Tháng Tám, chơi hội trống quân làng Bùi Xá

09/20/2019 09:37 View count: 4774
“Tháng Tám anh đi chơi xuân/Đồn đây có hội trống quân anh vào”. Theo câu hát, đầu tháng Tám âm lịch, chúng tôi về làng Bùi Xá (Ninh Xá, Thuận Thành) để trải nghiệm và tìm hiểu hội hát trống quân mà theo truyền thống thường diễn ra sôi nổi vào mùa trăng thu...

 

Nghệ nhân hát trống quân làng Bùi Xá (Ninh Xá, Thuận Thành) truyền dạy cho các cháu nhỏ trong làng.

Trong cảm thức của người chơi hội trống quân, mùa xuân không phải chỉ ở những tháng Giêng, Hai mà còn là tháng Tám -“Đêm thu phảng phất gió đưa/Hàng năm tháng Tám là mùa chơi xuân”. Giới nghiên cứu gọi hát trống quân là dân ca mùa thu bởi xưa kia, hội trống quân chỉ diễn ra vào những đêm trăng sáng mùa thu. Khi ấy, nhiều làng xã bắt đầu mở hội thi hát đối đáp giao duyên cùng với chiếc trống đất (cổ thổ) độc đáo. Trống đất là một loại nhạc cụ thô sơ nhưng rất đặc trưng, không thể thiếu trong các cuộc hát trống quân để cầm nhịp, khỏa lấp chỗ trống lúc người hát ngắt nghỉ.

Dù không gắn với các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo như các lễ hội truyền thống song hội thi hát trống quân mang tính cộng đồng cao và đặc sắc. Đây là một hình thức diễn xướng dân gian được tổ chức chu đáo, có kết cấu theo trình tự lề lối quy củ, chặt chẽ gồm các chặng hát và lối hát phong phú. Cũng như Quan họ, lối chơi nghệ thuật này đòi hỏi người hát vừa phải thuộc nằm lòng bài bản vừa phải dày công luyện tập, có vốn hiểu biết và kiến thức rộng để đối đáp ứng khẩu tại chỗ một cách tự do, ngẫu hứng. Chính điều này làm cho trống quân có một sức hấp dẫn, lôi cuốn đặc biệt.
Nghệ nhân Lê Thị Mão, 94 tuổi là người cao tuổi nhất ở CLB trống quân làng Bùi Xá có một thời thanh xuân sôi nổi, náo nức với những đêm “hát trông trăng” và sau đó còn bén duyên với một liền anh chơi trống quân cùng làng là cố nghệ nhân Phạm Công Ngát. Trong trí nhớ của cụ Mão, khi còn bé khoảng 9-10 tuổi, vào những đêm trăng tháng Tám, sau khi xay lúa, giã gạo xong, cụ thường đi theo các đàn anh đàn chị tham gia hội hát trống quân. Nhiều đêm hội hát đối đáp say sưa đến sáng, mặt trời mọc thì về đi làm đến tối lại hát tiếp, cứ nối từ hôm này sang hôm khác như thế cho đến cuối mùa trăng...
Cụ Mão hồi tưởng: “Tôi và ông nhà tôi quen biết rồi yêu thương nhau cũng từ những cuộc hát trống quân. Tôi mến ông ấy ở tiếng trống rõ ràng, dứt khoát còn ông ấy lại thương tôi ở những câu hát đố ý tứ, hóm hỉnh, sắc bén. Chúng tôi lấy nhau rồi có con nhưng vẫn say mê trống quân, nhiều đêm hai vợ chồng cõng cả con đi hát cho thỏa nỗi lòng. Đến tận bây giờ, tuổi cao, sức yếu, đi lại chậm chạp nhưng tôi vẫn thích lắm. Cứ nghe ai nói đến trống quân là thấy nao nao, bồi hồi...”
Theo các bậc cao niên, trống quân làng Bùi Xá có từ thời Trần cách đây khoảng 700 năm. Khác với trống quân các nơi khác ở vùng đồng bằng Bắc bộ, trống quân Bùi Xá có nét độc đáo, đặc sắc riêng, là tiếng nói tâm tình theo nhịp 9/10 nhưng vẫn giữ được âm điệu chung của loại hình trống quân với thể lục bát 6/8. Người hát ứng đối với nhau bằng câu hát, cùng trăm câu đố tài tình cho nên phải linh hoạt, nhanh trí. Cũng vì thế mà các cụ ở Bùi Xá thường gọi là “hát đố trống quân”.  Trong quá trình đối ứng, các bên sẽ linh hoạt mở rộng chủ đề, hình ảnh về non sông đất nước, tình yêu lao động, yêu thương con người... Làng Bùi Xá thường sử dụng lối hát trống quân “giở giọng”, tức là hát được tất cả các loại hình dân ca, nhạc cổ của mọi miền. Mục đích của hát giở giọng là làm phong phú, sôi động hơn không khí của cuộc hát và vừa kiểm nghiệm được tài năng hiểu biết, giao lưu rộng của người thi hát.
Được biết xưa kia ở Bắc Ninh, cứ đến mùa trăng sáng nhất trong năm là nam thanh nữ tú khắp các làng xã từ Thuận Thành sang Quế Võ, Tiên Du, Yên Phong... lại dập dìu mở hội hát đối đáp giữa những bãi đất trống trước cửa đình, cửa chùa với sự tham gia cổ cũ của đông đảo bà con làng xóm. Khi ấy, người dân nô nức mở hội thi hát trống quân sôi nổi, nhộn nhịp chẳng kém gì mùa Quan họ đầu xuân. Trải qua biến động thời cuộc, đến nay, cả tỉnh chỉ có câu lạc bộ trống quân làng Bùi Xá còn duy trì sinh hoạt đều đặn, thường xuyên. Năm 2016, Nghệ thuật hát trống quân làng Bùi Xá được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

