Khắc phục sai phạm để nghề sản xuất giấy hoạt động trở lại

14/09/2021 19:48 Số lượt xem: 2348
Những đống rác chồng rác, thậm chí lấn cả dòng chảy bây giờ không còn xuất hiện trên Ngũ Huyện Khê, đoạn qua CCN Phong Khê II, phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh). Bên bờ sông, rác đã được thu gom, xử lý. Các cơ sở sản xuất kinh doanh lấn chiếm hành lang cây xanh công trình thủy lợi tự giác tháo dỡ, trả lại hành lang đê thông thoáng. Động thái tích cực này cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc gắt gao của ngành chức năng và sự ý thức, trách nhiệm, đồng thuận cao của các cơ sở sản xuất trong việc nhanh chóng khắc phục những sai phạm để sớm ổn định sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Lại, Giám đốc Công ty TNHH Nhất Hảo, CCN Phong Khê II, Tổ trưởng Tổ tự quản cho rằng: Chúng tôi đã nhận thức rõ những sai phạm của mình và đang nỗ lực khắc phục. Về khắc phục ô nhiễm môi trường, doanh nghiệp của tôi cũng như nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh khác đã cơ bản tháo bỏ lò hơi cũ, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn, mua hơi thương phẩm để sản xuất, hạn chế tối đa phát sinh nước thải, khí thải độc hại ra môi trường. Về sử dụng đất sai mục đích là vấn đề tồn tại từ nhiều năm trước, nhưng chúng tôi đang cố gắng sửa sai bằng việc tự tháo dỡ công trình vi phạm hành lang cây xanh bảo vệ công trình thủy lợi nội đồng và huy động các cơ sở tự bỏ tiền để cứng hóa mặt đê. Đối với phần đất sử dụng sai mục đích do đã đầu tư xây dựng nhà xưởng kiên cố, máy móc hiện đại, nhiều cơ sở phải thế chấp vay vốn ngân hàng với số tiền hàng tỷ đồng… nên rất mong các cơ quan chức năng, UBND tỉnh xem xét, tạo điều kiện kéo dài lộ trình thực hiện; điều chỉnh quy hoạch; trực tiếp cho doanh nghiệp thuê đất, không thông qua các chủ đầu tư như trước… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, thu hồi vốn, ổn định đời sống người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự tại địa phương. Bởi thực tế, 2 tháng nay, Công ty tạm dừng hoạt động để khắc phục sai phạm, mỗi ngày thiệt hại khoảng 60-70 triệu đồng. Không những thế do thiết bị không vận hành, bị “đắp chiếu” nên gây hư hỏng, mặt khác còn khó giữ chân người lao động có kinh nghiệm và mất dần các khách hàng truyền thống (do không thể có hàng giao theo hợp đồng ký kết), trong đó có nhiều khách hàng lớn ở nước ngoài. Do vậy rất mong được sớm vận hành trở lại, Công ty cam kết chấp hành nghiêm mọi quy định về bảo vệ môi trường, đóng thuế thuê đất theo đúng quy định.

Người dân đang tháo dỡ công trình vi phạm hành lang cây xanh trên đê sông Ngũ Huyện Khê

 


Đây cũng là niềm mong mỏi của 96 cơ sở sản xuất giấy tại phường Phong Khê và 8 cơ sở tại CCN Phú Lâm (Tiên Du) đang vi phạm về sử dụng đất sai mục đích hiện nay. Điều đáng mừng là sau hơn 3 tháng kiểm tra gắt gao, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về gây ô nhiễm môi trường của tỉnh, các cơ sở đã ý thức rõ được trách nhiệm của mình đối với công tác chấp hành Luật Bảo vệ môi  trường. Hơn 90% các cơ sở đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải và khoảng 80% đã ký hợp đồng, đấu nối để mua hơi thương phẩm. CCN Phú Lâm và làng nghề Giấy Phong Khê hiện cơ bản khắc phục được những sai phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nước thải, khí thải được giải quyết ổn thỏa, không còn hiện tượng ô nhiễm như trước; chất thải công nghiệp, chất thải rắn phát sinh được các đơn vị có đủ chức năng thu gom, xử lý đúng quy định.
 Trước những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các ngành chức năng đã tham mưu với tỉnh cho vận hành thử nghiệm gần 50 doanh nghiệp đã được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường ở 2 địa bàn trên. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để các sai phạm tại đây, tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng thành lập Đoàn kiểm tra xác minh hiện trạng sử dụng đất ở các địa phương trên, giao cho UBND thành phố Bắc Ninh và huyện Tiên Du tham mưu với tỉnh xem xét, đề xuất phương án giải quyết.
Khảo sát thực tế cho thấy, các cơ sở sử dụng đất sai mục đích đều đã xây dựng nhà xưởng kiên cố, lắp đặt dây chuyền sản xuất giấy hiện đại và tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Đối với phần đất lấn chiếm hành lang cây xanh công trình thủy lợi và hành lang đê điều thì hầu hết các cơ sở đã tự nguyện tháo dỡ, trả lại nguyên trạng ban đầu. Còn đối với diện tích đất nông nghiệp, đất nằm ngoài quy hoạch sử dụng sai mục đích thì các doanh nghiệp chưa tự tháo dỡ đòi hỏi phải có biện pháp cưỡng chế của ngành chức năng mới có thể trả lại hiện trạng như cũ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đó là các cơ sở đã đầu tư kinh phí quá lớn từ hàng chục cho đến hàng trăm tỷ đồng cho việc xây dựng nhà xưởng, thiết bị sản xuất, nếu cưỡng chế tháo dỡ, các cơ sở không có khả năng thu hồi vốn, máy móc sản xuất không thể chuyển đổi, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và an ninh trật tự địa phương. Trước thực tế đó, thành phố Bắc Ninh, huyện Tiên Du và chính quyền các địa phương trên đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép các cơ sở sản xuất giấy đang sử dụng đất sai mục đích được thuê đất để tiếp tục sản xuất theo lộ trình đến hết năm 2025. Đồng thời cam kết bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững, thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về đất đai. Như vậy, sẽ có thời gian để các cơ sở sản xuất, người dân chuyển đổi ngành nghề cũng như lên phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhất.
Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy phát triển đi lên từ làng nghề, do vậy nhận thức về pháp luật còn hạn chế, công trình xây dựng vi phạm pháp luật về đất đai chiếm hơn 60% sử dụng đất lấn chiếm hoặc sai mục đích, nhiều công trình vi phạm cũng do yếu tố lịch sử để lại. Theo quy định, các cơ sở vi phạm pháp luật về đất đai phải dừng ngay hoạt động sản xuất, đồng thời tháo dỡ toàn bộ nhà xưởng, máy móc hoàn trả hiện trạng đất đai ban đầu. Tuy nhiên đây là vấn đề lớn nên cần có lộ trình xử lý phù hợp để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất và người dân lao động có thời gian thu hồi vốn, chuyển đổi ngành nghề, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, tránh tình trạng mất an ninh trật tự tại địa phương... Mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người dân là sớm được sản xuất trở lại và cam kết bảo đảm các yêu cầu về môi trường, không để xảy ra ô nhiễm nước thải, khí thải, chất thải như thời gian trước. Đồng thời, tỉnh quy hoạch vị trí phù hợp để khi các cơ sở sản xuất di dời vẫn tiếp tục được sản xuất ổn định, tránh các hành vi vi phạm về đất đai như hiện nay.

Uyên-Lan