Lại chuyện... cổng làng

12/10/2018 08:27 View count: 16176
Kỳ II: Cổng làng cũng “đồng phục”!

Cổng làng là cửa ngõ làng. Ban đầu chỉ là công trình với mục đích bảo vệ, phòng thủ nhưng rồi dần dà trở thành biểu tượng văn hóa của làng. Dẫu vậy, cổng làng cổ ở Bắc Ninh hiện còn lại rất ít, hầu hết được xây dựng mới với vật liệu, quy mô, kiến trúc và kích thước khác nhau. Kết quả khảo sát trên địa bàn tỉnh cho thấy cổng làng đã và đang được dựng lên với nhiều sắc thái và còn có cả “đồng phục” cổng làng…

 

Huyện Quế Võ có cả trăm chiếc cổng làng dựng bằng khung kim loại (Ảnh chụp ngày 23 và 24-9-2018).

 

 

Cả huyện dựng cổng chào !
Gần đây, nhiều nơi dựng cổng làng bằng kim loại. Có làng dựng vài thanh sắt rồi trưng tên làng trên đó hoặc xây hai cái cột xi măng, quét vội một lớp vôi, trên gắn một cái biển có ghi tên làng. Trong khi có những làng xây cổng gạch theo kiến trúc tam quan, đắp hoa văn cầu kỳ, quy mô, đồ sộ...
Huyện Quế Võ thời gian này có rất nhiều cổng làng mới được dựng lên bằng khung sắt với kiểu dáng mẫu mã na ná nhau. Việc này bắt nguồn từ chính sách của huyện hỗ trợ mỗi làng 15 triệu đồng để làm cổng. Theo chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện và qua công tác tham mưu của các ngành, đơn vị chuyên môn, để tạo diện mạo nông thôn, huyện hỗ trợ 105/111 thôn, khu phố chưa có cổng chào là 15 triệu đồng/thôn (6 địa phương đã có cổng sẽ không hỗ trợ). Huyện chủ trương không đưa ra mẫu chung mà lựa chọn một số mẫu để cho các thôn, khu phố tham khảo”.
Về khắp các thôn, xã trong huyện, đến đâu chúng tôi cũng làm một cuộc khảo sát nhỏ, hỏi người dân xem họ có hài lòng với cổng làng mới dựng bằng kim loại không? Kết quả, có khoảng 70-80% người được hỏi từ cao tuổi đến trung niên, trẻ tuổi đều cho rằng họ không mấy quan tâm, có cũng được, không cũng chẳng sao. Nếu được cổng gạch sẽ tốt hơn nhưng thế thì lấy đâu ra tiền nên có vậy là tốt rồi!
 
Nhiều cổng làng ở huyện Gia Bình có kiến trúc như ảnh.

Ông Nguyễn Thế Phức, Bí thư chi bộ thôn Tân Thịnh, xã Bồng Lai (Quế Võ) giãi bày: “Thực tế, 15 triệu đồng làm sao đủ để xây cổng làng! Đó chỉ mang tính chất hỗ trợ một phần. Như cổng làng tôi khá đơn giản, hai trụ xây gạch, nóc làm khung sắt, hoàn thành cách đây mấy tháng, chi phí sơ sơ cũng gần 50 triệu đồng. Huyện không quy định mẫu cụ thể, chỉ đưa ra một số thiết kế để tham khảo nên cổng làng Tân Thịnh không theo một mẫu nào cả. Chúng tôi tham khảo kiểu dáng của nhiều mẫu và nhặt ở mỗi kiểu một ít. Từ khi hoàn thành, bà con trong thôn phấn khởi hơn vì làng có cổng, chẳng thấy ai băn khoăn gì…”.
Sở dĩ “chẳng thấy ai băn khoăn gì” và “có cũng được, không cũng chẳng sao” nên những chiếc cổng sắt, cổng gạch cứ “trăm hoa đua nở”, cái đồ sộ phô trương, cái lại đơn điệu sơ sài. Người qua kẻ lại chẳng mấy ai để ý chiêm ngưỡng? Cổng làng hóa bơ vơ, lạc lõng… Bộ mặt làng quê dẫu có đổi thay hơn một chút nhưng không phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, trở nên vô duyên, nhạt nhẽo, thiếu chiều sâu.
Tham khảo ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Quang Khải, ông cho rằng: “Dựng cổng làng là cổng làng, cổng chào là cổng chào, không thể lẫn lộn cổng chào thành cổng làng được. Bản thân ý nghĩa của hai từ này đã khác nhau. Cổng chào mang tính chất chào mừng nhân một dịp nào đó và chỉ tồn tại trong khoảng thời gian nhất định, khi sự kiện qua đi thì cổng chào không tồn tại nữa. Trong khi cổng làng mang đậm ý nghĩa văn hóa thì cổng chào lại mang tính thực dụng bình dân…”
“Phần thưởng”của Làng văn hóa
Nếu ở huyện Quế Võ có cả trăm chiếc cổng làng dựng lên bằng kim loại thì bên kia sông Đuống ở huyện Gia Bình, chúng tôi gặp hàng chục chiếc cổng làng xây gạch, kiến trúc y hệt nhau, trán cổng đều có dòng chữ: “Làng Văn hóa + tên làng” và bên dưới ghi “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Qua tìm hiểu biết rằng đó là “phần thưởng” của huyện Gia Bình tặng cho các thôn 5 năm liên tục đạt danh hiệu Làng văn hóa. Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2012, trên địa bàn huyện Gia Bình có hàng chục làng được huyện hỗ trợ xây cổng vì giữ vững danh hiệu Làng văn hóa trong 5 năm liền. Tiêu biểu như xã Cao Đức có 5/8 làng, xã Nhân Thắng có 2/4 làng… Công trình cổng làng được xây dựng theo mẫu kiến trúc với quy định rõ ràng về quy mô, kết cấu gồm 1 cổng chính  2 cổng phụ. Kích thước chiều cao, chiều rộng của cổng cho đến móng, trụ, dầm, sàn, quét vôi ve mầu, mái lợp ngói mũi hài và phần chữ viết đều được quy định rất chi tiết. Kinh phí xây dựng mỗi cổng làng như thế dao động trong khoảng 120-130 triệu đồng từ nguồn ngân sách của huyện.
 
