Câu Quan họ nặng nghĩa ơn thầy

11/16/2018 09:12 View count: 3929
Với ý nghĩa chủ đạo thể hiện sự tri ân và tôn vinh nghề giáo, chương trình biểu diễn Dân ca Quan họ trên thuyền số tháng 11 có chủ đề “Về Thiên Thai” diễn ra vào 20h tối thứ Bảy (17-11) tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh) tiếp tục gửi đến công chúng khán giả những làn điệu Dân ca Quan họ ngọt ngào, tha thiết nghĩa tình.

Chương trình là tấm lòng “tôn sư trọng đạo” mà cộng đồng Quan họ muốn dành tặng những “người lái đò thầm lặng” luôn tận tụy ươm mầm cho tương lai và kiến thiết những “công trình” đặc biệt cho quê hương, đất nước.

“Về Thiên Thai” là chủ đề chương trình biểu diễn Dân ca Quan họ trên thuyền tối 17-11 tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh).

Vẫn giữ nguyên kết cấu với thời lượng 80 phút được tường thuật trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh, đêm diễn xướng Dân ca Quan họ trên thuyền số này mở đầu bằng tiết mục hòa tấu nhạc cụ “Nét quê”. Tiếp đến là phần hát đối đáp “Em là con gái Bắc Ninh” và “Tôi là con giai Bắc Ninh” tại khu vực sân khấu nổi. Chương trình biểu diễn dưới thuyền ngoài các làn điệu Dân ca Quan họ cổ như: Nam nhi, Đôi bên bác mẹ cùng già, Thân lươn bao quản lấm đầu,  Lý Thiên Thai, Trèo non lội suối, Ba sáu  thứ chim, Gọi đò, Chia rẽ đôi nơi - Người ở đừng về… còn có một số tiết mục mang âm hưởng Dân ca Quan họ với ý nghĩa tôn vinh các thầy giáo, cô giáo nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) là: Cô giáo em, Làng Quan họ quê tôi, Ngẫu hứng giao duyên… Đáng chú ý, trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra nghi thức trao ô tô cho Trung tâm đào tạo bóng chuyền và phần giao lưu, tương tác với Hoa hậu Hoàn cầu 2017 Đỗ Trần Khánh Ngân.

Như thường lệ, đêm diễn xướng Quan họ trên thuyền tối 17-11 cùng với trọng tâm là phần biểu diễn Quan họ ở hồ Nguyên Phi Ỷ Lan còn có các hoạt động văn hoá nghệ thuật diễn ra quanh khu vực lân cận như: Biểu diễn múa rối nước Đồng Ngư, trưng bày giới thiệu sách tại Thư viện tỉnh; trưng bày chuyên đề “Ngô Gia Tự - Người chiến sĩ Cộng sản lỗi lạc” tại Bảo tàng tỉnh; biểu diễn nghệ thuật đường phố, các trò chơi dân gian, những gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống… Ban tổ chức đang gấp rút hoàn thiện chu đáo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, âm thanh, ánh sáng, đặc biệt công tác an ninh trật tự được tăng cường để chương trình diễn ra thành công.
Tháng 11 này, chắc hẳn ai ai cũng đều thấy nôn nao, hướng về thầy cũ, trường xưa với lòng biết ơn thầy cô đã tận tâm dìu dắt, dạy dỗ chúng ta thành người. Có câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, nghĩa đen là “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Sự học đến với mỗi người có thể rất dài. Từ bậc mầm non đến Đại học, Sau Đại học, từ trường phổ thông đến trường nghề, trường đời… ở đó có những người thầy, người bạn gắn bó và mang đến cho chúng ta chuỗi kỷ niệm tuyệt vời in sâu trong ký ức. Với khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn nói về những người thầy luôn đau đáu, dốc lòng dốc sức truyền dạy, gìn giữ Di sản văn hóa Quan họ.
Nói về sức sống của Quan họ hôm nay không thể không nói đến lớp người đã góp công nối lại mạch nguồn và “hồi sinh” Dân ca Quan họ trong những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước. Những cái tên như cố nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi, nghệ sỹ Nguyễn Đức Siêu, nguyên Trưởng Ty Văn hóa Lê Hồng Dương, nhà nghiên cứu Quan họ Trần Linh Quý… là những người tận tâm tận lực đưa mạch nguồn di sản quý báu của quê hương sống lại và lan tỏa. Tuy đã về với tiên tổ song cộng đồng Quan họ vẫn luôn nhớ về họ như những người thầy, những “ông trùm Quan họ mẫu mực”. Họ được xem như những người “khai sinh Quan họ lần thứ 2” và xác định hướng phát triển đúng đắn cho Quan họ trong giai đoạn mới. Kể về những nhân vật quan trọng này, nhà nghiên cứu Quan họ Lê Danh Khiêm - người được ví như “cuốn từ điển sống” về Quan họ luôn bày tỏ lòng ngưỡng mộ, kính trọng trước công lao to lớn của các bậc tiền bối. Ông Khiêm khẳng định: “Đó là lớp người đã đặt những viên gạch đầu tiên tiếp nối mạch nguồn Quan họ đến hôm nay. Họ xứng đáng được ghi nhận và tôn vinh…”.

