Chặng đường “đãi cát tìm vàng” của người thầy “chân đất”

06/01/2021 19:08 Số lượt xem: 3068
Đằng sau vinh quang từ những tấm huy chương thế giới của Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Thị Thu Trang hay Đỗ Tú Tùng… có bóng dáng, công sức, tâm huyết của người thầy “chân đất”- Nguyễn Quang Huy (thôn Guột, xã Việt Hùng, huyện Quế Võ). Người mà mấy chục năm nay luôn lăn lộn, trầm mình khắp làng trên, xóm dưới chỉ với mục đích “đãi cát tìm vàng” cho thể thao nước nhà.

 

Tất cả những VĐV được ông Nguyễn Quang Huy phát hiện, đào tạo ban đầu đều được ghi cụ thể vào sổ.

 

Người thầy của gần trăm kiện tướng
Nhắc tới ông Huy “Vật” thì không chỉ người trong làng, ngoài xã mà giới thể thao trong tỉnh ai cũng tường mặt. Người ta biết tới ông không phải thành tích này, thành tích nọ trong thi đấu đỉnh cao mà biết tới ông bởi cái tâm, cái tầm với thể thao, đặc biệt là sở hữu “thiên nhãn” hơn người trong tìm kiếm và đào tạo tài năng thể thao cho nước nhà. Nói vậy bởi ông là người tìm kiếm, phát hiện và cũng là người thầy đầu tiên của gần trăm kiện tướng trên mảnh đất Quế Võ. Có thể kể đến những tên tuổi thể thao nổi tiếng hàng đầu cả nước, như Hoàng Anh Tuấn, Đỗ Tú Tùng (Cử tạ); Nguyễn Văn Luận, Nguyễn Hữu Cao, Nguyễn Đức Đô (Vật); Phan Khắc Hoàng, Nguyễn Văn Hài, Nguyễn Thị Thu Trang (Điền kinh); Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Đức Dương, Nguyễn Văn Tuấn (Đấu kiếm)…
Còn nhớ, hôm gặp ông làm trọng tài môn vật tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII, tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức (Hà Nội) trên đường về ông Nguyễn An Phú, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh có tự hào chia sẻ: “Ông Nguyễn Quang Huy là trọng tài duy nhất của tỉnh được triệu tập làm chuyên môn tại kỳ Đại hội này. Dù chưa một lần giành HCV ở châu lục hay thế giới, song ông Huy lại là người giàu thành tích bậc nhất, bởi ông là thầy của nhiều nhà vô địch thế giới. Tìm kiếm, đào tạo tài năng trẻ cho thể thao thì ở Bắc Ninh cũng có nhiều người, song “mát tay” nhất vẫn phải là ông Huy Quế Võ”.

 

Trọng tài Nguyễn Quang Huy điều khiển nội dung vật tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII.


Trong căn nhà khang trang mới xây tại thôn Guột (Việt Hùng, Quế Võ), ông Nguyễn Quang Huy tự hào khoe với tôi “gia tài lớn nhất đời mình”. Đấy không phải những vật dụng, thiết bị tiện nghi trong căn nhà mà là những tấm ảnh, đồ kỷ niệm hay những cuốn sổ ghi đầy đủ tên tuổi, quê quán, thành tích của từng học trò. “Với tôi mỗi bức hình là một câu chuyện. Nó như vết cắt thời gian để mỗi lần xem là một lần nhớ về những kỷ niệm  không thể quên”- ông Huy vừa nói vừa tỉ mẩn lật dở từng tấm ảnh rồi ngắm nghía kỹ càng.
Ông say sưa nói về quá trình lặn lội, tìm tòi và cơ duyên phát hiện ra VĐV này ra sao, dạy dỗ, định hướng cho VĐV kia thế nào, đến những thành tích đạt được của từng VĐV đều được liệt kê ghi chép cẩn thận…từ tên, tuổi, quê quán, thành tích, số lần được phong kiện tướng của từng VĐV; số VĐV của thôn, xã; số câu lạc bộ, lớp năng khiếu đã mở trong huyện…Theo thống kê của ông (tính đến năm 2010) thì riêng ở môn vật, Quế Võ có 91 người giành huy chương từ cấp Quốc gia, Quốc tế, với tổng số 297 huy chương. Trong đó có 66 người được phong kiện tướng và VĐV cấp I (tổng số lần được phong là 170 lần). Cá nhân ông tính đến nay cũng phát hiện và đào tạo ban đầu cho 130 VĐV, giành được 211 huy chương (37 HCV, 79HCB, 95HCĐ) cấp Quốc gia, Quốc tế. Nhiều người trong số đó trở thành những VĐV nòng cốt của đội tuyển vật Quốc gia, tỉnh. Có thể kể đến như đô Nguyễn Văn Luận (13 lần được phong kiện tướng và cấp I), Nguyễn Văn Tuấn (13 lần), Nguyễn Văn Lý (5 lần), Nguyễn Thị Nga (5 lần), Nguyễn Quý Đức (4 lần)…
Danh sách VĐV mà ông phát hiện, đào tạo ban đầu nếu tính tất cả các môn từ vật, cử tạ, đấu kiếm, điền kinh, bơi lội… thì có đến hàng trăm. Trong đó có gần 300 VĐV có huy chương từ Quốc gia đến Quốc tế. Nó dài như chính câu chuyện đời, chuyện nghề ông vẫn kể tôi nghe mỗi khi có dịp.


