Đào nương già kể chuyện ca trù

21/05/2020 20:20 Số lượt xem: 1572
93 tuổi, lưng còng, chân chậm, tay run, hơi đã chùng, sức khỏe giảm sút nhưng đào nương Mẫn Thị Chung, người cao tuổi nhất của CLB Ca Trù Thượng Thôn (Đông Tiến, Yên Phong) vẫn thuộc nhiều thể cách, vẫn mường tượng chi tiết về không gian nghệ thuật trầm mặc, nghiêm cẩn của những ca quán một thời vàng son rực rỡ thuở xa xưa...

Đào nương Mẫn Thị Chung trong một buổi sinh hoạt CLB Ca trù Thượng Thôn (Đông Tiến, Yên Phong) cách đây 10 năm.

 

Dù đã 93 tuổi nghệ nhân Mẫn Thị Chung vẫn vương cái dáng dấp sang trọng của một ca nương “con nhà nghề” với phong thái khoan thai lịch thiệp, thong thả, nhẹ nhàng ngay cả khi cụ không ngồi trên chiếu hát thuở xưa. Nhớ lại năm tháng tuổi thơ sống với gia đình cô ruột làm nghề hát ca trù, ngày ngày cô bé Chung, 10 tuổi ẵm em trên tay đứng ngoài cửa nghe các đào nương đàn chị ca hát, thỉnh thoảng lại mang trà nước vào phục vụ quan khách thưởng ca trù... Trên chiếu hoa sập gụ, đào nương ngồi xếp bằng, khẩu hình mở nhỏ khi nụ, khi hoa, từng lời thơ, câu hát bật hơi khe khẽ quện trong tiếng sênh phách lách tách lúc hối hả, lúc thong dong hòa lẫn vào âm thanh mỏng tang mềm mại như tơ lụa của tiếng đàn đáy cùng tiếng đệm “tom, chát” lúc bịt, lúc buông của trống chầu, như đưa người nghe phiêu du lạc đến miền xa xăm xưa cũ bất tận. Thế giới nghệ thuật âm nhạc sống động, thăng hoa vừa gần gũi vừa xa thẳm ấy vẫn được lưu giữ trong tiềm thức của người nghệ nhân già chẳng thể nào phôi phai.
Đào nương già Mẫn Thị Chung rưng rưng hồi tưởng: Xưa, bố mẹ tôi nghèo phải bán tôi đi ở cho nhà người. Xót thương cháu, cô ruột tôi mấy lần mang tiền đến xin chuộc về. Lần cuối cùng, tôi sang ở hẳn bên nhà cô chú để bế em. Khi có quan khách đến nghe hát thì phục vụ trà nước. Lúc rảnh, cô chú dạy tôi hát ca trù. Hồi đó, làm việc nhà tôi không sợ nhưng lại rất sợ học hát ca trù vì khó lắm, miệng hát, tay đánh phách, tai nghe đàn nên muốn hát được một bài ca trù phải khổ công luyện giọng, luyện phách của nhiều thể cách từ dễ đến khó. Mỗi lần học đến những câu phải “đổ hột” dài, tôi thường mượn cớ xin ra ngoài uống nước hoặc đi vệ sinh để trốn học nên từng bị cô tôi đánh vì lười.
“Thuở còn chưa biết cái chi chi”, nghệ nhân Mẫn Thị Chung chỉ học được mấy thể cách dễ như hát nói, hát mưỡu, còn chưa được ngồi chiếu biểu diễn, câu hát vẫn “ngậm hơi” dang dở, chưa “nhả chữ, buông câu” thì xảy ra chiến tranh, loạn lạc... Khi ấy, nghề hát ca trù ở Thượng Thôn cũng đang phát triển nhộn nhịp thì giặc Pháp kéo đến càn quét xóm làng, người dân phải xa quê hương theo cách mạng đến vùng tản cư, tập trung sản xuất dồn sức phục vụ kháng chiến. Ngày trở về, ngôi làng thân yêu đã trở thành bãi chiến trường, nhà thờ Tổ bị san phẳng, chẳng tìm nổi dấu vết gì về nghề hát nữa. Thời vàng son vang bóng của Ca trù Thượng Thôn từ đó chỉ còn lại trong tiềm thức và nỗi nhớ day dứt của các nghệ nhân... Mãi 60 năm sau, khi UNESCO vinh danh Ca trù là kiệt tác phi vật thể của nhân loại, năm 2009, CLB Ca trù Thượng Thôn được thành lập với ước nguyện khôi phục nghề hát của ông cha. Khi ấy ca nương Mẫn Thị Chung đã bước vào tuổi Thượng thọ ngoài 80 mới chính thức được ngồi trên chiếu biểu diễn và truyền dạy ca trù.
Sau mấy chục năm bỏ bẵng mà những ý thơ, thể cách ca trù vẫn còn ngấm trong máu người đào nương già. Hơn 10 năm qua, biết đến đâu cụ Chung truyền dạy đến đó. Cũng có lăm bảy người em người cháu theo học nhưng chỉ có bà Đào Thị Xuyến là người tiếp thu nhanh và thuộc được nhiều thể cách. Bà Xuyến giờ đang là Phó Chủ nhiệm CLB Ca trù Thượng Thôn, cũng là đứa em gái, con ruột của người cô mà năm xưa nghệ nhân Mẫn Thị Chung đã trông nom, bế ẵm.
Là một trong hai người được tỉnh phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ca trù, đào nương già Mẫn Thị Chung xúc động: Học ca trù khó lắm. Kén người học, kén cả người nghe. Tôi chỉ có chút vốn liếng khiêm tốn, nhớ đến đâu truyền lại đến đó chứ đâu ngờ lại được tỉnh ưu ái phong tặng nghệ nhân! Tôi biết ơn cô chú ngày xưa đã bắt học ca trù và cảm ơn các cấp lãnh đạo luôn quan tâm động viên. Giờ đây, thấy lời ca tiếng đàn được gìn giữ, vốn văn hóa quý báu của cha ông được bảo tồn, tôi mừng lắm, chỉ mong sao cho nhịp phách ca trù sẽ được con cháu nối nhịp mãi mãi... Thế là thỏa nguyện rồi!

Thanh Lâm