Quay lại

Dấu chân ngựa Thánh Gióng ở đền làng Thọ Trai

Phiến đá có in dấu chân ngựa của Thánh Gióng được thờ ở đền làng Thọ Trai.

Theo truyền tích của địa phương, làng Thọ Trai có từ thời Hùng Vương là nơi Thánh Gióng đánh giặc Ân qua đây được nhân dân thổi cơm cho ăn. Dấu chân ngựa của Thánh Gióng còn in dấu ở phiến đá nơi rừng cây phía Tây đầu làng. Về sau nơi đấy dân làng Thọ Trai đã lập đền thờ Thánh Gióng.

Đền Thọ Trai nằm ở phía Tây đầu làng, được nhân dân địa phương gọi là đền thờ Đức Thánh Gióng, vốn được khởi dựng từ lâu đời gắn với truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc Ân ở thế kỷ VI. Nhưng ngôi đền cổ ấy đã bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp. Năm 2005, dân làng khôi phục lại ngôi đền trên nền xưa theo kiểu thức truyền thống. Riêng Đình Thọ Trai được xây dựng với quy mô lớn vào thời Lê Trung Hưng và còn bảo lưu nguyên vẹn đến nay. Ngay lối vào cổng đền to đẹp với hàng chữ Hán “Thọ Trai thôn thanh từ’’. Hai bên cổng đền là hai cụm tre đằng ngà vàng óng rung rinh trong gió. Ngôi đền nhỏ bé khiêm nhường nhưng chứa đựng cả một câu chuyện có từ hơn nghìn năm đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Theo lời cụ Từ Nguyễn Đình Triệu (cụ Từ thế hệ thứ năm của đền) dân làng phải chọn cụ Từ trên 60 tuổi có đầy đủ vợ con, đủ trai, đủ gái, con cái phải phương trưởng có đạo đức tốt và phải là gia đình văn hóa mới được trông coi đền.
 Cụ trầm ngâm: Khi mới nhận chìa khóa cụ đã trồng hai luống mía Hòa Bình ở hai bên cổng đền. Mía rất tốt, thân to mập nhưng cứ tối đến khi đi nằm cụ đều nghe văng vẳng bên tai: Chặt mía trồng tre. Mấy hôm đều đều tiếng nói ấy nhắc nhở nên cụ chặt bỏ hết mía. Sau đó cụ đi xe máy đến làng Phù Đổng xin tre về trồng nhưng không có. Cụ phải lặn lội lên tận Đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn thỉnh sư cụ xin tre về trồng. Sư cụ họp các tăng ni và đồng ý cho cụ hai gốc tre mang về Thọ Trai. Từ khi trồng tre cụ ngủ yên và rất khỏe mạnh, trồng rau trên đất của đền rất tốt, nuôi cá mau lớn. Hàng tháng cứ nhằm ngày mồng một cụ đều sắm sửa con gà đĩa xôi đặt thờ, các cụ thượng trong làng đều có mặt để đánh trống dâng lễ.
Giá trị nổi bật tại đền Thọ Trai là phiến đá có in dấu chân ngựa của Thánh Gióng, phiến đá được cất giữ cẩn thận như báu vật không ai được xem. Hàng năm chỉ đến ngày sinh và ngày hóa mới được lấy ra để thờ và các cụ thượng mới được nhìn thấy ở cung cấm. Tại đình Thọ Trai những cổ vật còn bảo lưu được như thần phả, sắc phong, đồ thờ tự. Bản thần tích chữ Hán được soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), sao lại năm Vĩnh Hựu 6 (1740), khắc lại vào gỗ năm Giáp Thìn thời Nguyễn và 4 đạo sắc phong với các niên đại: Tự Đức 10 (1857), Đồng Khánh 2 (1886), 2 sắc Khải Định 9 (1924) đã cho biết về người được thờ là “Đức Thánh Gióng”. Thánh Gióng là một truyền thuyết của dân gian Việt Nam, là một trong 4 vị Thánh bất tử, cùng với Thánh Gióng là Sơn Tinh núi Tản Viên, Chử Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh. Căn cứ vào thần tích, sắc phong và truyền thuyết thì người được thờ ở đền và đình Thọ Trai là “Đức Thánh Gióng”. Sau khi thắng trận, Gióng đã cho ngựa phi thẳng đến đỉnh núi Sóc Sơn rồi bay lên trời. Đất nước thanh bình, nhà vua cảm động trước công lao đánh giặc của Gióng bèn phong là “Phù Đổng thiên vương”, nhân dân nhiều nơi Gióng đánh giặc qua đã lập đền thờ gọi là đền thờ “Đức Thánh Gióng”. Bình Sơn trang nơi Gióng qua đây đóng quân đánh giặc, dấu chân ngựa còn in hằn trên phiến đá tại khu rừng phía Tây đầu làng. Nhân dân nơi đây đã lập đền thờ Đức Thánh Gióng ở đó và còn truyền tụng giữ gìn được phiến đá có vết chân ngựa.
Lược những yếu tố huyền thoại của thần tích trên, thì sự kiện lịch sử cho thấy vào thời Hùng Vương thứ 6, nhân dân nơi đây đã tham gia vào công cuộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Phiến đá có vết chân ngựa Gióng là một vật linh thiêng gắn với truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc qua đây.
Đền và đình Thọ Trai do nhân dân nơi đây dựng lên thờ “Đức Thánh Gióng” người anh hùng có công đánh giặc giữ nước. Và từ lâu trong tiềm thức dân gian Thánh Gióng đã trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam đánh giặc giữ nước. Truyền thuyết về Thánh Gióng của người dân Việt Nam, thể hiện ý chí và sức mạnh của người Việt trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giữ gìn non sông đất nước.

Lưu Lan Phương