Trưng bày chuyên đề “Ngô Gia Tự - người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc”

11/15/2018 09:16 View count: 3211
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự (3-12-1908 - 3-12-2018), người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh, tại Bảo tàng Bắc Ninh tổ chức trưng bày chuyên đề “Ngô Gia Tự - Người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc”. Đây là hoạt động thiết thực nhằm giáo dục lòng yêu nước và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
 

Trưng bày chuyên đề sẽ giới thiệu hơn 200 hình ảnh và tài liệu hiện vật được chia làm 3 phần chính:
Phần thứ nhất: Khởi nguồn chí hướng giới thiệu về bối cảnh lịch sử hình thành nên lý tưởng cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự.
Giới thiệu về quê hương đồng chí Ngô Gia Tự ở thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, một làng Việt cổ đã đi vào thơ ca dân gian: “Tam Sơn là đất ba gò/Của trời vô tận, một kho nhân tài” với nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với truyền thống hiếu học khoa bảng, tiêu biểu như: Từ đường họ Ngô Nguyễn là nơi thờ tổ và các vị đại khoa của gia tộc. Chùa Tam Sơn là trung tâm Phật giáo lớn của cả nước từ thế kỷ XI, nơi thờ thần hoàng làng và 16 danh nhân khoa bảng của xã Tam Sơn. Mộ trạng nguyên Nguyễn Quan Quang - vị trạng nguyên đầu tiên của nước Việt ta… Vùng đất Tam Sơn với bề dày lịch sử văn hiến đặc sắc đã khơi dậy trong lòng Ngô Gia Tự tình yêu quê hương đất nước.
Về gia đình: Ngô Gia Tự sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước. Gia sản còn lại cho đến ngày nay chính là ngôi nhà 5 gian, nơi đã nuôi dưỡng đồng chí Ngô Gia Tự từ nhỏ cho đến khi trưởng thành; bức hoành phi “Cửa như chợ” và đôi câu đối “Cổng độc lập tha hồ khép mở/Nhà tự do mặc sức ra vào” ở cổng do Ngô Gia Tự viết thể hiện lý tưởng và hoài bão lớn lao của đồng chí đấu tranh cho đất nước được độc lập, tự do. Thân phụ đồng chí Ngô Gia Tự là cụ Ngô Gia Du làm nghề dạy học nên còn được gọi là cụ Đồ Du - Một nhà nho nghèo yêu nước, đã tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục trong những năm 1907 - 1908 và phong trào kháng Pháp của Đề Thám. Cụ là người có tư tưởng tiến bộ đã khuyến khích Ngô Gia Tự đi học chữ Pháp để hiểu nước Pháp mà đánh lại giặc Pháp. Gia đình đồng chí Ngô Gia Tự có 12 anh em (trong đó có 2 người con nuôi), đồng chí Ngô Gia Tự là con thứ 9 trong gia đình nên còn được gọi là Chín Tự.
Thời niên thiếu, Ngô Gia Tự được cha cho đi học chữ nho ở trường làng, sau đi học chữ quốc ngữ ở Phủ Từ Sơn và trường Kiêm Bị thị xã Bắc Ninh. Ở cấp học nào đồng chí cũng là người học giỏi và có thành tích cao về môn toán. Năm 1922, sau khi tốt nghiệp loại ưu ở trường Kiêm Bị, đồng chí vào học trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội). Trường Bưởi là trường Bảo hộ do thực dân Pháp thành lập và là trường học lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Ngô Gia Tự học ở trường Bưởi cùng với Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du... là những người bạn có cùng chí hướng yêu nước và sau này trở thành những đồng chí cùng hoạt động cách mạng. Cũng trong thời gian học tại trường Bưởi, Ngô Gia Tự đã đọc một số sách cấm do đồng chí Nguyễn Ái Quốc bí mật truyền bá vào trong nước như:“Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường cách mệnh”, báo “Người cùng khổ”… Những cuốn sách là ánh sáng đường cách mạng soi rọi, giúp Ngô Gia Tự hình thành lý tưởng cách mạng cứu nước cứu dân. Cùng hàng loạt các phong trào yêu nước đã nổ ra lúc bấy giờ như: khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám, phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh, phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu… càng thôi thúc chí hướng đánh Tây, cứu nước của đồng chí Ngô Gia Tự. Sau đó, Ngô Giư Tự và mấy bạn thân đã quyết định bỏ học để tham gia hoạt động cách mạng, đến với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Phần thứ hai: Giới thiệu những mốc son chói lọi trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự.
