Những “bông hoa đồng nội”

08/06/2019 08:14 View count: 2923
Với phẩm chất trung hậu, đảm đang, cần cù chịu khó những người phụ nữ nông thôn bình dị này dù ở những điều kiện hoàn cảnh kinh tế, trình độ học vấn, vị trí công tác khác nhau nhưng tất cả đều chung tay hiến đất mở đường xây dựng Nông thôn mới (NTM). Với họ, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác không có gì là cao xa mà là làm tốt từ những điều nhỏ nhất. Họ như những “bông hoa đồng nội” lặng lẽ tỏa hương dâng hiến cho đời.

Bà Ngô Thị Lập giới thiệu với phóng viên đoạn đường đã được mở rộng sau khi gia đình bà hiến đất.

 

Cho đi là nhận lại
Chúng tôi về thôn Tam Tảo, xã Phú Lâm (Tiên Du) tìm gặp bà Ngô Thị  Lập 69 tuổi sau khi được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tại Phiên họp thường kỳ hồi tháng 5 vừa qua. Cảm nhận đầu tiên khi tiếp xúc với bà Lập đó là một phụ nữ nông thôn thuần phác, mộc mạc như cây lúa, củ khoai từ cách nói chuyện cho đến trang phục của bà, đều toát lên sự hồn hậu, chân thành.
Với người phụ nữ quanh năm chân lấm, tay bùn này học Bác đâu có gì cao xa, mà học Bác chính là làm tốt những việc nhỏ nhất, để góp sức cùng cộng đồng xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Trước kia, con đường chạy qua nhà bà rộng chỉ 2m. Người đi bộ và xe phải nhường nhau đi, chỉ xe đạp, xe máy đi lại còn ôtô không qua được. Đường sá chật hẹp, mặt đường lại gồ ghề nên nhiều cháu nhỏ bị té ngã. Vì thế, mỗi lần chứng kiến cảnh như vậy, bà Lập lại trăn trở, hình ảnh con đường chật chội cứ vẩn vơ trong đầu bà. Rồi bà kể cho chúng tôi nghe: Mảnh đất của gia đình đang ở là công sức sau bao nhiêu năm vợ chồng bà vất vả gánh từng xô đất tôn tạo. Nhưng chồng bà mất cách đây hơn 20 năm, bà ở vậy nuôi 7 người con (4 trai, 3 gái). Cả cuộc đời gần 50 năm về làm dâu họ Ưng bà tần tảo với ruộng đồng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, bươn chải, tất tả lo từng bữa cơm, tấm áo cho các con. Cuộc sống khó khăn rồi cũng dần qua, các con đều trưởng thành xây dựng gia đình và sinh sống trên mảnh đất này.
Khi địa phương có chủ trương nâng cấp tuyến đường thôn, bà Lập đã bàn bạc cùng con cháu lùi tường rào cho đường làng rộng thêm. Nhưng điều lăn tăn trong lòng bà lúc đầu đó là các con chưa thông, tiếc của vì đất làng nghề là “đất vàng”. Nhưng rồi bà nói với các con: “Ăn nhiều ở hết bao nhiêu, cho đi là nhận lại, mình hiến đất làm đường cho đường làng rộng, đẹp con cháu đi lại thoải mái, xe cộ chạy thuận lợi thì nhà mình cũng đẹp lên”. Ơn Đảng, ơn Bác, cuộc sống người dân mới được như hôm nay, xã hội có bao nhiêu người tốt họ quyên góp mang tiền đi làm từ thiện khắp nơi, mình không có nhiều tiền của nhưng có đất. Hiến đất làm đường phục vụ lợi ích cộng đồng hôm nay và đem lại lợi ích cho cả thế hệ mai sau... thì đó là việc nên làm.
Bà Lập chỉ tay về đoạn đường vừa được mở rộng nói: Hưởng lợi thì ai cũng cần, nhưng làm đường còn là để góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương. Vì lẽ đó, mình sống phải vì mọi người và thấy có ích mình phải sẵn sàng đóng góp.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Quyết cho biết: Mặc dù đã về đích NTM nhưng với phương châm không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là tiêu chí giao thông, xã Phú Lâm tiếp tục nâng cấp các tuyến đường thôn, xóm. Năm 2017 trong quá trình triển khai nâng cấp đường thôn Tam Tảo, con đường qua cổng nhà bà Lập chỉ rộng có 2 m, lại có khúc cua gấp đi lại bất tiện, nhiều phương tiện không đi qua được. Bà Lập sẵn lòng lùi tường bao hiến 4,5m2 đất của gia đình để mở rộng đường làng (lên 3,5 m). Phần đất hiến tặng tuy nhỏ nhưng thực sự lại có ý nghĩa rất lớn, bởi “nút thắt cổ chai” của đoạn đường này đã được khai mở kết nối với các tuyến đường liên thôn, liên xóm, tạo điều kiện cho việc giao lưu phát triển kinh tế của địa phương.
Mỗi chiều nhìn thấy lũ trẻ ríu rít vui chơi trên đoạn đường mới này lòng bà tràn đầy hạnh phúc. Với bà Lập sân vườn có thể hẹp lại, nhưng con đường phải rộng và tránh những khúc cua gấp, để mọi người thuận lợi trong công việc đồng áng cũng như bảo đảm an toàn cho mình và mọi người khi tham gia giao thông.
Bà Tươi-tiên phong hiến đất mở đường
Tình cờ, trong lần về xã Trạm Lộ (Thuận Thành) công tác, được nghe câu chuyện về những người dân thôn Ngọc Nội tự nguyện hiến đất mở rộng đường trục thôn. Vậy là chúng tôi theo chân cán bộ địa phương xuống tận nơi “mục sở thị” và trực tiếp gặp gỡ những người hiến một phần đất ở cha ông để lại cho sự phát triển của địa phương.
Trong số 20 hộ dân hiến đất mở rộng đường của thôn Ngọc Nội, có lẽ gia đình bà Phạm Thị Tươi (60 tuổi) để lại nhiều ấn tượng nhất. Là người nông dân chân lấm tay bùn, hiểu rõ được giá trị của “tấc đất tấc vàng”. Thế nhưng, trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, dù hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn, chồng bà (ông Nguyễn Văn Tuyến) bị tàn tật từ thuở nhỏ, kinh tế gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán, hiện gia đình vẫn đang thuộc diện hộ cận nghèo, song khi thôn, xã có chủ trương làm đường giao thông nông thôn bà Tươi là một trong những người dân tiên phong hiến đất mở rộng đường trục thôn, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Bà Phạm Thị Tươi bên diện tích hiến đất để mở rộng đường thôn.

