“Công bộc” thời @

09/11/2018 08:33 View count: 2073
Bài 2: “NGHỀ” BÍ THƯ CHI BỘ

Sự đổi thay của thị trấn Thứa (Lương Tài) có sự đóng góp tích cực của Chi bộ thôn Phượng Giáo.

Người đứng đầu cấp ủy cơ sở phải là trung tâm của sự đoàn kết, gương mẫu đi đầu ở mọi lúc, mọi nơi, biết sáng tạo, tiếp thu và hiện thức hóa các ý tưởng sáng tạo... Đây là những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn của những người làm Bí thư Chi bộ lâu năm gần dân, trọng dân.

39 NĂM LÀM BÍ THƯ CHI BỘ

 “Đời hay đạo thì tất cả cũng vì cuộc sống tốt đẹp của người dân”- Đó là chia sẻ của ông Chu Văn Minh (68 tuổi), Bí thư Chi bộ thôn Phượng Giáo, thị trấn Thứa (Lương Tài). Gần 40 năm qua, ông Minh luôn sát cánh, gần gũi với giáo dân “sống tốt đời đẹp đạo”.
Năm 1977, rời quân ngũ trở về quê hương, ông Chu Văn Minh được cấp trên tín nhiệm giao nhiệm vụ thành lập Chi bộ. Ngày ấy, Chi bộ Phượng Tiến (nay là Phượng Giáo) chỉ có 3 đảng viên, do ông Minh làm Bí thư Chi bộ. Với phẩm chất và bản lĩnh của bộ đội Cụ Hồ, ông từng bước gây dựng tổ chức cơ sở Đảng vừa cùng Chi bộ lãnh đạo nhân dân lao động, sản xuất.
Phượng Giáo là thôn Công giáo toàn tòng. Thành lập Chi bộ ở vùng giáo vốn đã khó, việc giữ gìn và phát triển tổ chức cơ sở Đảng còn khó khăn bội phần. Lúc đầu không ít người Công giáo kỳ thị, thậm chí còn xa lánh với tổ chức đảng, ông Minh đã hướng bà con đến với tôn giáo và xã hội một cách nhuần nhuyễn. Ông Chu Văn Minh chia sẻ: “Khi cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, Chỉ thị và Nghị quyết của Đảng, tôi thường “cậy nhờ” linh mục truyền đạt, khuyên răn với bà con tại buổi sinh hoạt nơi nhà thờ. Đồng thời bám sát các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”.

Bí thư Chi bộ thôn Phượng Giáo Chu Văn Minh kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa. 

Để Nghị quyết của Đảng đi vào lòng dân, ông Minh đã mạnh dạn khởi xướng các ý tưởng mới, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, từ phát triển kinh tế, văn hóa -xã hội đến bảo đảm an ninh trật tự, tuyên truyền chính sách, pháp luật...  Hơn 10 năm về trước, khi Nhà nước khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng giá trị sản xuất trên diện tích canh tác, ông Minh họp bàn cùng Chi bộ ra Nghị quyết chuyển đổi gần 3 ha diện tích cấy lúa sang trồng hoa, cây cảnh. Thấy ông và các đảng viên làm trước trồng hoa đem lại giá trị kinh tế gấp 8-10 lần so với trồng lúa, người dân trong thôn tin tưởng học tập làm theo. Đến nay, thôn Phượng Giáo có 100/215 hộ trồng hoa, cây cảnh.

