Chung tay bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại

12/14/2018 08:23 View count: 1784
Thời gian gần đây, dư luận lại “nóng lên” bởi hàng loạt vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên cả nước bị phát giác. Tại Bắc Ninh, theo thống kê của lực lượng chức năng, trong năm 2018 toàn tỉnh phát hiện 10 trường hợp trẻ em bị xâm hại, lạm dụng. Hơn bao giờ hết, sự an toàn của trẻ thật mong manh trong đó có trách nhiệm của người lớn chưa dám lên tiếng trước các vụ việc.

Một câu chuyện đau lòng
Đã vài tháng từ ngày Trung tâm Nuôi dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh đưa em N.T.G về gia đình nhưng câu chuyện của em vẫn khiến các cán bộ công tác xã hội tại đây phải nhói lòng. Chị Lê Nguyễn Kim Thanh, trưởng phòng Công tác xã hội - Quản lý đối tượng nhớ như in ngày em được chính quyền địa phương và công an huyện Yên Phong đưa đến trung tâm để tạm trú và tư vấn phục hồi sau nhiều lần bị chính cha dượng của mình xâm hại: “Thời điểm đó cháu bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng, hầu như không dám chia sẻ gì nhiều và rất sợ hãi khi phải tiếp xúc với đàn ông. Chúng tôi phải cho cháu sống trong môi trường cách ly, quan tâm chăm sóc về sức khỏe, thể chất, lẫn tinh thần. Dần dần cháu cũng nguôi ngoai, song vết thương tâm hồn chắc khó có thể bù đắp”.
Trong vụ việc của em N.T.G, mẹ đẻ em là người chịu nhiều dằn vặt, day dứt nhất. Cũng bởi mải bươn chải với cuộc sống, chị ít có thời gian quan tâm hỏi han con, thường xuyên để con gái ở nhà một mình với cha dượng. Khi phát hiện sự việc, chị bàng hoàng, bất ngờ, phẫn uất tố cáo với các cơ quan chức năng. Trong thời gian em G tạm lánh tại trung tâm, nhiều lần đến thăm con, người mẹ đều bật khóc vì hối hận không kịp thời lên tiếng ngăn chặn ngay khi phát hiện những nguy cơ xảy ra với con mình, để sự việc xảy ra quá đau lòng.

 

Cán bộ Sở Lao động - Thương binh và xã hội truyền thông về quyền trẻ em, kỹ năng tự bảo vệ mình khỏi bị xâm hại cho học sinh trường Tiểu học Long Châu (huyện Yên Phong).

Được biết, sau một thời gian can thiệp, tư vấn ổn định tâm lý, được sự động viên của mọi người, G đã trở về gia đình, hòa nhập với cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, em sống khép kín hơn, ít nói chuyện và cũng thiếu sự tự tin hơn. Theo chị Lê Nguyễn Kim Thanh, những trường hợp trẻ em sau khi bị xâm hại thường phải chịu sự tổn thương rất lớn cả về thể chất và tinh thần. Hậu quả này sẽ kéo dài, thậm chí đến khi các em đã trưởng thành. Các em rất cần được giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời để ổn định tình cảm, tâm sinh lý. Trên hết gia đình và những người xung quanh cần thay đổi nhận thức, kịp thời phát hiện và lên tiếng bảo vệ các em.
Đừng im lặng trước các vụ việc
Theo thống kê của Công an tỉnh, trong năm 2018, cơ quan này đã tiếp nhận hồ sơ 10 trường hợp trẻ em bị xâm hại, lạm dụng, trong đó có 8 trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng bởi trên thực tế cho thấy nhiều vụ việc xâm hại trẻ em chưa được phát giác kịp thời hoặc khi phát hiện không được gia đình trình báo tới các cơ quan chức năng.
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Hương, Phó trưởng Phòng Chăm sóc, bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, nguyên nhân chính khiến tình trạng trẻ em bị xâm hại tiếp tục nhức nhối trong thời gian qua là do nhận thức của cha mẹ và cộng đồng về nguy cơ xâm hại trẻ em chưa đầy đủ. Ở nhiều gia đình cha mẹ sao nhãng, bỏ mặc con cái, ít có sự quan tâm, chia sẻ tâm tư, tình cảm. Thêm nữa, cha mẹ chưa chủ động hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để trẻ phòng tránh bị xâm hại tình dục. Hầu hết thủ phạm gây ra các vụ xâm hại là người thân, người quen biết. Khi vụ việc xảy ra thì gia đình còn giấu giếm, lo sợ cho tương lai con em mình nên không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội.
Nhằm nâng cao nhận thức của trẻ em và cộng đồng về bảo vệ trẻ em khởi nguy cơ bạo lực xâm hại, từ đầu năm tới nay, Sở Lao động - Thương binh và xã hội tổ chức 28 buổi truyền thông tại 14 trường Tiểu học với hơn 10 nghìn lượt trẻ em tham gia về nội dung quyền trẻ em, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình khỏi bị xâm hại và tệ nạn xã hội; truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bình đẳng giới, phòng tránh xâm hại và bạo lực trẻ em cho 1.400 người là phụ nữ tại doanh nghiệp và 1.200 cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác xã hội và người dân tại thôn, khu phố ở thị xã Từ Sơn, các huyện Gia Bình, Lương Tài và Quế Võ...
Bên cạnh đó, việc quản lý, phát hiện, can thiệp, trợ giúp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bóc lột, trẻ em có nguy cơ cần sự bảo vệ đặc biệt và kịp thời hơn nữa. Trong trường hợp phát hiện các vụ việc trẻ bị xâm hại, người thân cần trình báo với các cơ quan chức năng, lập tức đưa trẻ đến các địa chỉ để được tư vấn, bảo vệ khẩn cấp, trị liệu tâm lý, trợ giúp pháp lý, phục hồi... “Người bảo vệ các em tốt nhất không ai khác chính là cha mẹ và người thân trong gia đình. Các bậc phụ huynh cần phải học các kỹ năng để bảo vệ con mình, trước hết cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống, tự bảo vệ và kỹ năng dám lên tiếng của các em gái. Các nhà trường cũng cần có những chương trình, giáo trình giáo dục kỹ năng sống thực sự thiết thực, cụ thể và hấp dẫn các em”, bà Hương nhấn mạnh.
Rõ ràng, khi thấy trẻ em bị bạo lực, xâm hại, ai cũng đau lòng, nhưng điều đó sẽ là vô nghĩa nếu như tất cả không biến thành hành động. Vì vậy, các gia đình, cộng đồng xã hội phải lên tiếng để đòi công bằng, góp phần ngăn chặn bạo lực, xâm hại trẻ em. Việc xử lý các trường hợp bạo lực, xâm hại trẻ em cần phải thật nghiêm minh để làm bài học cảnh báo cho những kẻ khác. Xã hội cần phải chung tay để chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em càng sớm càng tốt.

Hoài Phương