“Bảy nổi ba chìm với thể thao”

Theo ông Huy thì hành trình “đãi cát tìm vàng” tuy thầm lặng nhưng cao cả, bởi ông luôn tâm niệm: “Dẫu có phải chồn chân, mỏi gối cũng không nề hà, chỉ mong tìm và khơi cho được những mạch nguồn tươi trẻ để dâng cho đời những đoá hoa thơm”.
Nghỉ hưu từ 3 năm trước, nhưng đến nay người ta vẫn thấy bóng dáng ông xông xáo, gọi hỏi, sờ tay nắn chân từng đứa trẻ, cũng có lúc trầm ngâm lặng lẽ một mình để nghiền ngẫm, chiêm nghiệm về tố chất của một đứa bé vô tình gặp trên đường. Chia sẻ về cái “thú” tìm người, ông Huy hóm hỉnh: “Tôi sinh năm 1957, năm con gà nên có máu đào bới, kiếm tìm. Nói vậy thôi, chứ quê mình nhiều nhân tài thể thao lắm, không tìm và đào tạo là có tội với nghề với tiền nhân”. Bao năm lăn lộn tìm kiếm tài năng thể thao nên kinh nghiệm nhìn người của ông cũng trở nên sắc sảo, phong phú: “Dụng nhân như dụng mộc- chỉ cần nhìn vào hình dáng, bộ pháp cũng như phản xạ của các cháu lúc chơi đùa là tôi có thể biết được 99% đứa bé đó có tố chất không, hay phù hợp với môn thể thao nào”- ông Huy khẳng định.
Sinh ra và lớn lên ở thôn Guột, cái nôi vật nức tiếng xứ Kinh Bắc-Bắc Ninh nên ông sớm được nuôi dưỡng, hun đúc tinh thần thượng võ từ truyền thống gia đình, quê hương. “Gia đình tôi có 7 anh em trai thì cả 7 đều biết vật, tập vật và thi đấu chuyên nghiệp ở môn vật. Trước đó thì cả ông và bố tôi cũng là những đô có tiếng trong vùng. Tuy có người thành danh, người không, song truyền thống ấy luôn là niềm tự hào, thôi thúc bản thân và con cháu tôi giữ nghiệp”.
Nổi tiếng trong số những người anh, em của ông về môn vật có thể kể đến như đô Nguyễn Quang Hiệu (HCV vật thiếu niên năm 1976), Nguyễn Quang Ba (HCV thiếu niên 1978); hay những đô Nguyễn Quang Sao, Nguyễn Quang Soi, Nguyễn Quang Chính đều là thành viên của đội tuyển vật Quốc gia hay đội tuyển tỉnh. Bản thân ông Huy cũng từng giành được không ít huy chương trong nước, như tấm HCB giải vật toàn quốc (hạng 48kg) năm 1978. Nhờ thành tích này mà năm 1979, ông được gọi lên đội tuyển vật Quốc gia để tham dự Olympic tại Nga.
Trước khi giải nghệ về công tác tại Ban Y thể (nay là Trung tâm Văn hoá, Thể thao) của huyện năm 1983, ông từng học lớp HLV và trọng tài tại Hà Nội do chuyên gia Liên Xô đào tạo và trở thành HLV toàn quốc khi mới 24 tuổi. Với mong muốn gây dựng và phát triển phong trào vật rộng khắp toàn huyện, vậy là bằng quyết tâm và kiến thức từ thực tiễn, ngay trong năm đầu về công tác ông mạnh dạn tham mưu, kiến nghị lãnh đạo cho thành lập Câu lạc bộ vật thôn Guột để làm nơi sinh hoạt, trau dồi kỹ nghệ chuyên môn cho những người mê vật. Đặc biệt là nơi gìn giữ và lan toả cái hay, cái đẹp của vật dân tộc đến với thế hệ trẻ trong thôn, ngoài xã. Sau đó, ông tiếp tục mở thêm các sới ở Long Khê (Ngọc Xá), Mộ Đạo (Mộ Đạo), Can Vũ (Việt Hùng), thôn Nghiêm (Phượng Mao), Giang Liễu (Phương Liễu), Thái Bảo (Nam Sơn)… rồi trực tiếp làm HLV cho lớp năng khiếu vật của tỉnh.
Không chỉ tâm huyết và thành công với bộ môn vật, ông Huy còn được biết đến với biệt tài sáng tác, dàn dựng những vở kịch, ca khúc tuyên truyền cho huyện. Những vở kịch do ông biên soạn khi dàn dựng tham dự các cuộc thi, liên hoan của tỉnh, của khu vực phía Bắc đều giành được huy chương. Ví như HCV tại Hội thi hát dân ca Quan họ đầu Xuân, Hội diễn chèo toàn tỉnh, Hội thi tuyên truyền lưu động của tỉnh… Đặc biệt là việc khởi xướng và duy trì lớp học dân ca Quan họ và hát chèo từ năm 2005 đến nay tại các địa phương (mỗi năm mở được từ 2 đến 6 lớp).
Ông Nguyễn Việt Hùng, cán bộ Trung tâm VHTT huyện Quế Võ nhận xét: “Anh Huy là người của công việc, miệng nói, tay làm. Hơn 20 năm gắn bó với anh, tôi luôn trân quý tâm huyết, công sức anh dành cho sự nghiệp văn hoá thể thao của huyện”.