Mốc son đầu tiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự là khi đồng chí nỗ lực hoạt động và trở thành Bí thư Tỉnh Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (VNCMTN) Bắc Ninh - Bắc Giang. Đồng chí Ngô Gia Tự đã được kết nạp vào tổ chức Hội VNCMTN cuối năm 1926 và được cử đi học lớp huấn luyện chính trị do Tổng bộ Hội VNCMTN tổ chức vào đầu năm 1927 ở Quảng Châu, Trung Quốc. Về nước, đồng chí được phân công gây dựng cơ sở cách mạng ở Bắc Ninh và Bắc Giang: Đó là làng Tam Sơn - quê hương đồng chí Ngô Gia Tự, thị xã Bắc Ninh, thành Bắc Ninh,… Và những người được đồng chí giác ngộ cách mạng như: Nguyễn Văn Cừ, Vương Văn Trà, Nguyễn Văn Mẫn, Nguyễn Thị Lưu… Tính đến cuối năm 1928 đầu năm 1929, Ngô Gia Tự và các đồng chí của mình đã thành lập được 14 Chi hội VNCMTN với hơn 100 hội viên ở khắp các nơi trong tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang dẫn đến sự thành lập Tỉnh Hội VNCMTN Bắc Ninh - Bắc Giang, Ngô Gia Tự được cử là Bí thư. Từ đây đồng chí có nhiều cống hiến to lớn hơn nữa cho cách mạng Việt Nam. Đó là những cống hiến to lớn trong phong trào vô sản hóa (năm 1928) và thành lập ĐDCSĐ (năm1929), một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản sau này.
Được giao phụ trách phong trào vô sản hóa, đồng chí Ngô Gia Tự đã thuyết phục hàng chục hội viên thanh niên tự nguyện rời quê hương, gia đình đi vô sản hóa ở các nơi: Ngô Thị Hồng đi vô sản hóa ở mỏ than Kế Bào; Vương Văn Trà, Ngô Gia Trinh, Đàm Đức Hòa đi vô sản hóa ở nhà máy gạch Hưng Ký; Nguyễn Văn Cừ đi vô sản hóa ở mỏ than Mạo Khê; bản thân đồng chí đi vô sản hóa ở nhà máy xe lửa Gia Lâm… Dưới tác động mạnh mẽ của phong trào “Vô sản hoá”, cuối năm 1928 đầu năm 1929 đã có hàng chục cuộc đấu tranh của công nhân nổ ra, tiêu biểu là cuộc đấu tranh của hơn 200 công nhân Xưởng sửa chữa ô tô Avia (nay là nhà máy ô tô Ngô Gia Tự, Hà Nội) nổ ra từ ngày 25-8 - 10-6-1929 do chính Ngô Gia Tự chỉ đạo.
Nhận thấy phong trào cách mạng ngày càng dâng cao, Ngô Gia Tự nhận định phải thành lập chính đảng của giai cấp công nhân nên đã đấu tranh kiên quyết cho sự thành lập Đảng. Và tại số nhà 5D phố Hàm Long Hà Nội, Ngô Gia Tự cùng các đồng chí của mình đã lập ra Chi bộ Cộng sản đầu tiên của cả nước (tháng 3-1929), tiến tới thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng (ĐDCSĐ) ở Bắc Kỳ (tháng 6-1929). Sau đó, đồng chí được cử về Bắc Ninh thành lập Chi bộ Cộng sản và ĐDCSĐ Bắc Ninh - Bắc Giang tại núi Lim, huyện Tiên Du ngày 4-8-1929. Có thể nói ĐDCSĐ ra đời là kết quả của quá trình chuẩn bị công phu, đầy trách nhiệm của các đồng chí trong Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ và Chi bộ Cộng sản đầu tiên, trong đó có đồng chí Ngô Gia Tự.
