Kiểm soát, phân luồng bệnh nhân ngay từ khi đăng ký khám bệnh

02/17/2020 21:32 View count: 2813
Nhằm phát hiện sớm trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus Corona (Covid-19), cách ly kịp thời không để dịch lây lan, điều trị kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong, Bệnh viện Đa khoa tỉnh xây dựng chi tiết đáp ứng với từng cấp độ dịch Covid-19 vào điều trị tại bệnh viện và phương án cụ thể trong công tác khám, điều trị người bệnh nhiễm, nghi nhiễm Covid-19. 

Khu vực cách ly tuyệt đối đặt tại tầng 1 khoa Truyền nhiễm sẵn sàng khi có bệnh nhân dương tính với Covid-19.

 

 

Là bệnh viện đa khoa tuyến cao nhất của tỉnh với quy mô 1.000 giường bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có khả năng thu dung và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại khoa Truyền nhiễm với 70 giường bệnh, tối đa có thể kê được 100 giường bệnh. Tại Khoa Khám bệnh/Trung tâm Cấp cứu và vận chuyển 115, đơn vị thực hiện sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát, phân luồng người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19 ngay từ khi bệnh nhân đến đăng ký khám bệnh bằng việc: Đo nhiệt độ cơ thể cho tất cả các bệnh nhân đến khám có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp: sốt, ho, khó thở (đo nhanh bằng máy đo nhiệt độ hồng ngoại), khi có triệu chứng sốt, viêm đường hô hấp cấp tính phải hướng dẫn chuyển sang khám bệnh tại bàn khám truyền nhiễm tại tầng 1 nhà C1/ phòng cách ly của Trung tâm Cấp cứu và vận chuyển 115. Nếu người bệnh chưa có khẩu trang thì cấp phát miễn phí 1 khẩu trang y tế cho người bệnh tại bàn tiếp đón (có ký nhận sổ theo dõi). Trường hợp khám tại bàn khám truyền nhiễm/phòng cách ly của Trung tâm Cấp cứu và vận chuyển 115 nếu có nghi ngờ thì chuyển ngay vào khoa Truyền nhiễm để theo dõi, chẩn đoán, điều trị mà không làm các xét nghiệm cận lâm sàng tại phòng khám (cử nhân viên y tế đưa bệnh nhân đi theo 1 chiều đã quy định) đồng thời Trưởng khoa Khám bệnh/bác sĩ trực của Trung tâm Cấp cứu và vận chuyển 115 có trách nhiệm báo cáo ngay cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra của bệnh viện, nội dung yêu cầu báo cáo bao gồm: Họ tên người bệnh, tuổi, giới, dân tộc (đặc biệt là người nước ngoài/Trung Quốc); địa chỉ cư trú ở nước ngoài; địa chỉ cư trú tại Việt Nam; cơ quan/công ty làm việc tại Việt Nam; lộ trình di chuyển của người bệnh; tiền sử tiếp xúc với yếu tố dịch tễ; thời gian khởi phát bệnh; tóm tắt tình trạng hiện tại. Khi người bệnh nghi ngờ nhiễm vào khoa, khoa Truyền nhiễm bố trí ngay vào khu vực theo dõi tại tầng 2, báo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp điều tra giám sát, lấy mẫu xét nghiệm (nếu cần). Nếu người bệnh đã xác định là nhiễm nCov do tuyến dưới chuyển lên, thực hiện cách ly tuyệt đối ngay tại khu vực cách ly tầng 1 khoa Truyền nhiễm. 

 

Nhân viên y tế khoa Truyền nhiễm thực hiện nghiêm việc sử dụng trang thiết bị phòng hộ trong chống dịch Covid-19.


Theo bác sĩ CKII Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, để thường trực chống dịch Covid-19, toàn bộ nhân lực của khoa gồm 16 người luôn trong tâm lý sẵn sàng ứng phó. Tính đến hết ngày 11-2, khoa đã sàng lọc 20 ca nghi nhiễm, phần lớn các ca có yếu tố nguy cơ thấp, trong đó có 2 ca thực hiện PCR và cho kết quả âm tính. Do có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, khoa chủ động phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên. Công tác phòng hộ cho nhân viên y tế được quán triệt phải thực hiện khắt khe, đúng quy định. 
Phương án khám, điều trị người bệnh nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 vào viện điều trị tại khoa Truyền nhiễm cũng được xây dựng cụ thể tới từng tình huống. Khoa bố trí kíp y bác sĩ riêng để điều trị và chăm sóc người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19. Kíp nhân viên y tế này không tham gia điều trị, chăm sóc người bệnh khác để phòng ngừa lây nhiễm. Bảo đảm thông khí buồng bệnh ít nhất 3 lần/ 24 giờ; yêu cầu người nhà và người bệnh phải đeo khẩu trang y tế thường xuyên đồng thời hạn chế tối đa người ra vào khu cách ly. Khi có bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19 mức độ thấp (có triệu chứng nhiễm khuẩn hô hấp cấp nhưng không rõ yếu tố liên quan) thực hiện cách ly tại khu cách ly tương đối, thực hiện đúng quy định cách ly dịch bệnh; theo dõi sát các dấu hiệu lâm sàng. Khi có bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19 mức độ cao (có yếu tố dịch tễ liên quan), tiến hành cách ly tại khu vực cách ly tương đối, theo dõi sát diễn biến lâm sàng, trường hợp có chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng yêu cầu làm tại giường bệnh, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn hàng ngày: Bề mặt, chất thải, không khí, vật dụng… theo quy định. Trong tình huống có bệnh nhân dương tính với Covid-19, thực hiện nghiêm ngặt cách ly tuyệt đối tại khu khu vực cách ly (tầng 1, khoa Truyền nhiễm), điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Các xét nghiệm cận lâm sàng làm tại chỗ như: Điện tim, XQ tại giường, siêu âm, đồng thời theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu lâm sàng. Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn hàng ngày: bề mặt, chất thải, không khí, vật dụng… theo quy định. Khoa Dinh dưỡng cung cấp các suất ăn đến khoa cho nhân viên y tế trực tiếp điều trị, chăm sóc người bệnh theo quy định. Tùy theo tình hình thực tế, bệnh viện sẽ bố trí toàn bộ khoa Truyền nhiễm chỉ để điều trị bệnh nhân nghi ngờ và mắc Covid-19, các bệnh nhân không phải nhiễm khuẩn hô hấp, cúm sang khoa Nội Tiêu hóa - Thần kinh - Các bệnh máu điều trị. Người bệnh chỉ được xuất viện khi có đầy đủ 3 tiêu chuẩn sau: Hết sốt ít nhất 3 ngày, toàn trạng tốt: Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, các xét nghiệm máu trở về bình thường, XQ phổi cải thiện tốt, chức năng thận trở về bình thường. 

Việt Hoa