Dấu ấn đậm nét nhất trong ngót 40 năm làm Bí thư Chi bộ là việc ông Minh cùng Chi bộ Phượng Giáo phát động toàn dân đi đầu xã hội hóa xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng ở huyện Lương Tài. Thực hiện Nghị quyết số 01 ngày 26-1-1997 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải tạo nâng cấp đường giao thông, người đứng đầu cấp ủy Chi bộ thôn Phượng Giáo đã biết cách quy tụ sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ, khi phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng đường bê tông nông thôn, nội đồng. Ông Chu Văn Minh kể lại: “Mỗi lần đến vụ thu hoạch lúa, hoa mầu, thấy người dân phải vận chuyển trên con đường đất lầy lội vất vả, khó khăn, tôi đã bàn bạc cùng cấp ủy, Chi bộ huy động sức dân làm đường bê tông. Năm 2001, với phương châm Nhà nước hỗ trợ 30%, nhân dân đóng góp 70%, địa phương đã huy động được hơn 500 triệu đồng đổ 1,5 km đường bê tông trục chính thôn (rộng 4m) và cứng hóa kênh mương, bờ vùng, bờ thửa”. Cách làm hay ở Phượng Giáo đã lan tỏa sang các thôn Đạo Sử, Đông Hương (thị trấn Thứa) và các xã khác của huyện Lương Tài.  

Đến nay, thôn Phượng giáo có 215 hộ, 735 nhân khẩu. Chi bộ có 28 đảng viên (tăng 25 đảng viên so với lúc thành lập). Suốt chặng đường gây dựng và củng cố, Chi bộ thôn Phượng giáo có 39 năm đạt TSVM (nhiều năm đạt TSVM tiêu biểu).

Giai đoạn 2008-2010, ông Minh xin rút chức Bí thư Chi bộ. Trong thời gian này, địa phương có chủ trương dồn điền, đổi thửa. Do quá trình tổ chức, thực hiện thiếu công khai, dân chủ, nội bộ mất đoàn kết làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân dẫn đến Chi bộ không đạt TSVM. Trước sự việc đó, Chi bộ và nhân dân thiết tha đề nghị ông Minh quay trở lại làm Bí thư Chi bộ, để lãnh đạo địa phương ổn định tình hình. Từ đó đến nay, ông Chu Văn Minh lại tham mưu, hiến kế để Chi bộ lãnh đạo và triển khai nhiều chương trình, mô hình hiệu quả cho nhân dân. Đó là cơ sở vững chắc để Chi bộ thôn Phượng Giáo vươn lên trở thành điểm sáng của 8 Họ đạo ở huyện Lương Tài về tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vươn lên phát triển kinh tế, đem lại thu nhập cao cho người dân với thu nhập gần 40 triệu đồng/người/năm.
Ông Nguyễn Trọng Điểm, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thứa (Lương Tài) nhận xét: “Tìm một người biết lo mọi việc cho thôn như ông Chu Văn Minh không hề đơn giản. Không chỉ là người có kinh nghiệm mà ông Minh còn trách nhiệm cao, gần gũi người dân, hiểu rõ hoàn cảnh của từng gia đình. Từ trước đến nay, mọi việc trong thôn, ông đều lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
NGƯỜI CÁN BỘ “4 TRONG 1”

Đó là ông Nguyễn Tiến Thắng, 66 tuổi ở thôn Phú Ninh, thị trấn Gia Bình (Gia Bình). Sau 25 năm làm Bí thư Chi bộ, từ cuối năm 2017, do yêu cầu thực tế, ông xin chỉ làm Phó Bí thư Chi bộ để có thời gian kiêm Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp, Trưởng Ban công tác Mặt trận làng, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB huyện Gia Bình.
Dù tuổi ông đã cao nhưng chúng tôi vẫn thấy rõ ở ông sự nhiệt huyết, năng động, sáng tạo trong xu thế đổi mới, hội nhập. Tháng 6-2017, sau khi được học tập và quán triệt Nghị quyết TW 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân, ông Thắng  đã ra Hà Nội học tập mô hình kinh doanh “Siêu thị mini” về đầu tư hơn 2 tỷ đồng mở ngay tại nhà. Đến nay, “siêu thị” của ông đã giải quyết việc làm ổn định cho 6 lao động là con, em các cựu chiến binh với mức lương trung bình từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Học được tư duy đổi mới của ông, một số lao động đã mạnh dạn về quê mở cơ sở riêng cho mình. Anh Nguyễn Văn Tam ở xã Đại Bái (Gia Bình) cho biết: “Ông Thắng không chỉ là ông chủ, mà còn thương chúng tôi như những người thân trong gia đình. Nhờ có ông, mà tôi đã tự tin, mạnh dạn mở cơ sở kinh doanh đồ nhựa dân dụng, phục vụ nhu cầu cho người dân địa phương”.

