Điều chỉnh phụ tải điện- giải pháp tối ưu trong việc bảo đảm an ninh năng lượng

13/08/2019 08:54 Số lượt xem: 4792
Trong bối cảnh điện năng tiêu thụ của các phụ tải đã tiệm cận khả năng huy động của tất cả các nguồn điện cũng như giới hạn truyền tải của hệ thống lưới điện, nguy cơ xảy ra sự cố trong nhà máy điện và trên lưới điện hoàn toàn có thể xảy ra.

 Vấn đề sử dụng điện tiết kiệm và hợp lý ngày càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Trong rất nhiều các giải pháp để tiết kiệm thì việc thực hiện điều chỉnh phụ tải điện (DR) là một trong những giải pháp tối ưu hiện nay giúp ngành Điện và đất nước trong việc bảo đảm an ninh năng lượng. Nhất là trong điều kiện giá điện được điều chỉnh tăng thêm 8,36% thì việc tiết kiệm điện sẽ càng đóng vai trò quan trọng hơn giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí và tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như giúp tiết kiệm chi phí cho gia đình sử dụng điện.

 

Giới thiệu sản phẩm bóng đèn tiết kiệm điện tại Hội thảo “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp”.

 

Tình hình cung cấp điện


Tính đến cuối năm 2018, công suất lắp đặt của toàn hệ thống cả nước đạt hơn 49.000 MW; sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 220 tỷ kWh, tốc độ tăng trưởng điện là 11,15% so với năm 2017.  Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cấp điện đến 100% số xã, 99,37% số hộ dân nông thôn. Dự báo những năm tới, tốc độ tăng trưởng điện của Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức cao, đạt hơn 10%/năm. 
Tại Bắc Ninh, 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng điện thương phẩm đạt gần 3,2 tỷ kWh, tăng 6,09% so cùng kỳ. Trong đó, điện dùng trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất 81,76 %, tăng trưởng 5,42% so cùng kỳ; Điện cho quản lý tiêu dùng chiếm tỷ trọng 14,13% và tăng trưởng 7,82% so cùng kỳ; Các lĩnh vực khác như nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ dù chiếm tỷ trọng ít nhưng cũng tăng trưởng trên 17%. Năm 2018, công suất đỉnh (Pmax) của Bắc Ninh đạt ngưỡng 1.108 MW (ngày 4-7-2018) tuy nhiên, Pmax 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt 1.131 MW, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2018.

 

Doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình DR. 


Theo báo cáo của EVN, hiện nay hệ thống điện của Việt Nam không còn nguồn dự phòng, trong lúc tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm vẫn ở mức rất cao, khoảng 10%/năm. Vào những giờ cao điểm, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, nếu không thực hiện Chương trình DR  thì hệ thống điện có thể sẽ rơi vào tình trạng quá tải, không thể cung cấp điện tới một bộ phận lớn khách hàng. Đồng thời phải đầu tư rất nhiều vào nguồn và lưới điện để có thể đáp ứng mức công suất cực đại của hệ thống điện, song vốn cần đầu tư lại quá lớn, khiến cho giá thành sản xuất điện tăng cao, tạo áp lực lên giá bán điện, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng điện.


DR-cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp


Trước áp lực như vậy, các doanh nghiệp (lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu thụ điện năng) và khách hàng sử dụng điện cần chung tay tháo gỡ thông qua việc thực hiện Chương trình DR. Mục tiêu của chương trình này là khuyến khích khách hàng giảm sử dụng điện vào các giờ cao điểm, hoặc dịch chuyển việc sử dụng điện từ các giờ cao điểm sang các giờ thấp điểm như vào ban đêm, hoặc những ngày nghỉ cuối tuần. Nói một cách đơn giản, là thực hiện việc “cắt” một phần công suất vào các giờ cao điểm để “lấp” vào các giờ thấp điểm, làm cho biểu đồ phụ tải ngày, đêm của hệ thống điện được “san bằng”. Giải pháp này không đòi hỏi phải giảm tổng điện năng tiêu thụ trong một ngày, đêm, nhưng có tác dụng rất lớn là tiết giảm được vốn đầu tư vào nguồn và lưới điện cần thiết để bảo đảm đáp ứng nhu cầu phụ tải vào các giờ cao điểm, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải hoặc cần nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện. 
Giải pháp thực hiện là: Cải tiến hiệu suất năng lượng của các doanh nghiệp sản xuất, các tòa nhà, các thiết bị điện và quá trình sử dụng; Phát triển phụ tải theo chiến lược nhằm cải thiện hệ số phụ tải của hệ thống điện; Quản lý nhu cầu nhằm phân phối lại quá trình tiêu thụ điện năng trong một ngày đêm… 

 

Công ty Điện lực Bắc Ninh tuyên truyền các biện pháp tiết kiệm điện tới khách hàng.


Theo Quyết định số 175/QĐ- BCT ngày 28-1-2019, thông qua Chương trình DR, phấn đấu giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia ít nhất 90 MW vào năm 2020, 300 MW vào năm 2025. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và EVN, Bắc Ninh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật, công nghệ, kinh tế - xã hội để thực hiện tiết kiệm điện và quản lý nhu cầu điện, đề cao vai trò của khách hàng sử dụng điện trong việc chủ động tham gia góp phần bảo đảm ổn định cung ứng điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện; giúp giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện. Tuyên truyền, vận động khách hàng, chuẩn bị hạ tầng công nghệ tham gia Chương trình DR. Công ty Điện lực Bắc Ninh đã lựa chọn và mời 586/1880 khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm đến hơn 3 triệu kWh/năm tham gia chương trình. Trong đó, số khách hàng dưới 3 triệu kWh là 380 với tiềm năng điều tiết dự kiến giảm khoảng 967 MW; 206 khách hàng hơn 3 triệu kWh/năm với tổng tiềm năng điều tiết phụ tải khoảng 6.953 MW. Tiến hành ký kết thoả thuận với khách hàng sử dụng điện cam kết tham gia chương trình. Đặc biệt, UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp”. Các ý kiến đóng góp tại hội thảo, nhất là các ý kiến từ doanh nghiệp Bắc Ninh góp phần quan trọng, làm cơ sở để Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới.
Để thực hiện các mục tiêu điều chỉnh phụ tải điện chỉ nỗ lực từ ngành Điện sẽ là không đủ, Công ty Điện lực Bắc Ninh mong muốn khách hàng sử dụng điện, nhất là các doanh nghiệp cần nhận thức rõ các lợi ích mà DR mang lại, cũng như ý thức được trách nhiệm với cộng đồng xã hội khi sử dụng năng lượng, chung tay triển khai Chương trình DR để vận hành hệ thống điện một cách kinh tế, hiệu quả, an toàn nhất, cho tất cả mọi người đều có đủ điện sử dụng. 

Thái Uyên