Cho những cung đường an toàn, thông suốt

11/13/2018 09:06 View count: 1098
 Sau hơn 21 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh đã trở thành một trong những tỉnh năng động và phát triển bậc nhất cả nước với nhiều thành tựu quan trọng đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt với sự đầu tư của T.Ư và của tỉnh, Bắc Ninh hiện có mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trọng điểm phía Bắc. Đây là điều kiện rất thuận lợi để tỉnh đẩy nhanh công cuộc phát triển, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, song cũng đặt ra nhiệm vụ cấp thiết về bảo đảm ATGT, cho những cung đường an toàn, thông suốt vì mục tiêu phát triển bền vững.

KỲ I- HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG TỪ TAI NẠN GIAO THÔNG

Tai nạn giao thông (TNGT) từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của biết bao gia đình, người dân, để lại nhiều hệ lụy cho xã hội. Trong cuộc sống hàng ngày, những hậu quả khôn lường của TNGT khiến ai ai cũng phải trăn trở suy nghĩ về những hành động, việc làm mỗi khi tham gia giao thông.
 

 

Bắc Ninh là địa phương có hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại đáp ứng tốt sự phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của người dân.
 

 
TNGT - Những nỗi đau ở lại
Mới đây, chúng tôi có dịp về xã Thanh Khương (Thuận Thành), địa bàn từng xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng. Gần 2 tháng trôi qua nhưng vụ tai nạn vẫn ám ảnh nhiều người nơi đây.  Khoảng 13 giờ 5 phút, ngày 12-9, tại Km 8 + 900 Quốc lộ 17 qua địa phận xã Thanh Khương xảy ra vụ TNGT thương tâm giữa xe ô tô đầu kéo BKS: 50LD-003.28, kéo theo sơ mi rơ móc 50R- 015.77 do lái xe Nguyễn Văn Minh (SN 1985, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), điều khiển hướng từ Hà Nội về ngã tư Đông Côi va chạm với xe máy Air Blade BKS: 99F1-347.25 đang di chuyển cùng chiều do em Hoàng Thế Phong (SN 1999, trú tại xã Nguyệt Đức, Thuận Thành) điều khiển, phía sau có chở theo em gái ruột là Hoàng Thị Lan (SN 2005). Vụ tai nạn khiến em Lan tử vong tại chỗ, anh Hoàng Thế Phong bị thương nặng… Qua tìm hiểu được biết, hôm xảy ra vụ tai nạn thương tâm ấy cũng chính là ngày giỗ đầu mẹ của hai nạn nhân. Sau khi làm giỗ cho mẹ xong, tranh thủ buổi trưa, Phong chở em gái ra khu vực ngã tư Dâu để mua cặp sách nhưng không may gặp nạn. Cái chết của em Lan để lại nỗi đau vô bờ bến đối với gia đình, người thân, bạn bè và những người chứng kiến vụ việc.
 
Thành viên Ban ATGT tỉnh thăm hỏi, tặng quà gia đình nạn nhân Nguyễn Trọng Hùng (Hoài Thượng, Thuận Thành).

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2017 toàn quốc xảy ra 20.080 vụ, làm chết 8. 279 người, bị thương 17.040 người, bình quân mỗi ngày có khoảng 23 người tử vong do TNGT. Riêng tại Bắc Ninh, từ đầu năm đến hết tháng 10 năm nay, toàn tỉnh đã xảy ra 89 vụ TNGT, làm chết 68 người, bị thương 34 người. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 2 vụ, giảm 6 người chết, giảm 2 người bị thương. Riêng tháng 10-2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ TNGT đường bộ làm chết 6 người, bị thương 10 người. So với tháng 9 không tăng giảm số vụ, số người chết nhưng tăng 6 người bị thương…
Những con số khiến ai cũng phải giật mình, đau sót bởi những hệ lụy khôn lường. Tính mạng con người là trên hết, ấy vậy mà hàng ngày trên các cung đường vẫn có những cái chết thương tâm, những người trở thành tàn tật vì TNGT, vẫn có những gia đình mất đi người thân, có nguy cơ đói nghèo, thậm chí trở nên khốn đốn, cùng cực vì TNGT. Và tất nhiên, cộng đồng, xã hội cũng chịu ảnh hưởng, tổn thất nghiêm trọng của tình trạng TNGT.
Mới đây, chúng tôi có dịp cùng Ban ATGT tỉnh đến thăm, động viên và chia sẻ mất mát với các gia đình có người thân tử vong vì TNGT tại một số địa phương. Mỗi trường hợp, mỗi gia đình là một hoàn cảnh khác nhau song tất cả đều cùng nỗi đau thương do TNGT mang đến và cuộc sống của gia đình họ hôm nay đang gặp rất nhiều khó khăn như trường hợp chị Nguyễn Thị Hiền, SN 1993 (Cảnh Hưng, Tiên Du). Từ ngày anh Nguyễn Bá Hòa chồng chị mất do TNGT, chị phải bươn chải một thân, một mình nuôi dạy 2 con nhỏ, nên kinh tế gia đình gặp không ít khó khăn, thiếu thốn… Hay như trường hợp của ông Trần Văn Sa, sinh năm 1954 (Lạng Khê, Tân Lãng, Lương Tài) đã khó khăn về kinh tế nay gia đình lại liền một lúc mất đi hai người thân (con gái và con dâu) trong cùng một vụ tai nạn xảy ra trên Tỉnh lộ 284, đoạn qua xã Quảng Phú (Lương Tài)…
Trước sự mất mát của nạn nhân TNGT, hằng năm nhân dịp Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT (Chủ Nhật, tuần thứ 3 của tháng 11), các cấp, ngành trong tỉnh và toàn xã hội đều có những hoạt động thiết thực quan tâm giúp đỡ, tặng quà những gia đình có nạn nhân tử nạn vì TNGT gặp khó khăn. Việc làm thiết thực ấy không chỉ nhằm xoa dịu nỗi đau, chia sẻ mất mát, khó khăn với những gia đình có người tử nạn vì TNGT mà còn là sự cảnh báo cho toàn xã hội về thảm họa TNGT, các nguyên nhân và nguy cơ gây TNGT, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT.
Bởi đâu nên nỗi?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, cả chủ quan và khách quan, trong đó, nổi bật là nguyên nhân chủ quan xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông còn rất hạn chế, dẫn đến tình trạng vi phạm về ATGT vẫn không ngừng gia tăng như một căn bệnh trầm kha khó chữa. Biểu hiện của tình trạng này có rất nhiều: Từ việc chạy quá tốc độ, lấn làn, vượt đèn đỏ, vi phạm về người và phương tiện tham gia giao thông, đến việc sử dụng rượu bia trước khi tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm, chạy hàng hai, hàng ba…
Theo Thiếu tá Nguyễn Thanh Hiên, Đội trưởng Đội tuần tra, kiểm soát giao thông (Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh) thì từ thực tế cho thấy nguyên nhân chính của các vụ TNGT đều xuất phát từ ý thức người điều khiển, phổ biến nhất là do chạy quá tốc độ, lấn làn, uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện…
 