Mốc son tiếp theo là những đóng góp to lớn của đồng chí Ngô Gia Tự trong việc gây dựng Chi bộ Đảng Cộng sản tại Nam Kỳ và trở thành Bí thư Chấp ủy Nam Kỳ đầu tiên. Tại Nam Kỳ, Ngô Gia Tự tiếp tục chỉ đạo và phân công các đồng chí của mình đi ngay vào các xí nghiệp, đồn điền, bến cảng để tuyên truyền vận động công nhân và phát triển đảng viên: cử đồng chí Lê Văn Lương đến gây dựng cơ sở cách mạng ở Hãng dầu Nhà Bè; cử đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) đến Thủ Thiêm gây dựng cơ sở cách mạng; cử đồng chí Nguyễn Xuân Cừ đến đồn điền Cao su Phú Riềng để gây dựng cơ sở Đảng… Bản thân đồng chí mặc dù là cán bộ lãnh đạo song vẫn trực tiếp đi gây dựng cơ sở cách mạng ở nhiều nơi: cảng Sài Gòn, xưởng đóng tàu Ba Son, nhà máy đèn chợ Quán, hãng rượu Bình Tây,… Và ở nơi nào Ngô Ga Tự và các đồng chí của mình cũng thành lập được chi bộ ĐDCSĐ, làm cho phong trào cách mạng ở Nam Kỳ ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Đến cuối năm 1929, cơ sở của ĐDCSĐ đã được tổ chức ở khắp 3 kỳ. Sự phát triển của ĐDCSĐ đã có tác động rất lớn dẫn đến sự ra đời của An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Trung Kỳ. Ba tổ chức này hoạt động độc lập, riêng rẽ và công kích lẫn nhau dẫn tới yêu cầu khách quan của lịch sử là phải hợp nhất 3 tổ chức Đảng, thành lập một Đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) tháng 2 năm 1930.
Khi ĐCSVN được thành lập, đồng chí Ngô Gia Tự được bầu làm Bí thư chấp ủy Nam Kỳ đầu tiên, tiếp tục gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở khắp Nam Kỳ, lãnh đạo các cuộc bãi công, trong đó có cuộc bãi công của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng cho đến ngày bị sa vào tay giặc. 
Sau khi bắt được đồng chí Ngô Gia Tự, địch đã giam giữ đồng chí ở nhiều nơi: bốt Catina, Khám lớn Sài Gòn, nhà tù Hỏa Lò, nhà tù Côn Đảo và tra tấn dã man bằng nhiều cực hình nhưng đồng chí vẫn kiên quyết không khai, không để lộ bí mật của Đảng. Với 4 lần bị đưa ra trước tòa, đồng chí đều dùng lý luận sắc bén của mình để đập tan mọi cáo trạng mà Pháp đưa, thể hiện khí phách kiên trung bất khuất của đồng chí trên trận tuyến nhà tù góp phần hình thành Bản lĩnh người cộng sản lỗi lạc Ngô Gia Tự. Đồng chí còn chủ trương “biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản” để tiếp tục học tập lý luận cách mạng cho đến ngày hy sinh.
Phần thứ ba: Sáng mãi ngọn đèn Ngô Gia Tự giới thiệu những phong trào học tập, noi gương đồng chí Ngô Gia Tự của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh.
Tiêu biểu là Phong trào “Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự” và phong trào “Nghìn việc tốt” với nhiều tấm gương sáng, nhiều dũng sĩ nghìn việc tốt như: AHLĐ, NGND Nguyễn Đức Thìn, người khởi xướng phong trào “Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự” và phong trào thi đua “Nghìn việc tốt”; đồng chí Nguyễn Văn Thân, một trong những đội viên nghìn việc tốt đầu tiên của quê hương lên đường vào Nam đánh giặc đạt danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ và một số hoạt động hưởng ứng phong trào “Nghìn việc tốt” trong giai đoạn hiện nay.
Hơn 70 năm đã qua đi, những người con của Tam Sơn và đồng bào cả nước luôn thắp sáng trong tim ngọn đèn cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự làm động lực phấn đấu, xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đặc biệt là tỉnh Bắc Ninh với những thành tựu to lớn trên các mặt đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2017) phấn đấu đến năm 2022, Bắc Ninh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xứng đáng là quê hương của người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc Ngô Gia Tự.

Phan Thị An Ngọc, Bảo tàng Bắc Ninh