Dân số ổn định-xã hội phồn vinh

09/21/2018 06:00 View count: 698
Những năm qua, tại Bắc Ninh công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (Dân số-KHHGĐ) đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ tại các cơ sở y tế.
 

Quy mô gia đình ít con được chấp nhận rộng rãi, tình trạng sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản được cải thiện rõ rệt.  Năm 2017, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,25%; 100% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, tỷ lệ giới tính khi sinh được khống chế và giảm mạnh còn 117,6 trẻ trai/ 100 trẻ gái, chất lượng dân số từng bước được cải thiện.

 Hiện nay, tại Bắc Ninh  mức giảm sinh có giảm nhưng chưa bền vững, có sự khác biệt giữa các địa phương và có nguy cơ tăng sinh trở lại: Giai đoạn 2010-2015, Bắc Ninh khống chế được tốc độ gia tăng dân số nhanh để phấn đấu đạt mức sinh thay thế (tổng tỷ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ). Tỷ lệ sinh con thứ 3 ngày càng tăng cao. Năm 2011 là 14% đến năm 2017 tăng lên 18,2%. 6 tháng đầu năm 2017 có 1773 trẻ sinh là con thứ 3 trở lên tăng 301 cháu so với cùng kỳ. Đáng lưu ý là  số sinh con thứ 3 tập trung chủ yếu vào những gia đình có điều kiện kinh tế, gia đình sinh con một bề, trong đó có cả cán bộ đảng viên, công chức, viên chức. Nguyên nhân cơ bản là nhiều người đang hiểu nhầm về chính sách dân số, cho rằng được “đẻ thoải mái”. Tâm lý “đẻ dự phòng” khi đời sống xã hội phức tạp và tai nạn giao thông gia tăng cũng khiến công tác tuyên truyền về chính sách dân số thêm khó khăn.
Tỷ số giới tính khi sinh mặc dù có giảm song vẫn đang ở mức báo động với 117,6 bé trai/100 bé gái. Riêng 6 tháng đầu năm tỷ số giới tính khi sinh là 112,4 trẻ trai/100 trẻ gái, giảm 32 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Với tỷ số này, Bắc Ninh vẫn là một trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh. Đây đang là một vấn đề mà xã hội quan tâm, sự mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây ra những khó khăn, thách thức lâu dài đối với công tác dân số, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội, ảnh hưởng đến gia đình và cộng đồng.
Già hoá dân số cũng là một trong các vấn đề thách thức. Tính đến thời điểm 31-12-2017 số người độ tuổi từ 60 tuổi trở lên là gần 143.508 người, chiếm khoảng 11,55% tổng dân số. Năm 2017 Bắc Ninh ở giai đoạn “già hoá dân số”, đồng nghĩa với tuổi thọ người dân được nâng cao, đó là thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định tính ưu việt của chế độ, mà trực tiếp là công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác Dân số - KHHGĐ. Nhưng già hóa cũng đang đặt ra thách thức lớn như: nhận thức, hành vi của người dân chưa thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số”; Hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi; Hệ thống an sinh xã hội còn nhiều bất cập, chưa thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số”... Riêng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn hạn chế như: chưa có Bệnh viện Lão khoa, bệnh viện tuyến tỉnh chưa có khoa Lão, thiếu nhân lực chuyên khoa về Lão khoa, việc phổ biến kiến thức về Lão khoa còn hạn chế..
Bên cạnh đó các nguồn lực đầu tư cho công tác dân số đang bị cắt giảm, thiếu kinh phí, thiếu phương tiện tránh thai, các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/KHHGĐ chưa kịp thời nên sẽ có những ảnh hưởng tới các chỉ tiêu về Dân số-KHHGĐ. Chất lượng dân số đang dần được cải thiện nhưng vẫn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Các mô hình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, mô hình tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân... hiệu quả chưa cao do nguồn lực đầu tư thấp, một số hoạt động dịch vụ thiếu phương tiện, khó về chủ trương, giá dịch vụ...
Trong thời gian tới, để giải quyết những thách thức trong công tác Dân số - KHHGĐ các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về Dân số - KHHGĐ phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng khu vực; Tổ chức triển khai Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đến xã đông dân và xã có mức sinh cao; triển khai thực hiện Đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 - 2020; Đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ KHHGĐ ngày càng phong phú và thuận tiện…

Lê Hồng