Trong ngôi nhà tuềnh toàng chả có gì đáng giá, bà Tươi cho biết, khi lãnh đạo thôn đặt vấn đề hiến đất cho việc mở rộng lòng đường thì quả thật lúc đầu bà cũng đắn đo, suy tính rất nhiều giữa cái lợi của tập thể và cái thiệt của gia đình bà. Không suy tính sao được bởi bà vốn chỉ là một phụ nữ nông thôn, suốt ngày chỉ quẩn quanh với ruộng vườn. Mới đây bà có làm thêm công việc thu gom rác trong thôn nhưng cũng ít khi ra khỏi “lũy tre làng”, hiểu biết về xã hội cũng có phần hạn chế. Thu nhập của cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng, cộng với tiền công của một vệ sinh viên nên đời sống còn tùng tiệm.

Thế rồi bà cũng nhận ra, việc mở rộng đường là chủ trương rất đúng. Khi nguồn ngân sách Nhà nước còn khó khăn, mỗi nhà bỏ ra một ít đất, đổi lại sẽ có con đường bê tông sạch sẽ, rộng rãi, vừa thuận lợi vừa an toàn. Đất rộng mà đi lại khó khăn, thì cũng chẳng sung sướng gì, rồi cả đời con, cháu sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi cảnh đường làng ngập ngụa, lầy lội. Vì thế, khi địa phương thông báo chủ trương cải tạo tuyến đường trước cửa nhà, gạt bỏ lợi ích riêng gia đình bà đã tự nguyện phá dỡ tường bao, lùi vào chỗ rộng thì 60cm, chỗ hẹp hơn 40cm chiều rộng, chạy suốt khoảng 15m chiều dài khổ đất (tổng số hơn  6m2 đất để mở rộng tuyến đường trục thôn). Bởi bà biết rõ, hiến đất không có nghĩa là mất đất, ngược lại, nó còn tạo ra nhiều thuận lợi về lâu dài, thôi thì vì xóm vì làng mình chịu thiệt một chút cũng chẳng sao.
Hành động đẹp với suy nghĩ bình dị ấy của bà Tươi đã có sức lan tỏa không nhỏ đến người dân xung quanh. Cứ thế, người này bảo người kia, mỗi nhà hiến một phần diện tích mở rộng đoạn đường liên xóm chật hẹp trước kia (chỉ rộng từ 1,8-2m) thành con đường mới to đẹp hơn (trung bình từ 2,5-3m), góp phần giảm đáng kể chi phí trong xây dựng NTM, thúc đẩy phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ngày càng lan rộng.
Như vậy, cộng với việc Nhà nước đầu tư nâng cấp, tuyến đường nay đã đáp ứng tiêu chí giao thông nông thôn mới, việc đi lại của người dân trong xóm thuận lợi hơn nhiều. Đó là kết quả của “ý Đảng, lòng dân”, của những người đang tích cực chung tay thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng nông thôn mới ở Trạm Lộ.
“Bà giáo” góp sức xây dựng Nông thôn mới
Về xã Ngũ Thái (Thuận Thành) hỏi thăm nhà bác Phùng Thị Hương, thôn Cửu Yên từ người lớn tuổi đến thanh niên ai cũng biết, nhiệt tình chỉ tường tận. Người đảng viên với 52 năm tuổi Đảng này luôn một lòng theo Đảng, học tập tấm gương Bác Hồ vĩ đại, đồng sức, đồng lòng, chung tay cùng cộng đồng xây dựng NTM đã trở thành tấm gương điển hình của xã, của huyện và được người dân trong thôn gọi với tên thân mật là “bà giáo Hương”.