Cảnh sát giao thông Yên Phong kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe tại tỉnh lộ 295.
 

Trong 13 vụ TNGT trong tháng 10-2018 trên địa bàn tỉnh chủ yếu do xe ô tô gây ra, trong đó nguyên nhân chính xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Có mặt tại khu vực cổng Trường THPT Hoàng Quốc Việt (đường Đấu Mã, thành phố Bắc Ninh) vào giờ tan học, chúng tôi nhận thấy vẫn có tình trạng học sinh sử dụng xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Mặc dù biết quy định về đội mũ bảo hiểm, nhà trường cũng thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở xong vẫn có những học sinh vi phạm vì cho rằng nhà gần, ngại đội, mất tính thời trang… Nhiều em còn đi hàng 2, hàng 3 cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ TNGT, bởi đường Đấu Mã thường xuyên có rất nhiều xe tải chở hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng... chạy qua. Cách đấy không xa, cổng Trường Tiểu học Thị Cầu nằm trên đường Hoàng Quốc Việt vào đầu giờ sáng hay giờ tan trường, tình trạng phụ huynh đỗ xe trên vỉa hè, tràn cả xuống lòng đường chờ đón học sinh, nhiều khi gây ùn tắc cục bộ. Tình trạng trên cũng khá phổ biến tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh…
Cũng do ý thức của người dân chưa cao nên trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều điểm bức xúc về trật tự ATGT, gây nguy cơ cao về TNGT. Nổi bật là tại các khu vực đường quanh các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, thường có tình trạng vi phạm với các lỗi phổ biến như: Người đi xe máy, đi bộ sang đường không đúng nơi quy định; các phương tiện chạy lấn đường, lấn làn, quá tốc độ quy định; xe khách đón, trả khách không đúng nơi quy định; sử dụng xe công nông đã bị cấm hoạt động để chở hàng… Đặc biệt, nhiều địa phương ven tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ để xảy ra tình trạng vi phạm hành lang ATGT, gây ùn tắc và nguy cơ TNGT rất cao, như khu vực ngã tư Dâu (Thuận Thành); thị trấn Thứa (Lương Tài); trên đường Tỉnh 295, thị trấn Chờ (Yên Phong); phường Phù Khê, Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn)… Tại chợ Phủ, thị trấn Phố Mới (Quế Võ), do nằm sát Quốc lộ 18 nên mỗi lần họp chợ lại diễn ra tình trạng bày bán hàng ngay trên vỉa hè, ven đường, nhiều người mua còn dừng, đỗ xe ngay dưới lòng đường. Anh Vũ Xuân Sơn ở Gia Bình, lái xe Taxi cho biết: “Nhiều lần đi qua khu vực này tôi bị giật mình vì người dân sang đường không quan sát, rất dễ gây tai nạn. Được biết khu vực này cũng đã từng xảy ra những vụ TNGT…”.
“Tính mạng con người là trên hết”, ai tham gia giao thông cũng đều mong muốn “đi đến nơi về đến chốn” song vẫn có những người vì chủ quan, thậm chí xem thường nên cố tình vi phạm quy định về ATGT, gây ra những vụ TNGT nghiêm trọng, để lại hậu quả đau xót về người và tài sản cho gia đình và xã hội. Bởi vậy, thông điệp “An toàn giao thông - Hạnh phúc của mọi người, mọi nhà” từ lâu đã được các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, song vấn đề quan trọng là cùng với sự nỗ lực, quyết liệt đó thì mỗi người dân cần nêu cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ đúng quy định, thực hiện tốt văn hóa giao thông. Nếu mọi người đều như vậy, chắc chắn sẽ hạn chế tối đa TNGT xảy ra, sẽ không còn phải chứng kiến hàng ngày những vụ việc đau lòng trên mỗi cung đường và đó chính là nhân tố góp phần để xã hội an toàn, văn minh, phát triển bền vững.

  (Còn nữa)
Kỳ 2: Xóa đi những bất cập

 

Lê Đại - Đức Quý - Nguyên Phương