Về Đông Hồ, tìm màu sắc trong tranh

05/26/2020 09:36 View count: 7474
Làng Đông Hồ, xã Song Hồ (Thuận Thành) còn có tên là làng Mái, nằm bên dòng sông Đuống quanh năm đỏ nặng phù sa. Nơi đây từng một thời trên bến dưới thuyền, những phiên chợ giáp Tết, những chuyến thuyền cập bến mua tranh mãi là hình ảnh không phai nhạt của người dân làng Mái được truyền từ đời này sang đời khác.

Dân làng Đông Hồ, ngoài hai sương một nắng trên đồng ruộng còn có nghề vẽ tranh, in tranh. Tranh Đông Hồ là loại tranh khắc gỗ in màu, có vẽ tay nhưng chủ yếu là khắc gỗ. Tranh khắc gỗ còn gọi là tranh mộc bản, xuất hiện từ lâu ở các quốc gia Châu Á như: Nhật Bản, Trung Quốc. Theo các nhà nghiên cứu khoa học thì tranh khắc gỗ Đông Hồ mộc mạc, chân chất, không tinh vi như tranh khắc gỗ Nhật Bản, không rực rỡ chải chuốt như tranh khắc gỗ Trung Quốc, nó mang theo cái giản dị, tươi sáng, chân thật. Vì vậy, mỗi bức tranh mang dáng vẻ khỏe khoắn, lạc quan, đầy sáng tạo. Dòng tranh này có từ lâu đời nhưng phồn thịnh nhất ở thế kỷ XVII-XVIII. Tranh Đông Hồ phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, có nhiều đề tài: Chúc tụng thể hiện mơ ước ngàn đời của người lao động; lịch sử ca ngợi những anh hùng dân tộc, phản ánh những chiến công hiển hách trong quá trình giữ nước và dựng nước; tranh thờ vẽ theo lễ giáo, phong tục, câu đối; tranh cảnh vật nói về lòng yêu quê hương, đất nước; tranh sinh hoạt phản ánh công việc đồng áng, các trò vui, bài trừ hủ tục, châm biếm lẽ đời…

 

Nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế giới thiệu màu sắc trong những bức tranh Đông Hồ cổ quý giá.


Đặc sắc của tranh Đông Hồ là mầu sắc trong tranh, nghệ nhân nơi đây đã biết sử dụng và khai thác kho nguyên liệu vô tận từ thiên nhiên. Để tạo ra những màu sắc độc đáo trong tranh, phải có sự lao động thông minh, sáng tạo của nhiều thế hệ nghệ nhân mới có một bảng hòa sắc nhuần nhuyễn như thế. Nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế cho biết: Màu sắc trong tranh Đông Hồ hoàn toàn từ màu của thiên nhiên, từ xưa các cụ làm như thế nào giờ chúng tôi vẫn làm như thế. Có 5 mầu cơ bản: Màu trắng từ con điệp, màu vàng từ hoa hòe, màu xanh của lá chàm, màu đỏ từ sỏi non của núi, màu đen là từ than lá tre… Về Đông Hồ, du khách sẽ được gặp một sự hội ngộ thú vị, bất ngờ, màu sắc trên mọi miền tổ quốc tụ lại trên tờ tranh. Điệp, sò từ biển cả; vang, chàm của rừng; sỏi đá trung du; than, hòe đồng bằng.
Để có được màu trắng của điệp, người Đông Hồ đã đến vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng khai thác con điệp (họ sò) sinh sôi nảy nở ở ven biển quá trình biến hóa, điệp chết đi thành từng bãi. Người Đông Hồ đem về rây nhỏ, nắm thành từng nắm. Người quen nghề, cầm nắm điệp trên tay như nhà địa chất lành nghề. Họ phân loại ngay tốt xấu, dùng được hay chưa dùng được. Điệp nằm trên tranh còn phải qua sàng lọc, xay giã, rày mịn, nấu điệp sao cho vừa phải. Điệp non, giấy ẩm, khi in, điệp lên từng mảng, già hồ giấy bị cong đanh mặt, điệp rụng. Điệp trộn với bột gạo, bột sắn hoặc bột mỳ, quấy đều và đun lên thành một thứ hồ sền sệt. Mùa hanh khô là mùa bồi điệp, chờ khi hanh khô đem hồ trộn điệp đó ra quét mỏng trên giấy dó gọi là giấy điệp làm nền in tranh, điệp cho màu trắng. Màu vàng hòe Đông Hồ dịu dàng mà ấm cúng, tượng trưng cho sự no đủ, tươi vui. Để rút chất vàng từ hoa ra, đun đều lửa, nước hòe trộn với điệp phơi khô được loại điệp màu vàng để bồi và in tranh. Một màu không kém phần quan trọng trong tranh Đông Hồ đó là màu đen. Màu đen trong tranh dân gian Đông Hồ là đen của than lá tre, từ thiên nhiên dễ kiếm, rẻ tiền.

 

Khách tìm hiểu bản khắc gỗ của tranh dân gian Đông Hồ tại phòng trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

 

Xưa kia, làng Mái cây tre bao bọc quanh làng, quanh ao, tre ở đầu nhà, mùa tre thay áo, lá vàng rụng xuống đầy sân, đầy vườn, chỉ việc quét gom thành từng đống, đốt lên để lửa tàn, vừa đốt vừa rẩy nước, sau đó đem tro than ngâm vào chum, vại, không để khô quá. Than tre cho một màu đen vừa đủ, tơi xốp, hòa quyện với các màu khác. Gam màu Đông Hồ được các nghệ nhân đặt rất khéo léo, uyển chuyển cho dù màu sắc trong tranh không nhiều, thường chỉ vài ba, bốn màu nền. Nhờ luôn thay đổi sắc độ màu chu đáo, biến hóa khôn lường nên ít hóa thành nhiều, đơn giản thành phong phú. Màu của tranh tinh giản đến mức tối đa, dường như không có gì đáng nói, khi nhìn kỹ mới thấy nền tranh lấp lánh ánh điệp, như một bức khảm trai sôi nổi. Chính màu sắc đơn giản dưới bàn tay điêu luyện của nghệ nhân dùng đúng lúc, đúng chỗ đã tăng thêm giá trị cho toàn bộ tác phẩm, mang tính nghệ thuật độc đáo, táo bạo. Trong mỗi bức tranh, tùy màu chủ đạo được sắp xếp cạnh nhau ba độ màu: Sáng (hòe, điệp), trung gian (hòe, vang), đậm (sỏi, chàm, rỉ đồng) cộng với nét đen chắc chắn. Màu trong tranh chuyển động nhịp nhàng, kết hợp với lối in chồng màu của khắc gỗ, tuy đơn giản mà phong phú.
Hiện nay, màu hóa học dù nhiều nhưng người làm tranh vẫn chủ yếu dùng các màu tự nhiên theo bí quyết ông cha truyền lại, bởi màu hóa học khó có thể thay thế được vẻ đẹp đôn hậu của màu sắc cổ truyền. Cầm trên tay tờ tranh Đông Hồ, ít ai hiểu được công phu của người làm tranh, đó là cả một khâu kỹ thuật liên hoàn mà phải người yêu tranh, tâm huyết với nghề mới có thể theo đuổi, gìn giữ.
 

Minh Hường