Ông Nguyễn Tiến Thắng thường xuyên truy cập internet nhằm cập nhật chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước

Năm 1980, sau 14 năm chiến đấu và hoạt động ở Quảng Bình-Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Tiến Thắng trở về quê hương dẫn dắt người dân địa phương phát triển kinh tế với vai trò Đội trưởng Đội sản xuất của HTX nông nghiệp. Với bản tính thẳng thắn, nhiệt tình và được tôi luyện trong quân đội, ông từng bước khẳng định vai trò tiên phong của mình trong cuộc sống cộng đồng.  Năm 1982, ông được Đảng tin, dân mến bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Phú Ninh. Trong suốt thời gian công tác, ông Thắng luôn tận tâm, dốc sức cho tập thể. Ông Nguyễn Tiến Thắng cho biết: “Để cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn chung sức, đồng lòng thì mọi vấn đề liên quan đến lợi ích của nhân dân phải được đưa ra bàn bạc công khai, dân chủ để người dân đóng góp ý kiến, bày tỏ nguyện vọng”.
Trong sản xuất nông nghiệp, với vai trò Chủ nhiệm, sau này là Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp (từ năm 1997 đến nay), hằng năm ông Thắng chỉ đạo HTX cung ứng phân bón, các loại giống cây trồng theo phương pháp trả chậm (không lãi suất) cho người dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế. Đặc biệt, từ năm 2004, ông Thắng cùng với Chi bộ bàn bạc mạnh dạn ra Nghị quyết khuyến khích người dân trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu. Đây là xu hướng mới, được hơn 100 hộ dân đồng tình, ủng hộ trồng gần 5 ha, đem lại giá trị kinh tế gấp 5-7 lần so với trồng lúa.
Là “thuyền trưởng” Hội Doanh nhân CCB huyện Gia Bình, ông Nguyễn Tiến Thắng luôn nỗ lực hết mình, vận động các hội viên đóng

Toàn Đảng bộ tỉnh hiện có 623 Bí thư chi, đảng bộ cơ sở và 1.938 Bí thư Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở. Trong đó, có 45 đồng chí Bí thư (8 đồng chí cấp huyện và tương đương, 33 đồng chí cấp cơ sở và 4 đồng chí cấp trực thuộc cơ sở) được Tỉnh ủy tặng Bằng khen trong giai đoạn 2014-2018.
góp tiền của, vật chất ủng hộ những người đồng đội có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Năm 2017, ông đã huy động được hơn 30 triệu đồng (cá nhân ông ủng hộ 10 triệu đồng) cùng các trang thiết bị xây dựng 1 ngôi nhà nghĩa tình đồng đội cho cựu chiến binh Nguyễn Văn Huynh ở thôn Du Tràng, xã Giang Sơn (Gia Bình).
Trong công tác Mặt trận làng, ông Thắng tích cực vận động người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Mọi thắc mắc, kiến nghị của người dân được ông cùng Chi bộ giải quyết thấu tình, đạt lý, không có đơn thư khiếu nại vượt cấp.
Đồng chí Hoàng Công Thời, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Gia Bình (Gia Bình) đánh giá: “Dù kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, nhiệm vụ khác nhau, nhưng ông Nguyễn Tiến Thắng luôn là điểm tựa vững chắc, là trung tâm quy tụ sức mạnh khối đại đoàn kết, giúp địa phương không ngừng đổi mới và phát triển bền vững”.
Ông Chu Văn Minh và Nguyễn Tiến Thắng chỉ là 2 trong hàng nghìn Bí thư Chi bộ cơ sở luôn gương mẫu, đi đầu, tận tụy vì dân, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. 
Đón đọc bài 3:
Để người dân thụ hưởng...
Khắc Tuấn-Đỗ Xuân-Văn Phong-Xuân Me