 

Đau đáu với nghề
Trên xe về Quế Võ “xem giò” mấy VĐV năng khiếu do ông Huy giới thiệu, HLV Hồ Trường Thắng (đội tuyển Cử tạ tỉnh) tâm sự: Dù nhân tài thể thao có nhiều thì cũng cần phải có người “mắt sáng” trong nghề đưa đường, chỉ lối, nếu không cũng rơi vào quên lãng. Mỗi lần được thầy Huy gọi về là tôi phấn khởi, yên tâm lắm. Bởi việc khó nhất là tìm kiếm, phát hiện thì thầy đã làm, tôi chỉ về xem mặt, nhặt quân thôi.
Dẫn 5 em ra gặp HLV Hồ Trường Thắng, ông Huy cầm tay, nắn chân từng cháu rồi tự tin khẳng định: “Nếu đội tuyển có chế độ chăm bẵm, đào tạo tốt thì những đứa trẻ này sẽ là “Anh Tuấn, Tú Tùng” của tương lai đấy”. Nói xong, ông để lại đám trẻ cho HLV Thắng trực tiếp kiểm tra, rồi kéo tôi ra chia sẻ, giãi bày về khó khăn, trăn trở trong gây dựng phát triển phong trào TDTT, đặc biệt là thể thao thành tích cao.
Theo ông Huy thì hiện nay tài năng trẻ thể thao của Bắc Ninh nói chung, Quế Võ nói riêng còn rất nhiều. Chúng ta mới chỉ tìm kiếm, đào tạo được số ít, còn phần lớn vẫn ẩn dưới “tảng băng chìm”.
“Những trăn trở, đóng góp cho thể thao tỉnh của ông Nguyễn Quang Huy là rất quý. Chúng tôi ghi nhận và trân trọng, đặc biệt là tâm huyết của ông Huy cho sự nghiệp TDTT của tỉnh thời gian qua. Đối với cơ chế chính sách đãi ngộ thì hiện tại tỉnh cũng hết sức quan tâm, cụ thể như cuối năm 2019, HĐND tỉnh ban hành Quyết định số 232. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành áp dụng phù hợp với thực tế trong công tác đào tạo, tập luyện và thi đấu. Còn việc mở tuyến năng khiếu tại các huyện thì do thiếu kinh phí nên chúng tôi chưa thể mở lại, cũng chưa thể hỗ trợ cho những người tìm kiếm, đào tạo VĐV ban đầu. Đây là điều trăn trở bấy lâu và ngành cũng đang tìm cách tháo gỡ”- ông Nguyễn Đương Bắc, Phó Giám đốc sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch giải thích.
Người xưa có câu “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” hay “Không thầy đố mày làm nên” để nói về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Nên dù muộn còn hơn không, đã đến lúc ngành TDTT dành sự quan tâm cũng như kinh phí hỗ trợ, tri ân những người dày công, nhiệt huyết đóng góp tâm sức cho sự nghiệp TDTT. Có thế, sự nghiệp TDTT của tỉnh mới phát triển sâu rộng, bền vững để từng bước vươn mình, hội nhập tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và truyền thống thượng võ của quê hương.
 

Ghi chép của Đức Quý