Cải thiện chỉ số PCI, cần những nỗ lực mới

10/05/2021 09:52 Số lượt xem: 1783
Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố với 66,74 điểm, giảm 6 bậc so với năm 2019. Tuy nhiên, vẫn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng tốt. Đối với các chỉ số thành phần, tỉnh Bắc Ninh có 4 chỉ số tăng điểm so với năm 2019 là: Gia nhập thị trường tăng 0,16 điểm; Chi phí thời gian tăng 1,19 điểm; Chi phí không chính thức tăng 0,45 điểm; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng 0,13 điểm. Trong khi đó có 6 chỉ số giảm điểm gồm: Tiếp cận đất đai giảm 0,48 điểm; Tính minh bạch giảm 1,68 điểm; Cạnh tranh bình đẳng giảm 1,05 điểm; Tính năng động giảm 0,79 điểm; Đào tạo lao động giảm 0,21 điểm; Thiết chế pháp lý giảm 0,96 điểm.

Qua phân tích các chỉ số có thể thấy điểm mạnh của Chỉ số PCI Bắc Ninh vẫn được duy trì và có những tiến bộ mới. Theo dữ liệu tổng hợp, có 9/11 chỉ tiêu trong Chỉ số Chi phí thời gian năm 2020 có sự cải thiện cho thấy vấn đề thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp được cải thiện theo hướng thu gọn và tập trung; thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) được rút ngắn hơn so với quy định… Điều này giúp doanh nghiệp đạt hiệu quả cao hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2020 cũng tiếp tục ghi nhận sự cải thiện điểm số Chi phí không chính thức khi tăng 0,45 điểm, gia tăng 2 bậc, đây là mức điểm tốt nhất của tỉnh kể từ thời điểm bắt đầu đo lường Chỉ số PCI. Với 6/9 yếu tố trong chỉ số có sự cải thiện về điểm số so với năm 2019 cho thấy, doanh nghiệp đã tin tưởng hơn vào chính quyền và các ngành chức năng. Chỉ số Gia nhập thị trường đạt 7,04 điểm (tăng 0,16 điểm so với năm 2019) với 7/10 yếu tố tăng điểm, cho thấy các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng giảm thời gian doanh nghiệp đăng ký, tăng tỷ lệ đăng ký trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thông qua các hình thức liên lạc trực tuyến trong quá trình làm thủ tục. Từ việc Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng điểm trở lại vào năm 2020, doanh ngiệp đã từng bước ghi nhận năng lực của các cơ quan cung cấp các dịch vụ, chương trình của Nhà nước và sự phát triển của thị trường dịch vụ tư nhân trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp.

 

Dây chuyền đóng bao sản phẩm sữa hộp tại Nhà máy Sữa Tiên Sơn (KCN Tiên Sơn)

 

Phân tích những hạn chế ở 6 chỉ số thành phần giảm điểm thuộc về năng lực giải quyết công việc cụ thể và hiệu quả tương tác, đối thoại, lắng nghe ở các sở, ngành, địa phương chưa cao. Năm 2020, điểm số Tính năng động giảm 0,79 điểm so với năm 2019 song lãnh đạo tỉnh vẫn được đánh giá rất cao: UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân (85,60%); Chỉ tiêu UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh đạt 83,59%.mức cao nhất từ trước tới nay. Điều này cho thấy nguyên nhân của việc giảm chỉ số chủ yếu ở năng lực triển khai các sáng kiến, chủ trương của tỉnh, quá trình thực thi nhiệm vụ, giải quyết kiến nghị của DN ở các ngành, địa phương. Ví dụ: Đề án về hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND thông qua với những quyết sách mạnh nhưng triển khai trên thực tế chưa đủ để cộng đồng DN nhận diện; sự sụt giảm do những ảnh hưởng đến niềm tin của một số ngành do những sự việc nảy sinh trên thực tế; một số ngành xử lý, trả lời kiến nghị của DN chưa đầy đủ. Hay như trong chỉ số Tính minh bạch, mặc dù so với nhiều địa phương thì Bắc Ninh đi sớm xây dựng về đô thị thông minh nhưng lại chậm trong việc ứng dụng, tương tác điện tử với khu vực DN… Bên cạnh đó, nguyên nhân giảm điểm chính là các tỉnh khác có tiến bộ nhanh hơn Bắc Ninh về những chỉ tiêu này.

Nhìn từ số liệu PCI 2020 cho thấy, “dư địa” cải cách của tỉnh trên các lĩnh vực vẫn còn khá lớn với nhiều việc cần làm, cần những nỗ lực mới và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, nhất là ở các địa phương và các ngành chịu trách nhiệm chính đối với các chỉ số giảm điểm. Đặc biệt là với 3 chỉ số có biên độ giảm điểm khá sâu: Tính minh bạch (giảm 1,68 điểm, Cạnh tranh bình đẳng (giảm 1,05 điểm) và Thiết chế pháp lý & An ninh trật tự (giảm 0,96 điểm). Theo đó, một trong những giải pháp quyết liệt là tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; nhất là tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện những nội dung chi tiết nâng cao chất lượng phục vụ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, cấp huyện qua đó giảm các chi phí phát sinh không chính thức. Ngoài ra, tỉnh cũng rà soát hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là trong tiếp cận các thủ tục hành chính, nguồn lực đất đai, miễn giảm thuế, ưu đãi đầu tư…, đẩy mạnh các kênh tham vấn, lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các sở, ngành, địa phương tăng cường tiếp xúc, đối thoại và giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đặc biệt, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động Tổ Công tác hỗ trợ doanh nghiệp của UBND tỉnh hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp, vì sự phát triển chung của tỉnh.

 

Bài, ảnh: Lâm Dương