CLB trống quân làng Bùi Xá (Ninh Xá, Thuận Thành) tuy vẫn sinh hoạt đều đặn song hội hát trống quân mùa thu tháng Tám không còn sôi nổi như xưa.

Tuy nhiên, thực trạng hoạt động của CLB cho thấy vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình diễn xướng dân gian này đang trở nên hết sức cấp thiết trong bối cảnh xã hội hiện nay... CLB trống quân làng Bùi Xá hiện có gần 20 thành viên và phần lớn đều trên 50 tuổi. Các thành viên trong CLB sinh hoạt đều đặn hàng tuần, thuộc nằm lòng và có khả năng diễn xướng thành thạo hơn 50 bài nhưng lại đang thiếu “đất diễn”. Trung bình mỗi năm, CLB biểu diễn khoảng năm bảy buổi vào dịp lễ hội hoặc khi địa phương tổ chức sự kiện, kỉ niệm ngày lễ... Ngay đến hội hát trống quân mùa trăng thu cũng không còn duy trì như xưa, họa lắm có đoàn báo chí về quay phim, chụp ảnh vào đúng dịp Rằm tháng Tám thì các thành viên CLB mới tổ chức biểu diễn phục vụ.
Nghệ nhân Lê Bá Bạo, 77 tuổi là người tâm huyết, nặng lòng với nghệ thuật hát trống quân làng Bùi Xá chia sẻ: “Thực tế việc bảo tồn loại hình nghệ thuật trống quân Bùi Xá đang gặp nhiều khó khăn vì những người biết hát trống quân đều cao tuổi. Chúng tôi rất trăn trở, lo lắng vì thế hệ kế cận mỏng và chưa thật sự đam mê. Trong khi đó, để duy trì sinh hoạt thì các thành viên trong CLB vẫn phải tự túc toàn bộ kinh phí để luyện tập sinh hoạt và mua sắm trang phục, đạo cụ biểu diễn...”.
Mong rằng, với sự cố gắng của những người giữ lửa nghệ thuật truyền thống ở Bùi Xá, thế hệ trẻ hôm nay sẽ có ý thức hơn trong việc bảo tồn di sản của cha ông. Quan trọng hơn hết cần có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của ngành chức năng trong việc hỗ trợ nguồn kinh phí để CLB Trống quân làng Bùi Xá tiếp tục duy trì thực hành diễn xướng, truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật dân gian độc đáo của quê hương.

Bài, ảnh: Việt Thanh