Chuyện về chiếc ống nội soi

03/02/2023 19:53 Số lượt xem: 1729
Em bé hơn 1 tuổi uống nhầm nước tẩy bồn cầu, một trẻ 22 tháng được phát hiện viêm loét dạ dày, trẻ lớn hóc thức ăn, lọt vào đường thở… đều được đưa đến khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh để nội soi gắp dị vật, tìm kiếm tổn thương sau sự cố… Câu chuyện xoay quanh chiếc ống nội soi được bác sĩ CKII Trần Thị Yến, Trưởng khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh bắt đầu như thế…

Ống nội soi dùng cho bệnh nhi có đường kính chỉ 5mm, giúp thăm dò chức năng thuận lợi, không gây đau hoặc ít đau cho trẻ.

 

“Dị vật đường thở là tai nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi, thường do vật lạ rơi vào đường thở gây hẹp hoặc tắc hoàn toàn. Đây là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến các hậu quả nặng nề như tổn thương não không hồi phục, thậm chí tử vong” - Bác sĩ Trần Thị Yến nhấn mạnh. Dị vật cũng có thể lọt vào đường tiêu hoá với các trường hợp đã gặp khi trẻ nuốt phải đồng xu, pin, nhẫn hay cặp tóc… Nếu như các ca nội soi can thiệp để lấy dị vật ở đường thở cần thực hiện khẩn cấp, phần lớn phải chạy đua với thời gian, thì những ca lấy dị vật đường tiêu hoá thường có thể trì hoãn.
Nội soi lấy dị vật được triển khai tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh 2 năm nay khi đơn vị được trang bị dụng cụ, trang thiết bị để thực hiện kỹ thuật nội soi can thiệp. Để phù hợp với thể trạng trẻ em, dây nội soi có đường kính nhỏ, mềm, và các bác sĩ dùng hai loại máy nội soi riêng biệt để lấy dị vật đường hô hấp và đường tiêu hoá.
 Theo bác sĩ Yến, khi dị vật lọt vào đường thở, việc xác định vị trí và kích thước của dị vật là hết sức quan trọng, bởi nếu dị vật lọt vào vị trí “hiểm”, gây bít đường thở sẽ dẫn đến bệnh nhân bị xẹp phổi. Thông thường, phần lớn trường hợp phải lấy dị vật gặp ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, tuy nhiên, mới đây, một trường hợp học sinh THCS khi nghịch bút bi đã bị bật nắp vào trong phế quản cho thấy nếu bất cẩn, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tất cả các trường hợp nội soi can thiệp lấy dị vật ở trẻ em đều phải thực hiện gây mê, do trẻ giãy khóc, không chịu nằm yên. “Như trường hợp cháu bé học THCS bị nắp bút bi lọt vào phế quản, khi vào viện bố kể sự việc xảy ra trong giờ học và đã tím tái ngay trên lớp, sau khi được cô giáo và các bạn vỗ rung thì hồng hào trở lại, kết quả chụp X.quang cho thấy dị vật rơi vào một bên nhánh của phế quản, ngay lập tức ca bệnh được hội chẩn và tiến hành gắp trên máy nội soi” - Trưởng khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Sản - Nhi chia sẻ.
 Lại có trường hợp một bé gái hơn 6 tuổi vừa ăn xoài, vừa xem tivi, không may bị sặc, miếng xoài rơi vào khí phế quản - “Như trường hợp này, hai miếng xoài dài được gắp ra, may mắn là miếng xoài cứng, nên việc gắp không quá khó khăn, nếu miếng xoài mềm, trơn thì việc lấy ra rất gian nan, hay như trường hợp bị hóc hạt lạc cũng vật, rất khó gắp do dị vật dạng tròn, trơn”, bác sĩ Yến nói.