Thôn Mộ Đạo, xã Mộ Đạo (Quế Võ) làm tốt công tác xã hội hóa để xây cổng làng (ảnh chụp ngày 23-9-2018).
 
 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Phúc, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Gia Bình cho biết: Việc xây dựng các cổng làng này được HĐND huyện họp bàn kỹ lưỡng và ban hành Nghị quyết từ năm 2007. Vì cổng làng vừa là công trình thể hiện truyền thống, nền nếp của làng xã người Việt, vừa tạo dấu ấn, khẳng định bản sắc văn hóa của địa phương nên huyện quyết định lựa chọn cổng làng để động viên, khuyến khích nhân dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Cũng nhờ có chính sách này mà việc bình xét danh hiệu Làng văn hóa ở Gia Bình thời điểm đó hết sức nghiêm túc, chất lượng. Các làng đều quyết tâm phấn đấu, thi đua sôi nổi để giữ vững danh hiệu và được huyện tặng thưởng cổng làng. Khi ấy, việc bình xét Làng văn hóa phải trải qua 4 vòng bình bầu, nghiệm thu chặt chẽ rồi so sánh đối chiếu tỉ mỉ từng tiêu chí sau cùng mới chấm điểm. Có làng duy trì được 4 năm liên tiếp nhưng đến năm cuối lại có nhiều người sinh con thứ 3 thế là bị điểm liệt, coi như mất danh hiệu… Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, việc hỗ trợ xây cổng làng đã tạm dừng”.
Lý giải nguyên nhân tạm dừng, ông Phúc thẳng thắn: “Do nguồn ngân sách tăng thu của huyện hạn chế và một số tiêu chí Làng văn hóa được nới lỏng hơn trước như dân số, thu nhập bình quân đầu người… nên tỷ lệ Làng văn hóa cũng nhiều hơn. Hiện nay, toàn huyện đang có hơn 20 làng đạt danh hiệu Làng văn hóa từ 5-10 năm liên tiếp. Chính vì thế, huyện không đủ kinh phí tiếp tục hỗ trợ”.
Vậy sau khi hàng chục chiếc cổng làng có chung một kiểu “đồng phục” kiến trúc mọc lên như thế, cơ quan chuyên môn có nhận được phản hồi gì từ phía dư luận? “Về mặt mỹ thuật kiến trúc của cổng làng thì hầu như khen ngợi và được đánh giá phù hợp. Chỉ có dư luận về vị trí, không gian xây dựng ở một số địa phương chưa hợp lý làm mất đi sự uy nghi, trang trọng của cổng làng. Một vài ý kiến khác cho rằng không nên ghi “Làng văn hóa” vì mang tính hình thức…” - Ông Phúc chia sẻ thêm.
Viết gì trên cổng làng?
Khảo sát thực tế ở hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, chúng tôi gặp rất nhiều cách viết khác nhau trên cổng làng, xin phép được liệt kê ngẫu nhiên làm dẫn chứng như: “Làng văn hóa thôn Yên Lâm”, “Làng văn hóa Đông Lĩnh”, “Làng Lim”, “Chung tay xây dựng nông thôn mới/Làng Xuân Bình”, “Thôn Văn hóa/Thôn Long Khê-xã Ngọc Xá-huyện Quế Võ”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa/Làng văn hóa Phương Độ”… Trong những cụm từ trên, cái nào hay, phù hợp, cái nào còn băn khoăn để nhờ bạn đọc đánh giá…
Thực tế, viết chữ gì trên cổng làng không phải là câu chuyện ở một địa phương mà là nỗi trăn trở, băn khoăn của hầu hết các làng có ý định xây dựng cổng. Vì là công trình của làng nên ai cũng muốn góp ý. Người cho rằng phải viết chữ Nho mới trang trọng, người thì bảo chữ Nho ai đọc, cứ viết chữ Quốc ngữ. Có ý kiến nói nhất thiết phải ghi “làng văn hóa” nhưng có người lại bảo chẳng phải viết gì. Nhiều làng chọn được chữ rồi lại có ý kiến chỉ đạo, muốn ghi chữ gì phải theo quy định hoặc được cấp trên duyệt… Thành thử, viết chữ gì, viết như thế nào trên cổng cũng tốn không ít thời gian họp bàn, thảo luận của bà con. Thậm chí có làng còn mất tiền mua chữ rồi khi gắn lên cổng vẫn có người xì xào, bàn tán...
 

