Bắc Ninh tự hào lưu giữ 4 di sản đặc sắc trong kho tàng văn hóa nhân loại

22/11/2022 20:37 Số lượt xem: 4628
Tuy nhỏ về diện tích, song chiều dài lịch sử và chiều sâu văn hóa đáng tự hào của quê hương Bắc Ninh đã kết tinh kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, vô cùng phong phú và đặc sắc. Hiện Bắc Ninh đang lưu giữ 4 di sản văn hóa phi vật thể thế giới được UNESCO ghi danh là: Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Nghi lễ và trò chơi kéo co Hữu Chấp, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

CLB Ca trù Thượng Thôn, Đông Tiến, Yên Phong thực hành diễn xướng.

 

1. Dân ca Quan họ Bắc Ninh
Ngày 30-9-2009, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của riêng tỉnh Bắc Ninh mà còn là niềm tự hào của cả nhân dân Việt Nam.
Miêu tả trong Công ước UNESCO, Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thể hiện theo lối hát đối đáp giữa một cặp liền chị của làng này với một cặp liền anh của làng kia bằng một bài hát cùng giai điệu, khác về ca từ. Có hơn 400 bài ca với 213 giọng khác nhau với kỹ thuật hát đặc trưng vang, rền, nền, nảy. Nội dung các bài Quan họ thể hiện tinh thần, triết lý và bản sắc địa phương, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp thắt chặt mối quan hệ xã hội của cộng đồng cùng chia sẻ thực hành diễn xướng di sản văn hóa này.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thực hành rất phổ biến trong các nghi lễ thờ Thành Hoàng, lễ hội, trong hát thi và cả trong những dịp giao lưu. Ở đó, các liền chị chít khăn mỏ quả, đội nón quai thao, còn liền anh mặc áo dài năm thân, đội khăn xếp và cầm ô. Phần lớn bài ca Quan họ thể hiện tình cảm nhớ nhung, nỗi buồn xa cách, sự vui mừng khi gặp mặt của những người yêu nhau mà không lấy được nhau theo quy định của tục kết chạ.
Là loại hình nghệ thuật dân gian gắn bó mật thiết với tình cảm, đời sống, thể hiện khát vọng, ước mơ và hạnh phúc của con người, Dân ca Quan họ Bắc Ninh không chỉ có sức sống lâu bền trong lịch sử dân tộc, mà còn khẳng định giá trị đặc sắc, độc đáo cùng sức sống vượt thời gian trong đời sống đương đại.

2. Ca trù
Năm 2009, tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Ca trù của Việt Nam đã chính thức được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Bắc Ninh là một trong 15 tỉnh, thành phố của cả nước còn gìn giữ và phát triển nghệ thuật Ca Trù. Một số địa phương trong tỉnh như: Xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành; xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình; xã Đông Tiến, huyện Yên Phong... đã thành lập CLB Ca trù để gìn giữ, thực hành diễn xướng di sản...
Trải qua một quá trình phát triển ít nhất từ thế kỷ 15 đến nay, Ca trù là một loại hình di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Đặc sắc ở sự phong phú làn điệu, thể cách, không gian, thời gian biểu diễn và phương thức thưởng thức. Đặc sắc còn thể hiện hiện ở cội nguồn của nó gắn bó mật thiết với nghi lễ, phong tục, lễ hội, tín ngưỡng, văn chương, âm nhac, tư tưởng, triết lý sống của người Việt. Ca trù làm người ta nhớ đến những tao nhân mặc khách với lối chơi ngông, chơi sang, rất tinh tế và giàu cá tính sáng tạo của những văn nhân nổi tiếng như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà...

Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thực hành phổ biến trong các nghi lễ, lễ hội, trong hát thi và trong những dịp giao lưu.

 

3. Nghi lễ và trò chơi kéo co Hữu Chấp
Năm 2015, Nghi lễ và trò chơi Kéo co được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với tư cách là đề cử đa quốc gia gồm Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam. Ở Việt Nam, Nghi lễ và trò chơi Kéo co có mặt ở hầu hết khắp các vùng trung du, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ - vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt gắn với nền văn minh lúa nước.
Tại Bắc Ninh trò chơi dân gian kéo co tại khu Hữu Chấp, phường Hoà Long (thành phố Bắc Ninh) được tổ chức vào ngày mồng 4 tháng Giêng (âm lịch) mang tính độc đáo riêng về cách thức tổ chức chơi, sử dụng thân cây tre làm dây kéo. Đội hình kéo co gồm 70 thanh niên khỏe mạnh chia làm 2 đội bên Đông và Tây, bốn ông hóa cầm cờ lệnh và bốn ông vè làm nhiệm vụ định hướng cuộc chơi.
Theo quy định từ xa xưa của người dân Hữu Chấp, các đội sẽ kéo 3 keo. Điều độc đáo trong trò chơi không phải bên nào kéo khỏe sẽ thắng mà cần vận hành theo quy tắc. Người dân nơi đây cho rằng phía Đông là hướng của mặt trời mọc và phía Tây là phía mặt trời lặn, sự xuất hiện và biến mất của mặt trời thể hiện chu trình khép kín của thời gian luân chuyển từ ngày này sang ngày khác. Đây cũng là một đặc trưng nổi bật của cộng đồng cư dân trồng lúa nước mang trong mình tín ngưỡng thờ thần mặt trời. Vì thế, đến keo thứ ba, dân làng sẽ vào giúp bên Đông để bên Đông chiến thắng.

4. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 1-12-2016. Từ xa xưa, người Việt lựa chọn hình tượng người Mẹ để tôn vinh, thờ phụng và trao gửi niềm tin.
Người Bắc Ninh rất coi trọng thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Các hình thức Tín ngưỡng thờ Mẫu tại Bắc Ninh là thờ nữ thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện - 4 hiện tượng Mây, Mưa, Sấm, Chớp được nhân cách hóa thành thần linh, sau đó có sự tích hợp, dung hội với Phật giáo để phát triển và tồn tại đến ngày nay. Ngoài ra còn thờ các nữ anh hùng, bà chúa là những người có công lao to lớn với dân với nước, điển hình là Bà Chúa Kho - người phụ nữ có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại núi Kho đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống quân Tống; Hai Bà Trưng, Bà Tấm, Nguyên Phi Ỷ Lan...
Trên địa bàn 8/8 huyện, thành phố trong tỉnh đều có các di tích thờ Mẫu, từ hình thức sơ khai thờ nữ thần đến hình thức phát triển cao như Tam phủ, Tứ phủ... gắn liền với những sự tích, truyền thuyết được lưu giữ trong dân gian vùng Kinh Bắc-Bắc Ninh và hội tụ đầy đủ đặc điểm, đặc trưng của Tín ngưỡng thờ Mẫu khu vực đồng bằng Bắc bộ.  

 V. Thanh (tổng hợp)

Văn hóa