Chủ động mọi biện pháp ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch Cúm gia cầm

02/17/2020 21:17 View count: 3161
 Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 2 ổ dịch Cúm gia cầm tại thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ, buộc phải tiêu hủy gần 9.000 con gia cầm. Đây là thách thức lớn đối với ngành chăn nuôi. Cùng với việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các địa phương gấp rút thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Cúm gia cầm, ngăn chặn nguy cơ bùng phát, lây lan trên diện rộng. 

Nhận định rõ tình hình: Thời tiết thay đổi bất thường, mưa phùn kéo dài, độ ẩm tăng cao, làm giảm sức đề kháng ở đàn vật nuôi, tạo môi trường thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển; nhu cầu sử dụng thực phẩm từ gia cầm lớn ở những tháng đầu năm nên hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm từ động vật ra vào địa bàn tỉnh tăng cao; tổng đàn gia cầm của tỉnh tăng mạnh trong thời gian diễn ra dịch tả lợn Châu Phi; người chăn nuôi chưa có ý thức tự giác thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch, tỷ lệ tiêm phòng thấp (hầu hết các hộ chăn nuôi thủy cầm chưa thực hiện tiêm phòng); khi phát hiện gia cầm ốm, chết không kịp thời báo cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương… dẫn tới nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan là rất lớn. Trước thực trạng trên, ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các Văn bản yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay các giải pháp phòng, chống dịch Cúm gia cầm với phương châm “chủ động, kịp thời, phòng là chính”. Đồng thời thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nhanh nhất các tình huống phát sinh. Ngành phối hợp với các địa phương rà soát tổng đàn vật nuôi trên địa bàn toàn tỉnh và triển khai các biện pháp tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng định kỳ và tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi thuộc diện phải tiêm phòng. Thực hiện lấy mẫu giám sát đối với bệnh Cúm gia cầm để có biện pháp xử lý triệt để ngay từ ban đầu. Thông báo kịp thời tình hình bệnh cúm đến tất cả người dân để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch.

 

Thường xuyên vệ sinh đàn gia cầm, hạn chế dịch bệnh phát sinh.


Với quan điểm không giấu dịch, không tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh nên Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tăng cường các biện pháp tuyên truyền đến người chăn nuôi về sự nguy hiểm của các loại dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là các cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhận định: Công tác khử trùng, tiêu độc, tiêm phòng vaccin đầy đủ cho đàn vật nuôi là biện pháp hàng đầu để ngăn chặn dịch bệnh và sự lây lan của dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Vì vậy, Chi cục phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện tốt các biện pháp tiêu độc, khử trùng bằng cách rắc vôi bột, phun hóa chất tại các điểm giết mổ, chợ đầu mối, cơ sở chăn nuôi… và tổ chức tiêm phòng cho tổng đàn vật nuôi xong trong tháng 2. Đồng thời hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học để phòng ngừa dịch bệnh. Phối hợp với các cơ sở Y tế khuyến cáo người dân trên địa bàn toàn tỉnh không hoang mang trước dịch bệnh, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, xuất xứ an toàn. Có như vậy mới ngăn chặn được nguy cơ dịch bùng phát.

 

Áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh trên đàn gia cầm.


Tại địa bàn huyện Quế Võ, nơi xảy ra ổ dịch ở xã Việt Thống, địa phương cũng đã có những biện pháp khoanh vùng, dập dịch một cách tốt nhất. Ông Nguyễn Bá Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Võ cho biết: Ngay sau khi có thông báo về dịch bệnh, UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với xã tổ chức tiêu hủy hơn 4.200 con gia cầm; khoanh vùng dập dịch; tăng cường công tác giám sát dịch; thành lập 3 chốt kiểm dịch liên thông với các xã lân cận; triển khai ngay Tháng tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng 100% đàn gia cầm trên địa bàn toàn huyện. Đến thời điểm này, huyện vẫn chủ động được các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan. 
Hiện tại, ngành Nông nghiệp, các địa phương đang dốc sức phòng, chống dịch Cúm gia cầm. Ông Nguyễn Công Trình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT khẳng định:  Trong tình hình thời tiết hiện nay thì dịch Cúm gia cầm tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao. Vì vậy, các địa phương cần triển khai thực hiện nghiêm túc Tháng tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường từ ngày 10-2  đến 10- 3. Ngành Nông nghiệp cũng đang tập trung hướng dẫn người chăn nuôi an toàn, thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh thú y, lựa chọn con giống rõ nguồn gốc và tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin nhằm tạo miễn dịch chủ động, nâng cao sức đề kháng với dịch bệnh cho đàn vật nuôi, kiên quyết không để xảy ra hiện tượng dịch chồng dịch trong bối cảnh hiện nay.

Bài, ảnh: Hoài Anh