Coi trọng việc bảo vệ di tích trước sự tàn phá của thời gian

06/14/2019 10:02 View count: 4057
Những giá trị quý báu mà tiền nhân để lại ở các di tích với kiến trúc rêu phong cổ kính hay những mảng chạm khắc tinh xảo trên gỗ, đá chính là căn cước văn hóa giúp hậu thế nhận diện ra bản sắc người Việt. Ý thức sâu sắc giá trị to lớn, nhiều mặt ấy của di sản, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những năm qua tỉnh Bắc Ninh đạt được những thành tựu nhất định trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, giúp bảo vệ hàng trăm di tích tránh nguy cơ bị hủy hoại…

Trong quá trình tu bổ, tôn tạo khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương vẫn bảo tồn được cây cổ thụ. 

Dẫn ra một số bài học kinh nghiệm về tu bổ di tích ở Bắc Ninh với những điểm sáng tiêu biểu như đình Đình Bảng (Từ Sơn), chùa Phật Tích (Tiên Du), chùa Dạm (thành phố Bắc Ninh)… PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam nhiều lần khẳng định và đánh giá cao thành tựu mà Bắc Ninh đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích nói riêng. Ví dụ, đình làng Đình Bảng là một trong những điểm sáng mà nhiều địa phương đến tham quan, học tập. Được thiết kế và thi công bởi một đơn vị chuyên ngành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên sau khi tu bổ, đình làng Đình Bảng vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc cổ kính với hàng trăm mảng chạm khắc phong phú, sinh động. Đặc biệt, hệ thống sàn gỗ của ngôi đình vẫn được bảo quản trong tình trạng kỹ thuật chắc chắn. Có thể thấy, hầu như tất cả yếu tố gốc cấu thành di tích đều được trân trọng bảo quản mà di tích vẫn đáp ứng tốt nhu cầu xã hội hiện đại đặt ra. Đây cũng là không gian văn hóa công cộng đáng nghiên cứu và kế thừa cho việc tạo lập các không gian văn hóa công cộng hiện đại ở các khu cư dân cũng như đô thị đang hình thành và phát triển…

Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn, từ năm 1997 đến năm 2018, từ nguồn kinh phí hỗ trợ tu bổ chống xuống cấp di tích của Trung ương và của tỉnh đã đầu tư hơn 82 tỷ đồng để hỗ trợ chống xuống cấp cho 389 di tích trên địa bàn tỉnh (chưa tính các di tích trọng điểm được đầu tư kinh phí theo đề án, dự án riêng). Ngoài ra, nhân dân các địa phương tự nguyện đóng góp, huy động xã hội hóa hàng nghìn tỷ đồng để trùng tu tôn tạo di tích, tiêu biểu như: Chùa Dạm (thành phố Bắc Ninh) huy động hơn 200 tỷ đồng, đình Chi Hồ (Tiên Du) có hơn 20 tỷ đồng từ xã hội hóa, chùa Cung Kiệm (Quế Võ) nguồn xã hội hóa là hơn 17 tỷ đồng, đình Đoan Bái (Gia Bình) hơn 10 tỷ đồng…
Trong những năm qua, một số di tích tiêu biểu nhận được tiền công đức của các nhà hảo tâm từ khắp mọi miền đất nước với nguồn kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng, tiêu biểu như chùa Phật Tích, đền Đô, chùa Dạm, đình đền chùa Đồng Kỵ... Hoặc như cụm di tích đình, đền, chùa Tướng Quốc (Yên Phong) được Tập đoàn Hanaka công đức hàng trăm tỷ đồng để trùng tu tôn tạo…
Tính riêng giai đoạn 2010-2018, có 163 lượt di tích được trùng tu, tôn tạo bằng các nguồn vốn nhà nước và xã hội hóa. Trong đó, các di tích trọng điểm được đầu tư tu bổ, tôn tạo theo đề án, dự án từ nguồn ngân sách của tỉnh như: Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, chùa Bút Tháp, lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, chùa Dạm, đền Cao Lỗ Vương, đền Hàn Thuyên… với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.
Giới chuyên môn đánh giá, việc trùng tu tôn tạo di tích ở Bắc Ninh thời gian qua được thực hiện nghiêm các bước theo đúng quy định từ xin chủ trương, thiết kế cơ sở, thiết kế dự án đến thỏa thuận và thi công. Nhận thức của chính quyền và người dân địa phương về công tác trùng tu tôn tạo di tích ngày càng được nâng cao, giảm đáng kể trường hợp trùng tu sai phép và luôn có sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng dân cư địa phương. Hoạt động trùng tu tôn tạo luôn nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao từ phía các tầng lớp nhân dân địa phương, sự hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa từ nhiều tổ chức, cá nhân với nguồn kinh phí xã hội hóa lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, giúp bảo vệ hàng trăm di tích tránh được nguy cơ bị hủy hoại, trong đó, nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng đã được kịp thời tu bổ. Đáng kể là, nguyên tắc bảo tồn yếu tố gốc khi tiến hành trùng tu di tích cũng luôn được chú trọng. Những di tích trọng điểm do nhà nước đầu tư kinh phí đều được thi công bởi các đơn vị có năng lực chuyên môn trong hoạt động tu bổ di tích. Nhờ vậy, những yếu tố về giá trị lịch sử, giá trị mỹ thuật, kiến trúc mà tiền nhân để lại vẫn được bảo vệ để truyền lại cho đời sau.

Đình làng Đình Bảng, sau khi được tu bổ, tôn tạo vẫn giữ nguyên các yếu tố gốc với hàng trăm mảng chạm khắc tinh xảo.


Bắc Ninh là tỉnh giàu có về di sản văn hóa, trong đó số lượng di tích khá lớn và phong phú loại hình, khởi dựng từ lâu đời, chủ yếu được làm bằng vật liệu gỗ. Trải qua nhiều triều đại, các di tích cũng đều được trùng tu tôn tạo nhưng khó mà bền vững vĩnh cửu. Thực tế, nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng, báo hiệu nguy cơ đổ sập và rất có thể bị hủy hoại hoàn toàn nếu như không được kịp thời tu bổ tôn tạo. Cho nên, việc đầu tư chống xuống cấp di tích, nhất là các dự án tu bổ, tôn tạo tổng thể di tích luôn được đặt ra. Tuy rằng, trong quá trình trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích không thể tránh khỏi những vấn đề sai lệch cần tiếp tục tìm ra giải pháp tối ưu song cũng không vì thế mà phủ nhận kết quả của một hoạt động đặc thù quan trọng và phức tạp này.

Bài, ảnh: Thuận Cẩm