Dù có thể trì hoãn, song việc lấy dị vật trong đường tiêu hoá cũng cần được thực hiện kịp thời để tránh, giảm những hậu quả xấu cho đường tiêu hoá. Theo các bác sĩ, không hiếm trường hợp trẻ nhỏ mải chơi, nuốt nhẫn, cặp tóc, thậm chí là những viên nam châm nhỏ gây dính ruột phải phẫu thuật… vì vậy, các bác sĩ đặc biệt khuyến cáo các bậc cha mẹ giám sát, hướng dẫn trẻ khi chơi, không để trẻ chơi những đồ chơi nguy hiểm khi nuốt phải.
Tại khoa Thăm dò chức năng, các máy nội soi ngoài nhiệm vụ lấy dị vật đường thở, đường tiêu hoá còn thường xuyên thực hiện các kỹ thuật nội soi để tìm bệnh. Được trang bị để khám, chữa bệnh cho đối tượng bệnh nhi, ống nội soi là ống mềm, có đường kính nhỏ, chỉ 5mm, có thể luồn qua đường mũi hoặc miệng cho trẻ nhỏ từ trên 6 tháng tuổi.
Với nội soi thông thường, tại đây, mỗi ngày thực hiện khoảng 5-7 ca,  ngày cao nhất hơn chục ca, bao gồm nội soi chẩn đoán và nội soi can thiệp. Người bệnh và người nhà có thể lựa chọn nội soi thường (không gây mê) hoặc nội soi không đau (nội soi gây mê). Nội soi chẩn đoán được thực hiện để chẩn đoán các bệnh lý như viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, chẩn đoán nguyên nhân rối loạn đại tiện như viêm, polyp, lao hoặc các khối u, tổn thương ác tính…
Trong khi đó, nội soi can thiệp, ngoài gắp dị vật ống tiêu hóa qua nội soi, còn cắt polyp ống tiêu hóa qua nội soi, tiêm, kẹp clip cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa, sinh thiết tổn thương để làm giải phẫu bệnh để chẩn đoán chính xác bệnh lý hoặc làm test đánh giá tình trạng nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori... Nội soi phế quản ở trẻ em được chỉ định để chẩn đoán các bất thường ở đường thở của trẻ, lấy dịch rửa phế quản để làm xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên viêm phổi, từ đó giúp việc điều trị hiệu quả, lấy mảnh sinh thiết ở những tổn thương có nghi ngờ ác tính, bơm rửa phế quản ở những bệnh nhân xẹp phổi do nút đờm…
Đáng nói, khoa tiếp nhận không ít trường hợp trẻ nhỏ bị loét dạ dày, nhưng không đau liên tục, trong khi phụ huynh cho rằng trẻ đau giả vờ, hoặc tâm lý “Trẻ con uống rượu bia đâu mà viêm dạ dày…”, do đó chỉ đưa con đến khám khi con đi vệ sinh phân đen, da xanh, khi đó, trẻ đã bị xuất huyết do ổ loét, vết loét sâu, rộng, bị biến dạng hành tá tráng, có trường hợp phải điều trị 2 tháng liên tục, bé nhỏ nhất được ghi nhận viêm dạ dày cấp là trẻ 22 tháng tuổi…
Đến nội soi tại khoa Thăm dò chức năng còn có một số sự cố sức khoẻ ở trẻ do sự bất cẩn của người lớn như: Trẻ hơn 1 tuổi uống nhầm nước tẩy bồn cầu dẫn đến bị bỏng từ thực quản đến phình vị dạ dày. Tất cả tổn thương này đều được thấy rõ qua hình ảnh camera trong ống nội soi. Hay cũng có trường hợp một trẻ 3 tuổi qua camera mini có các vết sẹo, niêm mạc thực quản  và dạ dày bị co kéo sau khi bỏng nặng do uống nhầm hoá chất...
 Với sự phát triển của khoa học y học, nhiều trang thiết bị y tế hiện đại được trang bị để hỗ trợ con người trong hoạt động khám, chữa bệnh và máy nội soi là một trong số đó. Ở mỗi bệnh nhi, máy nội soi ghi lại hình ảnh về một câu chuyện khác nhau và đôi khi gửi gắm bài học về sự cẩn trọng trong sinh hoạt hằng ngày.

Việt Hoa