Cùng nông dân hội nhập

09/11/2019 07:41 View count: 5147
Mặc dù Bắc Ninh đang có sự phát triển công nghiệp nhanh chóng, nhưng nông nghiệp vẫn được coi là thành phần kinh tế nòng cốt tại các vùng nông thôn. Giữ vai trò tổ chức đại diện của lực lượng đông đảo tới gần 170.000 hội viên, Hội Nông dân tỉnh chủ động đổi mới nhiều giải pháp để hỗ trợ nông dân tự tin gia nhập các sân chơi lớn.

Theo ông Trần Đăng Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, một trong những nội dung quan trọng đầu tiên chính là phải nâng cao trình độ, kiến thức, hiểu biết xã hội, năng lực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho người nông dân. Giữa lúc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang len lỏi vào từng lĩnh vực đời sống, sản xuất, việc tổ chức cho nông dân học tập, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đặc biệt là ứng dụng những thành quả của nền nông nghiệp thông minh là rất cần thiết. Xác định được nhiệm vụ đó, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức được 357 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt; hướng dẫn thực hiện biện pháp tiêu trùng, khử độc môi trường, phòng, chống dịch bệnh thu hút 23.542 lượt hội viên tham gia. Tổ chức 31 lớp tập huấn cho 1.860 hội viên nông dân về phương pháp sử dụng phân bón, phân bón hữu cơ. Cùng với các đơn vị doanh nghiệp tư vấn hỗ trợ nông dân đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài, mở 11 lớp đào tạo các nghề tiểu thủ công nghiệp tại chỗ…
Bám sát chủ trương chuyển đổi cơ cấu các giống cây, con theo hướng có giá trị kinh tế cao, Hội Nông dân tỉnh khuyến khích, động viên nông dân xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, tăng cường mối liên kết 6 nhà, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh có sẵn, Hội Nông dân các cấp định hướng cho hội viên nông dân xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp; các mô hình kinh tế điểm để tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm. Chẳng hạn chương trình phối hợp với Văn phòng Nông thôn, miền núi-Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo hướng VietGap tại Bắc Ninh”. Tổ chức cho nông dân tham gia thực hiện đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2018-2020”. Tích cực cung cấp thông tin thị trường nông sản, hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ các thương hiệu khoai tây Quế Võ, gà Hồ Thuận Thành, mây tre đan Xuân Lai…

 

Mô hình trồng ớt xuất khẩu tại thị trấn Gia Bình do Hội Nông dân huyện Gia Bình tổ chức triển khai.


Nhằm đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, kết nối cung-cầu, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với doanh nghiệp cung ứng 720 tấn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho hội viên sản xuất, trong đó, có hơn 420 tấn phân bón thực hiện theo hình thức trả chậm. Phối hợp với Hội Nông dân thành phố Hà Nội ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2019-2023 tăng cường giao lưu hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu, tiêu thụ nông sản. Thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tại trụ sở cơ quan Hội Nông dân tỉnh tiếp tục duy trì Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp an toàn. Ngoài ra là các chương trình tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc…
Kết quả, đến nay, có 90.650 hộ phấn đấu đăng ký tham gia nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Toàn tỉnh hình thành 24 mô hình sản xuất lúa, rau, cây ăn quả, hoa VietGap hoặc ứng dụng công nghệ cao; 60 vùng sản xuất tập trung, 167 vùng nuôi cá thâm canh quy mô từ 10ha trở lên. Không chỉ tham gia các chuỗi tiêu thụ sản phẩm trong nước, nhiều mô hình sản xuất nông dân còn xuất khẩu trực tiếp đi các nước Nhật Bản, Đài Loan như mô hình trồng cà rốt của ông Nguyễn Văn Linh xã Cao Đức, Gia Bình; trồng ớt xuất khẩu tại HTX dịch vụ nông nghiệp thị trấn Gia Bình, HTX dịch vụ nông nghiệp thôn Ngăm Mạc (Lãng Ngâm), HTX dịch vụ nông nghiệp Đình Bảng, Từ Sơn và một số trang trại chăn nuôi gia công cho Tập đoàn quốc tế CP…
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ người dân về kiến thức và nguồn vốn để có thể áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới. Nhằm xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, các cấp Hội vận động nông dân áp dụng cùng 1 quy trình kỹ thuật, cho ra sản phẩm đồng nhất về chủng loại, kích cỡ, bảo đảm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đa dạng hóa các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước và quốc tế. Mục tiêu cuối cùng là thay đổi tư duy, nâng cao năng lực, giúp nông dân thêm quyết tâm hội nhập và không bị tụt hậu so với các lực lượng lao động khác.

Song Giang