Tai nạn giao thông - Còn đó những mối lo

09/24/2019 08:22 View count: 3681

Kỳ 2: Mối lo từ giao thông nông thôn

 

Bắc Ninh hôm nay đang từng ngày đổi mới, vươn lên mạnh mẽ. Những cung đường to đẹp trải dài từ thành thị đến nông thôn tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho mỗi địa phương, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Song, sự phát triển nhanh của hệ thống giao thông  và quá trình đô thị hóa đã nảy sinh một số bất cập trong tổ chức giao thông ở các địa phương và để lại không ít mối lo cho công tác bảo đảm trật tự ATGT.

 

Khi đường làng vươn mình ra Quốc lộ
Mới đây, có dịp cùng đoàn công tác của văn phòng Ban ATGT tỉnh đi kiểm tra, rà soát những điểm bất cập giao thông trên một số tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh, chúng tôi ghi nhận nhiều điểm thiếu sót trong tổ chức giao thông, nhất là những điểm giao cắt từ đường làng, ngõ xóm với Quốc lộ, tỉnh lộ. Điển hình có thể kể đến như trên các tuyến Quốc lộ 17, 18, 38 qua địa phận Bắc Ninh.

 

Lực lượng chức năng của huyện Thuận Thành ra quân hưởng ứng Tháng ATGT năm 2019.


Quốc lộ 17 chạy qua huyện Thuận Thành và Gia Bình có chiều dài gần 30km, từ khi được nâng cấp, lượng người và phương tiện, nhất là xe chở hàng hoá, xe container, xe đầu kéo lưu thông khá đông đúc. Tuy nhiên, trên tuyến đường này đang có rất nhiều đường làng, ngõ xóm của các địa phương giao cắt trực tiếp với Quốc lộ nhưng chưa có sự điều chỉnh phù hợp nên công tác tổ chức giao thông còn nhiều hạn chế. Theo ông Nguyễn Đình Văn, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thuận Thành thì nhiều tuyến đường từ thôn ra Quốc lộ trên địa bàn huyện đều không có biển báo giao nhau với đường ưu tiên, gờ, sơn giảm tốc… Huyện đã kiến nghị các cấp, ngành hữu quan có giải pháp xử lý bất cập, đến nay đã lắp được 1 số điểm, song còn nhiều điểm chưa thực hiện được…
Khi hệ thống biển báo giao nhau với đường ưu tiên, sơn, gờ giảm tốc chưa được lắp đặt thì nguy cơ TNGT luôn hiện hữu đối với cả phương tiện từ các làng ra Quốc lộ cũng như phương tiện đang lưu thông trên Quốc lộ. Điển hình như đoạn qua các xã: Hà Mãn, Thanh Khương, Gia Đông (Thuận Thành), dù Quốc lộ chỉ chạy qua mỗi địa phương chưa đầy 2km, song ở đây có đến hàng chục đường làng, ngõ xóm bắt trực tiếp với Quốc lộ 17. Bà Trần Thị Hồng (Ngọc Khám, Gia Đông, Thuận Thành) cho biết: “Từ khi nâng cấp lên Quốc lộ, lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông, nhất là xe container, xe đầu kéo, xe chở hàng hoá… Do thiếu hệ thống biển báo nên mỗi khi rẽ từ đường thôn ra Quốc lộ rất nguy hiểm. Tại đây đã xảy ra không ít vụ va chạm giao thông”. 

 

Đầu đường vào thôn Nghiêm Xá (Việt Hùng, Quế Võ) đổ cột bê tông nhằm hạn chế xe quá khổ, quá tải tiềm ẩn nguy cơ TNGT. 


Theo ông Lê Ngọc Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh: “Từ đề nghị của các địa phương, chúng tôi đã khảo sát và triển khai nhiều giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ nhiều vị trí nhà dân xây sát đường làng, thậm chí là cửa nhà, nên không còn diện tích đặt biển báo. Trong khi đó cơ bản đường làng, ngõ xóm đều được trải bê tông, khi sơn vạch giảm tốc cũng chỉ được thời gian ngắn sẽ bị bong tróc do độ bám dính giữa sơn và đường bê tông không cao. Có vị trí đặt được gờ giảm tốc nhưng lại tạo ra tiếng ồn khi xe ô tô chạy qua hoặc gây ô nhiễm môi trường do xe chở nguyên vật liệu đi qua rơi vãi nên người dân sống gần đấy lại đề nghị xoá bỏ… Hiện, chúng tôi đang nghiên cứu, đề xuất giải pháp phù hợp với thực tế của từng địa phương để triển khai có hiệu quả”.
Không chỉ có Quốc lộ 17, trên Quốc lộ 18 đoạn qua địa phận huyện Quế Võ cũng gặp trường hợp tương tự. Song ở đây lại diễn ra tình trạng có làng đổ cột bê tông với lý do vừa hạn chế xe quá tải vào làng vừa cảnh báo các phương tiện khi ra Quốc lộ. Điển hình như thôn Nghiêm Xá (Việt Hùng). Anh Quang Tú người dân thôn Nghiêm Xá cho biết: “Việc đổ cột bê tông là để hạn chế những xe quá khổ quá tải đi vào làm hỏng đường làng. Trước đây các ngõ vào thôn đều có cột bê tông, song do bất cập nên đã tháo bỏ một số, hiện còn khoảng 2-3 ngõ vẫn còn giữ”. Tuy nhiên, theo đại diện của Ban ATGT tỉnh thì việc đặt cột bê tông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến việc lưu thông của xe cứu hoả vào làm nhiệm vụ khi không may xảy ra cháy nổ hoặc xe cứu thương vào làng. Bởi vậy, Ban ATGT tỉnh khuyến cáo nên sử dụng biển báo quy định tải trọng thay bằng đặt cột bê tông...