Bà Phùng Thị Hương và các thành viên tổ vận động hiến đất xây dựng đường giao thông bên con đường mới.


Sau lời chào hỏi, bác Phùng Thị Hương đưa chúng tôi ra thăm con đường của xóm 1, thôn Cửu Yên- công trình Nông thôn mới có sự đóng góp rất lớn của người dân. Bác kể, trước đây đường của xóm nhỏ và luôn lầy lội, hai xe đạp tránh nhau còn khó. Tội nhất là người già và các em học sinh khi đi qua con đường không tránh khỏi bụi bẩn. Những hình ảnh này cứ lặp đi lặp lại làm day dứt trong tâm người cựu giáo chức. Sau nhiều lần bàn bạc cùng các con, năm 2017 bác Hương quyết tâm lùi tường nhà vào hơn 50 cm và cùng vận động thêm được các gia đình trong xóm hưởng ứng việc hiến đất mở rộng đường. Khi đường đủ rộng cho xe ô tô đi vào, bác cùng các con ủng hộ toàn bộ kinh phí cứng hóa đoạn đường dài 150 m để đấu nối đến đường của thôn, tạo thuận lợi cho bà con đi lại. Đến giữa năm 2018, qua việc họp Đảng bộ xã, bác Hương được phổ biến chủ trương phát triển đường giao thông của chương trình xây dựng NTM. Là người đảng viên, dù tuổi đã cao nhưng vẫn luôn đặt sự nhiệt tình, trách nhiệm lên hàng đầu, bác Hương nghĩ “Mình phải đóng góp chút công sức nhỏ bé cùng nhân dân xây dựng cuộc sống mới, xây dựng đường làng, ngõ xóm khang trang đẹp hơn cho con cháu thụ hưởng”.
 Nghĩ là làm, bác bàn với những người bạn, người em trong thôn như Phùng Bá Phê, Nguyễn Xuân Phong, Phùng Bá Giang, Nguyễn Đăng Mốt thành lập tổ vận động bà con hiến đất, quyên góp tiền chung tay xây dựng đường giao thông. Trong các cuộc họp của thôn, xóm bác Hương hăng hái nói về ý nghĩa, sự cần thiết của việc làm đường đối với quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Từ việc khơi gợi đúng nguyện vọng, mong ước của người dân về con đường thôn to rộng, đủ để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, bác Hương và tổ vận động đã thuyết phục được người dân ven đường lùi công trình vào hàng chục centimet để mở rộng đường. Ngoài ra, tổ vận động còn quyên góp được gần 200 triệu đồng để xây dựng hoàn trả cho người dân khi di dời công trình hiến đất. Anh Phùng Bá Phê, Trưởng xóm 1 tâm sự: “Nói việc hiến đất làm đường thì dễ khi vận động mới nảy sinh nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với uy tín, nhất là sự gương mẫu của bác Hương và gia đình trong việc hiến đất, quyên góp tiền làm đường khi đến thuyết phục người dân đều đồng thuận, ủng hộ. Có thể nói, tuyến đường của thôn được khang trang, to rộng nối thẳng ra tỉnh lộ như ngày nay có phần công sức không nhỏ của bác Hương và người dân trong thôn”.
Không chỉ nhận được sự tin tưởng của người dân trong thôn, xóm mà chính quyền xã cũng đánh giá cao và ghi nhận công sức, thành quả của bác Hương và người dân thôn Cửu Yên trong chương trình xây dựng NTM. “Tấm gương bác Phùng Thị Hương và người dân thôn Cửu Yên đã và đang được nhân rộng, tạo sự lan tỏa, khích lệ người dân trong xã chung tay xây dựng, phấn đấu đưa xã về đích Nông thôn mới vào cuối năm 2019”, Chủ tịch xã Ngũ Thái Nguyễn Đình Thường khẳng định.
Vĩ thanh
Trong phong trào xây dựng giao thông nông thôn mới đã có nhiều tấm gương hiến đất mở đường, có thể quy mô còn lớn hơn nhiều, song bà Lập, bà Tươi hay “bà giáo Hương”… như hiện thân của những loài hoa đồng nội cho dù mọc lên từ cằn cỗi hay sỏi đá nhưng chẳng cạnh tranh, hay ganh đua tỏa sáng mà cứ lặng lẽ bền bỉ, dâng hương sắc tô điểm cuộc đời và gieo vào lòng người những giá trị sống đích thực.

Hoàn - Anh - Uyên