Các Nghệ nhân, liền anh, liền chị giỏi nghề chơi chính là những “giáo viên Quan họ”.
Trong ảnh: Nghệ nhân Quan họ Nguyễn Thị Thềm giảng giải cho học sinh về lề lối, phong cách ứng xử của người Quan họ.

 

Tôi vẫn thường nghe các bạn diễn viên trẻ ở Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh gọi NSND Thúy Cải, Thúy Hường rồi NSƯT Lệ Ngải, Quý Tráng, Khánh Hạ, Hải Xuân… là thầy giáo, cô giáo. Khi trò chuyện với các nghệ sĩ gạo cội ấy lại thấy họ nhận mình là học trò của nhiều nghệ nhân ở Diềm, Bịu hay Thị Cầu, Châm Khê, Khả Lễ… Các nghệ nhân thì kể họ chính là những “em bé” được cắp ô, cắp nón đi theo ông bà, bố mẹ, cô chú, anh chị từ thủa còn “chưa biết cái chi chi” để học “nghề chơi Quan họ”. Nói vậy để thấy rằng, người thầy trong văn hóa Quan họ rất đặc biệt. Họ có thể không đứng trên bục giảng mà đơn thuần là những anh hai, chị ba, liền anh liền chị thạo nghề chơi. Trong mắt của công chúng, họ không phải là “người gieo chữ” nhưng họ chính là chủ nhân thực sự giữ vai trò nòng cốt trong việc truyền dạy, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa Quan họ đã được cộng đồng thừa nhận.
NSƯT Lệ Ngải là một trong 7 diễn viên đầu tiên của Đoàn Dân ca Quan họ cũng là con gái của cố nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi từng tâm sự: “Người thầy đầu tiên dạy tôi hát Quan họ là bố. Sau đó là những nghệ nhân ở các làng Quan họ gốc. Ngày ấy, chúng tôi đến làng nào cũng được gia đình các nghệ nhân và bà con thôn xóm quan tâm ưu ái “nhường cơm sẻ áo”. Các cụ dốc lòng truyền dạy cho chúng tôi mọi vốn liếng, tri thức mà họ có về Quan họ. Biết ơn những người thầy mẫu mực, đáng kính ấy, tôi cũng dành hết tuổi trẻ đến nay vẫn miệt mài tâm huyết truyền lại chút vốn liếng “ít ỏi” của mình cho thế hệ kế cận”.
Quan họ phát triển được như hôm nay là sự nỗ lực của cả cộng đồng những người yêu say văn hóa Quan họ chứ không phải riêng một ai. Song, tôn vinh và tri ân những người thầy đau đáu, tận tâm tận lực cống hiến cuộc đời để “hồi sinh” và đưa Dân ca Quan họ thăng hoa, tỏa sáng như bây giờ là thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và cũng là một cách bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản văn hóa Quan họ trong đời sống hôm nay cho đến muôn đời sau.

Bài, ảnh: Việt Thanh