Nhớ ngày Bác về thăm đê Thống Thượng

09/26/2018 15:20 View count: 3460
Một chiều thu, tôi tìm đến thôn Thống Thượng, xã Việt Thống, huyện Quế Võ để gặp và trò chuyện với ông Nguyễn Văn Thời, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Việt Thống và cựu chiến binh Nguyễn Tiến Nên. Bên ấm trà thơm, họ hào hứng kể lại chuyện Bác Hồ về thăm đê Thống Thượng.

Bác Hồ về thăm đê Thống Thượng, xã Việt Thống, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày 26-7-1960 (Ảnh tư liệu).

Sáng ngày 26-7-1960, một chiếc xe hơi chầm chậm đến gần điếm canh làng Thống Thượng thì dừng bánh. Theo sau là chiếc xe hơi và xe máy khác. Người xuống xe đầu tiên là ông già chòm râu bạc, nét mặt hiền hậu, dáng nhanh nhẹn, mặc bộ quần áo lụa màu gụ, đầu đội chiếc mũ cát bọc vải kaki, chân đi đôi dép cao su. Ông già đi thẳng tới điếm canh, mấy cán bộ trẻ rảo bước theo sau.
Cậu bé Nguyễn Tiến Nên đang bắt cua dưới cánh đồng ven đê chợt thấy xe hơi dừng bánh, vội đặt giỏ xuống và chạy lên mặt đê cho thỏa tính hiếu kỳ. Ngồi trên rệ cỏ ngoảnh mặt về lòng sông là một dân quân đang chăm chú vót nan tre. Trong điếm canh tuềnh toàng đôi quang sảo, hai chiếc đòn gánh, hai chiếc mai, cuốc, cán dựng chồng chéo lên nhau, phía trên là sợi dây chão treo một chiếc trống làng đã bục một mặt. Ông già quay về phía hai chiếc xe đi theo đỗ không xa, nói người cán bộ bên cạnh vẫy tay bảo họ quay đầu xe lùi xa. Ông đến gần người đan sảo đang căm cụi vót nan rồi lên tiếng:
- Chào chú! Nước sông dâng như thế này đã lâu chưa, làng mình có cử ai ra điếm canh đề phòng sự cố không?
Người đan sảo tên Ngâm được người lạ thăm hỏi thì ngẩng đầu: “Dạ, chào cụ, từ chiều hôm trước nước lên nhanh, hợp tác làng cháu có cử dân quân hộ đê túc trực, may mà nước bắt đầu đứng, rút chậm rồi. Hôm nay, cháu và một anh nữa trực nhưng anh ấy tranh thủ đi chợ mua cái giậm về kiếm con cua con cá, cụ ạ”.
Nghe dứt lời, ông già đi lại quan sát cả khu vực kè rồi ngồi xuống một hòn đá ngành thủy lợi tập kết sẵn ở sườn đê, chỉ vào một cây sào cắm dưới nước,  hỏi tiếp:
- Vậy cây tre cắm chỗ kia để làm gì?
- Dạ, thưa cụ, đấy là chỗ xung yếu nhất, nếu dưới ngầm đê bị lở cái cọc tiêu ấy sẽ nghiêng ngả, sẽ phải tập trung xử lý ngay ạ!
Ông già gật đầu khen:
- Các chú sáng dạ đấy, cần phổ biến cho các làng ven đê khác học tập theo.
Ông già đứng dậy kéo ống quần lên rồi đi xuống sát mép nước sông, di chân vào một mạch sủi đã được dân làng đánh dấu, nói:
- Những chỗ dò thấm qua thân đê như thế này người canh đê phải thật chú ý kiểm tra phát hiện sớm, đề phòng, kịp thời báo cáo, khi nước lên to sẽ rất nguy hiểm.
Lên mặt đê nhìn xuống phía rìa làng thấy một phụ nữ đang gánh nước từ một cái giếng nước đã ngập bờ, vài ba con vịt đang dập dềnh, ông già trỏ tay hỏi:
- Nước gánh từ đồng về làm gì vậy?
- Nước đem về để nấu ăn đấy ạ!
- Làng cần khắc phục, giữ vệ sinh, dùng phèn chua, sống lá chuối khuấy lấy nước lắng, lọc để ăn uống mới đảm bảo sức khỏe chống chọi với thiên tai bão lụt.
Ông già nhìn về phía điếm hỏi tiếp:
- Vậy chứ còn cái trống bị bục một mặt ấy đã lâu chưa, sao mùa này cần nó dùng thúc trống báo nguy cấp lại vẫn để vậy?
- Dạ, bục từ dạo hội làng đầu xuân, hợp tác xã định bọc lại nhưng chắc phải đợi  vụ tháng mười này mới có tiền ...                                      
Một bà già đi chợ về trên vai toòng teng quang gánh, một bên là chiếc nơm úp cá, bên kia là mớ tép, có con còn nhảy lách tách. Chào bà già, ông già hỏi:
- Cụ ơi, giá cả cái nơm ấy bao nhiêu?
- Dạ thưa cụ, năm đồng đấy cụ ạ. Đắt chút, em mua về úp đàn gà mới nở, chống được cả chuột, rắn, chứ cái lồng bu thường có rẻ hơn nhưng lại không an toàn cho gà con, cụ ạ.
- Cụ tính thế là phải, dân ta lúc này còn khó khăn, đắt nhưng phải thực chắc bền. Thôi, chào cụ, chúng tôi đi nhé.
Ông già lên xe được một đoạn, dân làng Thống Thượng ồn ã bàn tán: “Đích thị ông già đó là Bác Hồ rồi. Cao tuổi mà đi lo việc cho dân sâu sát như thế, trông như ông tiên, ông bụt, chắc chắn đó phải là Bác Hồ…”. Dẫu biết Bác đã rời xa nhưng các cán bộ thôn, xã ai cũng chạy tới điếm canh hỏi lại anh Ngâm, anh Lễ. Anh Lễ chỉ sang anh Ngâm phân tỏ: “Tôi chỉ tranh thủ đi chợ Nội mua cái giậm một lúc, nếu không sẽ sung sướng biết chừng nào”. Còn anh Ngâm sau lúc được nói chuyện với Bác Hồ mà không hề biết thì tâm trạng cứ lâng lâng. Mọi người đùa vui: “Giả thử biết đó là Bác Hồ thì hai dân quân Thống Thượng ta lúc đó sẽ làm gì?”. Hai dân quân cùng đỏ tai lúng túng, rồi cùng phấn khích nói: “Chúng tôi sẽ hô vang: Hồ Chủ tịch muôn năm! Chúng tôi sẽ cảm ơn Bác đã đến tận thôn Thống Thượng chúng ta, sẽ hứa với Bác sẽ làm tốt điều Bác dặn và quan trọng là sẽ chúc Bác luôn mạnh khỏe để lãnh đạo đất nước”. Chỉ có bà già mua nơm úp cá thay lồng bu gà và cậu bé Nguyễn Nên bắt cua được lại gần Bác là vô tư khoe khắp làng, Nên còn được nhà nhiếp ảnh đi theo Bác chụp ảnh đưa lên báo.
Gần 60 năm qua, mặt đê sông Cầu đã được tôn cao, bê tông hóa, nhưng câu chuyện Bác Hồ về thăm đê Thống Thượng mãi còn lưu truyền, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ nơi đây.

Mai Hoàng Hanh