Xung đột giao thông khi làng lên phố
Bắc Ninh đang thực hiện mục tiêu đến năm 2022 trở thành thành phố trực thuộc T.Ư. Nhiều địa phương cũng đang tích cực thực hiện các mục tiêu, kế hoạch xây dựng đô thị theo các Đề án, kế hoạch đề ra và thực tế đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, bộ mặt nông thôn giờ thay đổi tích cực, nhiều làng xóm khi xưa giờ thành phố, thành khu… Tuy nhiên, có một thực tế là khi làng lên phố, nhịp sống mới đã khác nhưng ý thức nhiều người dân cùng với cơ sở hạ tầng giao thông chưa bắt kịp sự phát triển đã tạo ra nhiều mối lo về TNGT.

 

Đường vào khu 3, thị trấn Phố Mới được sơn vạch giảm tốc cảnh báo phương tiện khi ra Quốc lộ 18 mang lại hiệu quả tích cực.


Điển hình là ở Từ Sơn, theo kế hoạch đến năm 2020 thị xã Từ Sơn sẽ phấn đấu trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Đến nay, thị xã đang thực hiện Đề án nâng cấp 5 xã còn lại lên phường. Đây là một niềm vui lớn đối với người dân bởi với lợi thế địa kinh tế, thị xã Từ Sơn sẽ có nhiều thời cơ phát triển thành đô thị lõi của thành phố Bắc Ninh vào năm 2022. Trong tiến trình phát triển ấy, bên cạnh việc quy hoạch, đầu tư xây dựng giao thông đô thị hiện đại, thì nhiều làng, khu của thị xã vẫn giữ nguyên cơ sở hạ tầng. Nhiều tuyến đường trong các khu dân cư nhỏ hẹp, chật chội như ở các phường: Đông Ngàn, Đình Bảng, Tân Hồng, Đồng Kỵ, Phù Khê… Đặc biệt là ở các địa bàn có làng nghề phát triển như phường Đồng Kỵ, nhiều tuyến đường vốn rất nhỏ hẹp trong khi làng nghề phát triển mở rộng, lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông hàng ngày rất đông đúc, tạo sức ép rất lớn về giao thông. Việc nảy sinh nhiều bất cập, thiếu sót trong công tác tổ chức giao thông tại thị xã Từ Sơn đòi hỏi các cấp, ngành chức năng của tỉnh và thị xã tích cực giải quyết. Trong đó cần sớm sơn vạch tim liền đường, lắp đèn chiếu sáng trên ĐT 295 đoạn từ cầu chùa Trang đến cầu Nét (Tam Sơn); bổ sung biển báo tại ngã 3, 4 đường ĐT 277 với đường Đồng Kỵ (Đồng Kỵ); lắp biển hạn chế tốc độ trên đường Nguyên Phi Ỷ Lan đoạn qua nhà Văn hóa Yên Lã, UBND phường Tân Hồng; giải pháp xử lý giếng làng tại khu phố Viềng thuộc dự án xây dựng ĐT 295B… 

 

Trên địa bàn tỉnh hiện tồn tại nhiều điểm giao cắt giữa đường làng với Quốc lộ nhưng không có biển báo, gờ giảm tốc, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

 


Không chỉ ở thị xã Từ Sơn, nhiều địa phương trong tỉnh vốn tồn tại nhiều tuyến đường giao thông trong các thôn, làng còn nhỏ hẹp, khi quy hoạch xây dựng Nông thôn mới lại chưa thực sự quan tâm đến thiết chế giao thông như bãi đỗ xe tĩnh, mở mang đường làng, đặt biển hiệu cảnh báo ATGT… Trong khi đó, dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, cùng với lưu lượng phương tiện, nhất là ô tô tăng nhanh nên sức ép về giao thông rất lớn, thành thử ở quê mà cảnh ùn tắc giao thông cục bộ vẫn thường xảy ra. Đó là chưa kể đến nếp sống làng quê xưa vẫn in đậm trong tâm trí người dân nên nhiều người chưa quen, chưa bắt nhịp được với công tác bảo đảm trật tự ATGT của đô thị hiện đại. Từ việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT khi ra đường như đội mũ bảo hiểm, đi đúng phần đường, làn đường, đến việc không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán, lắp đặt mái che, cơi nới nhà cửa, đỗ dừng xe gây cản trở giao thông… Chính vì vậy, dù đã được các ngành chức năng tuyên truyền, thậm chí là nhiều lần kiểm tra xử lý song tình trạng vi phạm trật tự ATGT ở các địa bàn dân cư mới lên đô thị hoặc đang hình thành cuộc sống đô thị… vẫn diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững. 
Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Đặng Thanh Phong, Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: “Hiện nay, công tác bảo đảm trật tự ATGT tại Bắc Ninh, nhất là những vùng quê dù đạt nhiều kết quả khả quan song vẫn đang đối mặt với những vấn đề phức tạp cần tháo gỡ. Hệ thống giao thông phát triển hiện đại nhưng ý thức người tham gia giao thông chưa theo kịp; phương tiện giao thông, nhất là ô tô gia tăng nhanh trong khi cơ sở vật chất, bãi đỗ xe nhiều nơi chưa được đầu tư, nâng cấp… Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm tháo gỡ triệt để những bất cập để công tác bảo đảm ATGT thực sự đạt hiệu quả và bền vững…”. 

 

Kỳ 3: Loại trừ mối lo TNGT

Lê Thanh - Lê Đại - Đức Quý