Xây dựng nông thôn mới hài hòa với phát triển công nghiệp, đô thị

09/10/2019 08:49 View count: 1968
Là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, tốc độ đô thị hóa nhanh, Bắc Ninh đã trở thành cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Song hành với đẩy mạnh phát triển công nghiệp hiện đại, tỉnh hết sức coi trọng đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về “Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới”, gắn xây dựng nông thôn mới hài hòa với phát triển công nghiệp, đô thị, theo đúng tinh thần Nghị quyết 26 về Tam nông là “Tam nông là chiến lược, xây dựng nông thôn mới (NTM) là căn bản, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt, người nông dân là chủ thể”.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, các cấp ủy, chính quyền đã chủ động ban hành Nghị quyết, xây dựng kế hoạch, quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình MTQG do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Hệ thống cơ chế, chính sách cho xây dựng NTM được tỉnh ban hành đã kịp thời cụ thể hóa các quy định của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chất lượng, hiệu quả, chú trọng giá trị gia tăng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu ở khu vực nông thôn. Sau hơn 9 năm triển khai xây dựng NTM, với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cả hệ thống chính trị, các lực lượng xã hội, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, nông thôn Bắc Ninh đã có những chuyển biến tích cực. Đến hết tháng 7 năm 2019, Bắc Ninh có 89/97 xã (91,75%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 55,67% so với cuối năm 2015), cao hơn 8,16% so với mức đạt chuẩn bình quân của vùng Đồng bằng sông Hồng (83,59%) và cả nước (50,26%). Bình quân số tiêu chí/xã của cả tỉnh đạt 18,85 tiêu chí (tăng 10 tiêu chí so với năm 2010 và tăng 3,14 tiêu chí so với năm 2015), cao hơn mức trung bình của vùng Đồng bằng sông Hồng (18,28 tiêu chí/xã) và cả nước (15,26 tiêu chí/xã); có 4 đơn vị cấp huyện (Tiên Du, Quế Võ, Gia Bình và thị xã Từ Sơn) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thành phố Bắc Ninh có 3/3 xã đạt chuẩn NTM, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công nhận thành phố Bắc Ninh là đô thị loại I (vùng Đồng bằng sông Hồng có 35 đơn vị cấp huyện; cả nước có 84 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM). Dự kiến đến năm 2020, Bắc Ninh có 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu, các xã, huyện sau khi được công nhận đạt chuẩn đều có kế hoạch thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí để phù hợp với mục tiêu phát triển chung của tỉnh là trở thành đô thị hiện đại trong tương lai.

 

Diện mạo NTM xã Đình Tổ (Thuận Thành).


Một trong những điểm nhấn quan trọng dễ nhận thấy trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh, đó là sự hài hòa giữa phát triển nông thôn với đô thị hóa, đó là đô thị hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, là thị trường lớn để tiêu thụ nông sản từ nông thôn. Ngược lại, nông thôn chính là vành đai xanh, giúp đô thị giảm tải áp lực về gia tăng dân số cơ học và môi trường. Điểm đáng ghi nhận đó là trong điều kiện nguồn lực hỗ trợ trực tiếp của ngân sách nhà nước có hạn, song Bắc Ninh đã thực hiện tốt việc đa dạng hóa sự góp sức từ các thành phần kinh tế (doanh nghiệp, tín dụng, người dân,...), huy động được tổng thể các nguồn lực xã hội đóng góp xây dựng NTM. Mỗi địa phương chủ động lồng ghép hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn để phục vụ xây dựng NTM. Giai đoạn 2011-2019, tổng nguồn vốn huy động và bố trí được khoảng 12.654 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2019 là 8.633 tỷ đồng, cao gấp 2,15 lần so với giai đoạn 2011-2015). Trong đó, ngân sách Trung ương 69 tỷ đồng (0,54%); ngân sách địa phương 10.372 tỷ đồng (81,97%); lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 185 tỷ đồng (1,46%); tín dụng 1.528 tỷ đồng (12,08%); doanh nghiệp 146 tỷ đồng (1,15%); cộng đồng, người dân tự nguyện đóng góp và nguồn vốn khác 354 tỷ đồng (2,8%)...
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới luôn biến động, kinh tế trong nước nói chung và kinh tế trong tỉnh nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, diễn biến thời tiết khó lường, những kết quả đạt được trong xây dựng NTM của tỉnh thời gian qua là sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, qua đó kiến thiết nông thôn Bắc Ninh đổi mới, hiện đại, phát triển hài hòa với quá trình đô thị hóa. Hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn ngày càng hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Giao thông nông thôn được xây dựng đồng bộ, khang trang hiện đại, kết nối thông suốt từ đường thôn, xã đến các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, đường cao tốc, đáp ứng tốt nhu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống trường học các cấp được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, là nền tảng quan trọng để chất lượng giáo dục của tỉnh ngày càng được nâng cao. Bắc Ninh luôn nằm trong tốp đầu về chất lượng giáo dục của cả nước: Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 99,1% (cả nước 74,8%); Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cấp tiểu học là 100% (cả nước 59,7%), THCS là 96,3% (cả nước 56,7%), THPT là 100% (cả nước 37,04%). Hệ thống các cơ sở y tế được đầu tư hiện đại, đã và đang phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân (100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 35,97 (cả nước đạt 26,5); Tỷ lệ Bác sỹ/vạn dân đạt 11,89 (cả nước đạt 8,6). Hệ thống các công trình xử lý rác thải, nước thải được chú trọng. Kinh tế nông thôn có bước chuyển dịch mạnh mẽ trên nền tảng sự kết nối giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ nông thôn. Sản xuất nông nghiệp được cơ cấu lại sản xuất theo hướng khai thác tối đa thế mạnh nổi trội và đi sâu vào chất lượng, từng bước hình thành, khẳng định và phát huy giá trị các thương hiệu nông sản của từng địa phương. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh năm 2018 đạt 8.861,8 tỷ đồng, dự kiến năm 2019 ước đạt 8.473 tỷ đồng, tăng so với năm 2014 lần lượt là 5,6% và 1,05%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2013 là 31,9 triệu đồng, đến tháng 6 năm 2019 ước đạt 59,7 triệu đồng. Kinh tế nông nghiệp phát triển, đời sống vật chất của người dân ngày càng cao, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng đa dạng, các giá trị văn hóa truyền thống không ngừng được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố. Bắc Ninh là tỉnh đi đầu trong cả nước về việc thực hiện chính sách an sinh xã hội đặc thù riêng của tỉnh. Giai đoạn 2010-2020, bên cạnh các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thì hệ thống chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh cũng không ngừng được mở rộng, bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng từ trẻ sơ sinh đến người già, từ người nghèo đến người có công và ngày càng được mở rộng sang các đối tượng khác…

