.
Việc bảo tồn không gian làng, trong đó có bảo tồn các cổng làng truyền thống là việc cấp thiết ở Bắc Ninh trong tiến trình đô thị hoá, rất cần được các cấp, các ngành và mọi người dân quan tâm gìn giữ.

 


Trải bao biến thiên của thời cuộc, vạn vật đổi thay, nhiều giá trị truyền thống cũng mai một nhưng nhiều cổng làng vẫn được dân làng Diềm, Trang Liệt, Phù Lưu, Đồng Kỵ… nâng niu như báu vật. Với họ, cổng làng cũ không chỉ chứa đựng tinh hoa kiến trúc, văn hóa truyền thống mà còn mang nhiều thông điệp sâu sắc, thể hiện tâm hồn, tình cảm của bà con sinh sống trong mỗi “khoảnh tre”. Đó là hồn làng, nơi gửi gắm bao nỗi niềm, để người dân mỗi khi đi xa trở về qua bóng cổng là thấy an yên, ấm áp…
Chạm vào cổng làng là chạm vào một thế giới thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người từng sống ở làng. Hình ảnh cổng làng luôn được mỗi người cất giữ một nơi sâu kín của tâm hồn, đó là một ngăn nhỏ trong tim, ở tầng sâu đáy mắt… Nó luôn tồn tại như một biểu tượng thân thương và đặc trưng của mỗi làng quê truyền thống. Nơi ấy như có dáng đứng của cha, có vòng tay của mẹ là tâm điểm để cho ta lượng đo sức mình khi đi xa và ngược lại cũng là nơi hút về những nỗi nhớ, những hoài niệm quê hương… Cổng làng lặng thầm mang trong mình những trọng trách lớn lao, cất giữ bao ước vọng của cộng đồng từ đời này qua đời khác. Vì thế, nếu chỉ giới hạn ở một hai bài báo nhỏ chắc chắn chưa thể làm thỏa mãn bạn đọc. Chúng tôi nhất định sẽ còn trở lại đề tài cổng làng với ăm ắp những câu chuyện thú vị khác...
Tháng 10-2018

Phóng sự của Thuận Cẩm-Xuân Me