Đặc sắc tranh tre, nứa hun khói Xuân Lai

03/09/2013 15:57 Số lượt xem: 222
Thôn Xuân Lai (xã Xuân Lai, Gia Bình) bao đời nay vẫn lưu giữ và phát triển nghề truyền thống dùng cây tre, cây trúc, cây nứa để làm ra các sản phẩm hữu ích. Khoảng hơn chục năm trước, những người trong thôn đã tìm tòi, sáng tạo ra những bức tranh dùng chất liệu tre, nứa hun khói, tạo ra những sản phẩm nghệ thuật độc đáo.

Làm tranh tre tại cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ Nguyễn Kỷ (Xuân Lai).

 
 
 
Những người khởi đầu cho các sản phẩm tranh tre nứa hun khói ở Xuân Lai là anh Lê Văn Điệp, Nguyễn Văn Kỷ…  Anh Nguyễn Văn Kỷ, người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề Việt Nam kể rằng, khoảng những năm 1999, nhiều người đến mua dát giường Xuân Lai rồi nhờ khắc, cạo chữ, tạo thêm hình ảnh. Thấy có thể cách tân sản phẩm truyền thống, anh Kỷ và một số người trong thôn đã mày mò, mở rộng hình thức trang trí đáp ứng nhu cầu xã hội. Và ý tưởng làm tranh trên chất liệu tre, nứa hun khói có từ khi đó.

Nguyên liệu chính cho tranh ở Xuân Lai chủ yếu là cây tre và cây nứa. Cách thức sản xuất khá độc đáo. Để có được những bức tranh đẹp rất kỳ công. Người thợ phải tìm mua những cây tre, nứa từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Khi mang về, ngâm kỹ dưới nước để bảo đảm độ bền, không bị mối mọt và tăng dẻo dai. Ngâm đủ ngày, tháng mới vớt lên nắn thẳng, bào, đẽo hết mấu đốt và xếp ngay ngắn vào lò rồi dùng rơm, phế thải để hun. Lò hun được chát kín, khi hun tre, nứa chỉ có khói chứ không có lửa để tạo các mầu nâu sẫm hoặc đen bóng.

Tre, nứa sau khi hun được tán thành từng thanh nhỏ ghép lại bằng dây mây. Tùy từng chủ đề mà người thợ có thể sao chép tranh hoặc vẽ tranh sáng tạo theo ý tưởng sau đó mới dùng dao sắc nhọn để cạo, tẩy vỏ tre, nứa. Tranh trên tre, nứa hun khói ở Xuân Lai chỉ có hai mầu nâu và vàng nhạt tự nhiên nên gần gũi, thân quen với người dân Việt Nam.
 
Làm tranh tre tại cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ Nguyễn Kỷ (Xuân Lai).
 
 

Tranh tre, nứa hun khói Xuân Lai rất phong phú về kích cỡ, nội dung. Tùy theo sở thích của người sử dụng mà có thể tạo kích cỡ to, nhỏ, dài, ngắn. Về nội dung thì có hai chủ đề chính là tranh phong cảnh và tranh dân gian. Nhiều tranh dân gian được lấy mẫu từ dòng tranh Đông Hồ rồi chuyển thể sang chất liệu tranh tre hun khói như Hứng dừa, Đánh ghen, Đám cưới chuột, Đấu vật hoặc được làm theo các chủ đề như tứ quý… Các tranh phong cảnh thường tái hiện hoạt động sinh hoạt thường nhật của miền quê.

Từ năm 2000 đến 2008 là thời kỳ phát triển nhất của dòng tranh tre, nứa hun khói. Làng có nhiều xưởng sản xuất. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước như Đức, Nga, Nhật… Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do nhiều yếu tố bên ngoài tác động cùng với thị hiếu của xã hội không còn mặn mà với các sản phẩm của làng nghề tre trúc Xuân Lai nói chung và tranh tre, nứa hun khói nói riêng nên làng nghề gặp nhiều khó khăn. Đã có người phải chuyển sang nghề mới. Cả làng hiện chỉ còn 2 gia đình làm tranh tre, nứa hun khói với vài công nhân nhưng cũng chỉ làm theo đơn đặt hàng hoặc sản xuất cầm chừng.

Dù mới phát triển so với lịch sử làng nghề nhưng tranh tre, nứa hun khói đã khẳng định được sự tìm tòi, sáng tạo của người Xuân Lai trong quá trình lưu giữ nghề truyền thống. Nghề làm tranh tre, nứa hun khói hiện đang gặp những khó khăn nhất định rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành để giữ gìn, phát triển dòng tranh mang đậm chất Việt này.

Nguồn: Lê Đại