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm (Lương Tài).


Có được những thành quả đó, là do tỉnh đã xây dựng, triển khai các mô hình điểm, qua đó phát hiện cách làm hay, ý tưởng sáng tạo, làm cơ sở nhân rộng, tạo sự lan tỏa tới các địa phương. Hệ thống chính sách vững mạnh đã hỗ trợ chính quyền, nhân dân các địa phương, thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của các cấp, các ngành và toàn xã hội dồn sức cho xây dựng NTM. Vai trò chủ thể của nhân dân được phát huy tốt, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là kim chỉ nam cho quá trình xây dựng NTM bền vững. Đặc biệt, việc lấy ý kiến hài lòng của người dân khi xét, công nhận đạt chuẩn NTM đã tạo ra hiệu ứng rất tốt trong xã hội, giúp chính quyền các cấp có cơ sở khi quyết định công nhận đạt chuẩn NTM. Trong công tác chỉ đạo, điều hành phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cấp, từng ngành và có sự phối hợp nhịp nhàng trong công tác điều phối chung tạo sức mạnh tổng hợp. Linh hoạt, vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương… Xây dựng NTM thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh chỉ đạo các địa phương gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng NTM với tái cơ cấu nông nghiệp để đạt mục tiêu vừa thay đổi diện mạo nông thôn vừa phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống người dân để phát triển bền vững. Tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, phát huy vai trò hợp tác xã là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp với nông dân.
Qua hơn 9 năm xây dựng nông thôn mới cho thấy Bắc Ninh không chỉ đạt và vượt mục tiêu Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, mà các nội dung xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, hướng tới sự bền vững. Nhìn lại chặng đường đã qua, không thể không ghi nhận những thành tựu nổi bật, được khắc họa sinh động từ thực tiễn đời sống của người dân nông thôn. Diện mạo nông thôn đã được đổi mới, khang trang, sạch, đẹp hơn, các công trình hạ tầng cơ sở được tập trung đầu tư, nâng cấp, đã và đang hỗ trợ tốt cho việc tổ chức sản xuất và sinh hoạt cho người dân ở nông thôn. Kết quả trong xây dựng NTM chính là thước đo đo lường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Đo lường sự đồng tình ủng hộ và vai trò chủ đề của người nông dân. Nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Công nhận xong NTM rồi không có nghĩa là xong mà cần phải tiếp tục, việc xây dựng NTM là quá trình lâu dài. Nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần quán triệt quan điểm “nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể”; phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cho giai đoạn sau năm 2020 theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, gắn sát với điều kiện thực tiễn. Đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua để xây dựng NTM, tiếp tục hướng tới nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, nhất là chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất; bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.

 

 

Nguyễn Tử Quỳnh

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) tỉnh