Kích cầu tiêu dùng từ hệ thống bán lẻ hiện đại

09/17/2019 08:35 View count: 2966
Thị trường bán lẻ trong tỉnh được đánh giá là phát triển khá mạnh. Nhất là ở phân khúc bán lẻ, kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại gia tăng về số lượng, chất lượng và đang áp dụng nhiều giải pháp để kích cầu thị trường, thu hút sức mua.

Vincom Plaza Bắc Ninh.

Trong 5 năm gần đây, nhiều Doanh nghiệp, Tập đoàn lớn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại. Trong đó, mô hình trung tâm thương mại, siêu thị phát triển mạnh về số lượng, quy mô, chất lượng như: Lanchi mart, Dabaco... với đầy đủ các khu mua sắm, ẩm thực, vui chơi đáp ứng nhu cầu của những người tiêu dùng. Tháng 9 - năm 2018 với sự hiện diện của Vincom Plaza Bắc Ninh tại thành phố Bắc Ninh có môi trường mua sắm, giải trí hấp dẫn mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho người tiêu dùng và trở thành một trong những biểu tượng kinh tế mới của thành phố.

Ngoài ra, hệ thống cửa hàng tiện ích Vinmart+ cũng không ngừng gia tăng về số lượng, chất lượng và dịch vụ được phân bố tại khu vực trung tâm thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn góp phần kiến tạo nên thị trường bán lẻ hiện đại.
Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương, cuối năm 2011,  toàn tỉnh có 8 siêu thị, 25 cửa hàng tiện ích, đến nay tăng lên 3 trung tâm thương mại, 21 siêu thị, 85 cửa hàng tiện ích với nguồn hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Ngoài ra, tại thành phố Bắc Ninh còn hình thành 2 tuyến phố chuyên doanh thời trang và vàng bạc đá quý.
Tại các KCN hình thành thêm các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại phục vụ bán buôn, xuất, nhập khẩu như trung tâm bán buôn quốc tế, trung tâm logistics... với quy mô khá lớn, năng lực bảo đảm yêu cầu hậu cần khu vực các tỉnh phía Bắc, vùng lân cận. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ không ngừng tăng trưởng, giai đoạn 2011 - 2016 tăng bình quân 18,36%/năm; giai đoạn 2016 - 2018 tăng 16,5%/năm. Con số này cho thấy, quy mô và động lực thị trường bán lẻ phát triển tốt.
Tuy nhiên, hoạt động thương mại còn hạn chế, chưa thật sự trở thành cầu nối có hiệu quả giữa sản xuất và tiêu dùng. Chưa có hệ thống hạ tầng thương mại bán buôn lớn như chợ đầu mối nông sản, số lượng trung tâm thương mại và siêu thị lớn tập trung ở thành phố, thị xã, số lượng còn hạn chế. Các nhà phân phối (Unilever, P&G) chủ yếu làm nhiệm vụ trung gian. Trung tâm bán buôn ATC vẫn đang trong giai đoạn triển khai dự án; Phương thức quản lý kinh doanh của phần lớn các cơ sở kinh doanh thương mại vẫn theo kiểu truyền thống...

Siêu thị Lanchi mart ở thị trấn Hồ (Thuận Thành).

Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 4 trung tâm thương mại, 38 siêu thị, 152 cửa hàng tiện ích; Tầm nhìn 2030, có 7 trung tâm thương mại, 55 siêu thị, 175 cửa hàng tiện ích và 23 trung tâm logistics, kho hàng; 100% cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ (hạn chế người tiêu dùng thanh toán bằng tiền mặt) và thanh toán qua các phương tiện điện tử; Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020 tăng 15,1%/năm; Tăng tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thông qua tổ chức thương mại theo hướng văn minh, hiện đại trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh lên mức 50% vào năm 2025.
Để thực hiện mục tiêu đó, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của ngành chức năng, các địa phương trong xây dựng, quản lý quy hoạch; Tổ chức thực hiện các chính sách về đầu tư phát triển hạ tầng thương mại; Tranh thủ các nguồn lực, cải thiện hạ tầng giao thông nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại; Khuyến khích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; Cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại bán lẻ; Đa dạng hóa các kênh phân phối, bảo đảm vận hành tốt các kênh trực tiếp và phát triển mạnh thương mại điện tử… đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng hiện đại của người dân và thúc đẩy sản xuất phát triển.

Thanh Ngân