 

Kiến trúc sư Lê Hải Sơn, Viện Quy hoạch Kiến trúc Bắc Ninh:
Cần sớm quy hoạch chi tiết,bảo tồn không gian làng Bắc Ninh
Quy hoạch chi tiết từng làng và đánh giá những gì cần bảo tồn trong không gian làng truyền thống là việc đầu tiên chúng tôi đề xuất khi thực hiện đề tài khoa học “Bảo tồn không gian làng trong đô thị trung tâm Bắc Ninh, giai đoạn 2017-2030”. Tuy nhiên, đề tài được phê duyệt tháng 7-2018 đến nay chưa có kế hoạch triển khai.
Làng ở Bắc Ninh ngoài những đặc trưng chung của ngôi làng vùng đồng bằng Bắc bộ còn mang những bản sắc văn hóa rất riêng của xứ Kinh Bắc xưa. Đó là làng của công hầu khanh tước, của ông Nghè, ông Trạng. Làng của hàng trăm thứ nghề thủ công. Làng của truyền thống hiếu học khoa bảng. Làng của cái nôi văn hóa, văn nghệ dân gian. Làng của xứ sở đình, chùa, lễ hội… Cho nên, cổng làng khi dựng lên phải mang đặc trưng của văn hóa làng Việt truyền thống và thể hiện được bản sắc Bắc Ninh-Kinh Bắc với kiến trúc, quy mô kích thước phù hợp thời đại”.

 


Chia sẻ với chúng tôi nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Khải thở dài: “Đúng là riêng chữ viết trên cổng làng cũng lắm chuyện hài hước! Tôi từng được người ta nhờ dịch nghĩa, viết câu đối cho cổng làng nên biết đủ những chuyện vui buồn, hay dở... Nhưng nó tế nhị và cũng không tiện kể trên báo chí, cứ hiểu rằng tương tự với câu chuyện “ở đây có bán cá con”. Khi viết chữ trên cổng làng, theo tôi không nhất thiết phải có từ “văn hóa” mà chỉ nên ghi tên làng và năm xây dựng là đủ. Với những làng có nhiều thầy đồ tốt chữ hoặc có người làm quan thì các cột trụ cổng nên có câu đối. Cổng làng muốn uy nghiêm, vững chãi phải xây bằng gạch, kích thước, kiểu dáng có thể linh hoạt để phù hợp với không gian, kiến trúc xung quanh… Mọi ứng xử với cổng làng phải hết sức nghiêm cẩn vì nó chính là bộ mặt, biểu tượng văn hóa của làng”.
Sau cái cổng làng xưa là cả một lối sống “đất lề quê thói” có nền nếp văn hóa hẳn hoi mà không cần một câu khẩu hiệu khẳng định hay phô trương. Thế nên, chẳng cần trưng biển ghi “làng văn hóa” thì thiên hạ cũng vẫn nhận ra bản chất văn hóa căn cốt của làng đó.

 

Phóng sự của Thuận Cẩm-Xuân Me